Chiến tranh thương mại, suy thoái kinh tế, giá cả leo thang: Thủ tướng TQ sốc vì biết giá táo ở chợ

05/06/2019 19:10 PM | Xã hội

"Không thể mua được", "Giá trái cây đắt như vàng" là những bình luận thể hiện sự bất mãn của người Trung Quốc hiện nay.

Giá thực phẩm Trung Quốc tăng

Chợ nông sản có tên Tân Phát Địa với quy mô rộng lớn nằm ở vùng ngoại ô phía Nam Bắc Kinh vẫn đang diễn ra một cảnh tượng nhộn nhịp. Các nhà hàng, quán ăn và người tiêu dùng tiết kiệm đến đây để mua trái cây và rau củ với số lượng lớn.

Nhưng một buổi chiều cách đây không lâu, hầu hết các nhà cung cấp táo đã ngủ gục bên cạnh sạp hàng thay vì bận rộn bán buôn. Giá táo gần đây đã tăng gấp đôi khiến người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang mua các mặt hàng khác.

"Bây giờ chỉ có nhà giàu mới ăn táo thôi", Lý Đào - thương nhân có kinh nghiệm kinh doanh táo hơn 20 năm qua nói.

"Giá táo bây giờ đắt quá", Lý cho biết, giá táo trước đây rẻ đến nỗi những người lao động nhập cư cũng có thể mua được.

Theo The New York Times (NYT- Mỹ), Bắc Kinh - đang nỗ lực vật lộn với sự suy thoái kinh tế và cuộc chiến thương mại với Washington - giờ đây phải lo lắng về giá thực phẩm tăng cao. Và không chỉ có táo. Giá thịt lợn đã tăng vọt khi nước này đối phó với dịch lợn tả châu Phi. Giá thịt gà, thịt bò và thịt dê cũng theo đó tăng lên.

Ngoài thực phẩm, Trung Quốc dường như không tồn tại vấn đề lạm phát trên diện rộng nhưng chi phí thực phẩm gia tăng đã trở thành một chủ đề nóng ở nước này. Giới quan chức chính phủ đang trấn an người dân rằng, họ sẽ đảm bảo nguồn cung rất dồi dào dù đang thực hiện các bước để bình ổn giá.

"Người dân và các nhà kinh tế thì mỗi người một ý kiến", ông George Magnus, nghiên cứu viên Trung tâm Trung Quốc, Đại học Oxford cho biết.

Ông chỉ ra rằng, mặc dù mức lạm phát chung có thể không cao nhưng giá cả của các loại thực phẩm thường thấy như thịt lợn, trái cây và rau củ tăng cao có thể ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu của người tiêu dùng. "Đây là vấn đề tiềm ẩn của nền kinh tế Trung Quốc", ông này nói.

 Chiến tranh thương mại, suy thoái kinh tế, giá cả leo thang: Thủ tướng TQ sốc vì biết giá táo ở chợ - Ảnh 1.

Vừa bận rộn đối phó với suy thoái kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ, giờ đây Bắc Kinh phải lo lắng về sự tăng giá của thực phẩm. Không chỉ táo, các loại trái cây và rau củ khác cũng đắt hơn. Ảnh: NYT


Vào ngày 25/5, khi đến thăm một cửa hàng trái cây ở tỉnh Sơn Đông, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thể hiện sự ngạc nhiên.

"Giá tăng cao như vậy sao?", ông Lý đã thốt lên sau khi nghe chủ cửa hàng hoa quả chia sẻ rằng giá táo đã tăng hơn gấp đôi năm ngoái.

Bên cạnh đó, các quan chức Trung Quốc vẫn đang cố gắng kiểm soát sự bùng phát dịch lợn tả châu Phi, gây ảnh hưởng nghiêm tới các đàn lợn tại Trung Quốc. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, hơn 1 triệu con lợn đã bị tiêu hủy nhưng dịch bệnh dường như vẫn đang tiếp diễn.

Đối với trái cây và rau củ, cơ quan chức năng đổ lỗi cho thời tiết khắc nghiệt và nói rằng việc tăng giá chỉ là tạm thời.

"Giá trái cây và rau củ đã thu hút sự chú ý của mọi người. Thịt lợn cũng vậy", ông Chenjun Pan Chenjun, Giám đốc điều hành lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp tại Trung tâm nghiên cứu Rabo Research cho biết.

Các chuyên gia cũng đang theo dõi về sự lây lan của loại sâu bệnh có tên sâu keo mùa thu, thường gây hại cho các loại cây trồng như lúa, cao lương và ngô. Theo truyền thông Trung Quốc, hơn 350 dặm vuông cánh đồng đã bị loài sâu này phá hoại, đặc biệt tác động loài này đối với giá cây trồng có thể sẽ thể hiện rõ nhất vào cuối năm nay.

NYT nhận định, giá thực phẩm tăng cao trùng với thời điểm nhạy cảm của nền kinh tế Trung Quốc. Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình từng kêu gọi người dân Trung Quốc bước vào cuộc "trường chinh hiện đại" trong bối cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu cho thấy, nền kinh tế mới trỗi dậy sẽ bắt đầu suy thoái và Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm. Vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thừa nhận rằng nền kinh tế đang chịu áp lực khi Bắc Kinh hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay.

Theo ghi nhận, tình trạng tăng giá hiện nay dường như chỉ giới hạn ở thực phẩm. Năm nay, giá thuê nhà đã hạ nhiệt xuống mức tăng trưởng một con số. Tiền lương tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nguyên liệu thô và các mặt hàng khác tại các nhà máy ở Trung Quốc không có sự biến động lớn về giá. Trong khi sản lượng trong ngành ô tô, sắt thép và các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc lại dư thừa, điều đó có nghĩa nếu giá cả tăng thì sản lượng sẽ tăng.

"Tôi không nghĩ lạm phát là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc hiện nay", ông Dư Vĩnh Định - chuyên gia kinh tế nổi tiếng tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc nói.

Gây bất ổn tới kinh tế Trung Quốc

Ngoài ra, theo NYT, người lao động Trung Quốc cũng không có cơ sở để tăng lương - tăng lương là một yếu tố khác có thể dẫn đến lạm phát. Khi ngành kỹ thuật Trung Quốc tăng trưởng chậm vào mùa Đông và mùa Xuân, thất nghiệp sẽ là vấn đề của đội ngũ lao động trí thức trẻ.

Tuy nhiên, giá lương thực tăng cao đã thu hút sự chú ý của các hộ gia đình và đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc. Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, giá thịt lợn tăng 14% và giá thực phẩm tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ tháng 4. Các quan chức nông nghiệp cảnh báo rằng, giá thịt lợn có thể tăng 70% trong năm nay. Theo thống kê chính thức, chỉ một tuần trước, giá trung bình của bảy loại trái cây đã đạt con số cao nhất trong 5 năm qua.

 Chiến tranh thương mại, suy thoái kinh tế, giá cả leo thang: Thủ tướng TQ sốc vì biết giá táo ở chợ - Ảnh 2.

Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, giá thịt lợn tăng 14% và giá thực phẩm tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ tháng 4. Ảnh: NYT

Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, chính quyền sẽ "sẽ đảm bảo hiệu quả việc cung cấp cho thị trường các nhu yếu phẩm hàng ngày như trái cây, rau củ, thịt và trứng".

Hồi đầu tháng 5, các quan chức kinh tế Bắc Kinh cho biết, họ đang đưa ra một kế hoạch dự phòng để đối phó với sự tăng giá của ngũ cốc và dầu ăn ở thị trường Bắc Kinh. Họ đã đưa ra các thông báo tương tự khi giá thịt lợn tăng trong năm 2016 và giá rau tăng trong năm 2017.

Tình hình tăng giá mức cao hơn đã bắt đầu lan sang các loại thực phẩm khác. Giá thịt lợn tăng đã khiến một số nhà hàng và hộ gia đình chuyển sang thịt gà, thịt bò hoặc thịt dê, đẩy giá các loại thịt này tăng lên.

Các thương nhân và lò mổ mua thêm nhiều gia súc hơn và sau đó bán với giá cao hơn, điều này cũng phá vỡ chuỗi cung ứng lạnh của Trung Quốc- tức mạng lưới cung ứng có kiểm soát nhiệt độ và kho đông lạnh trong quá trình vận chuyển các loại thực phẩm từ nông trường tới bàn ăn.

Không rõ liệu việc tăng giá sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế hay không, ông Harry Broadman, cựu Giám đốc điều hành của Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết, kỳ vọng lạm phát có thể thúc đẩy công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước yêu cầu tăng lương.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, sự bất mãn ngày càng gia tăng. Kênh tài chính Ifeng đã tiến hành điều tra khảo sát trên nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc, yêu cầu mọi người chọn lý do giải thích cho sự tăng giá bất ngờ của trái cây. Các lựa chọn không bao gồm sự gia tăng lạm phát tổng thể nhưng người tham gia đã viết thêm điểm này vào phần bình luận.

"Rõ ràng là lạm phát", một người viết.

Thậm chí, có ý kiến phản bác trước hướng dẫn "mỗi người cần hấp thụ ít nhất 500gram rau và 250gram trái cây mỗi ngày" từ Hiệp hội dinh dưỡng Trung Quốc.

"Không thể mua được", một người bình luận, "trái cây đắt như vàng".

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM