Các "thần nhãn" nơi công sở đừng vội tự hào dùng nhiều máy tính vẫn không cận thị: Cảnh giác với hội chứng thị giác màn hình, đối diện nguy cơ mù lòa lúc nào không hay

06/05/2022 16:17 PM | Sống

Việc dân công sở phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại trong suốt nhiều giờ mỗi ngày kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho đôi mắt. Trong đó có hội chứng thị giác màn hình.

Đối với dân văn phòng, máy tính và điện thoại đã trở thành người bạn đồng hành không thể tách rời hàng ngày. Việc sử dụng máy tính liên tục, kéo dài hết ngày này qua ngày khác đã và đang ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe đôi mắt.

Nhiều người vẫn tự hào rằng, dù đối diện với lap hơn chục năm nhưng mắt vẫn không hề bị cận. Song, cận thị không phải bệnh lý duy nhất và nguy hiểm nhất. Trong đó, nổi bật lên là hội chứng thị giác màn hình, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng mà ít ai để ý đến.

Hội chứng thị giác màn hình là gì?

Hội chứng thị giác màn hình bao gồm các hội chứng về thị lực, bệnh lý về mắt liên quan đến việc tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị màn hình điện tử khác ví dụ như: điện thoại, máy tính, máy tính bảng, tivi,...Hội chứng thị giác màn hình thường làm ảnh hưởng đến sự tập trung khi làm việc và làm cho chất lượng cuộc sống cũng như lao động của người sử dụng máy vi tính bị giảm sút.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày sẽ tăng 90% nguy cơ bị suy giảm thị lực.

Đáng nói, suy yếu thị lực của đôi mắt là nguy cơ dẫn đến mù lòa do mắt bị tác động bởi ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị màn hình. Thậm chí là ánh sáng từ đèn LED và đèn huỳnh quang.

Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thị giác màn hình bao gồm: Mắt có tật khúc xạ, vị trí đặt máy tính không đúng, sử dụng điện thoại thường xuyên, ngồi sai tư thế,...

Các thần nhãn nơi công sở đừng vội tự hào dùng nhiều máy tính vẫn không cận thị: Cảnh giác với hội chứng thị giác màn hình, đối diện nguy cơ mù lòa lúc nào không hay - Ảnh 1.

Việc tiếp xúc với quá nhiều thiết bị điện tử mỗi ngày khiến dân công sở dễ mắc hội chứng thị giác màn hình

Triệu chứng của hội chứng thị giác màn hình

Những triệu chứng thường gặp của hội chứng thị giác màn hình bao gồm:

Mỏi mắt: Khi nhìn vào màn hình máy tính liên tục trong nhiều giờ thì biểu hiện đầu tiên của hội chứng thị giác màn hình đó là mỏi mắt.

Nhìn mờ: Mắt bị mờ nhưng không bị suy giảm thị lực thì rất có thể là biểu hiện của hội chứng rối loạn thị giác do máy tính. Nguyên nhân do màn hình có thêm các yếu tố bao gồm: Độ tương phản, độ chớp sáng và độ chói nên khiến cho mắt dễ bị mờ hơn.

Khô mắt: Chớp mắt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể giúp cho nước mắt tiết ra và trải đều trên bề mặt mắt. Thông thường mỗi người chớp mắt trung bình khoảng 14 lần/ phút. Tuy nhiên, mắt chúng ta chỉ chớp 6 lần mỗi phút khi sử dụng máy tính hay điện thoại. Mắt chớp ít hơn làm cho nước mắt không đủ để cung cấp lên bề mặt mắt dẫn tới mắt bị khô và dễ bị kích ứng.

Nhức đầu: Khi có dấu hiệu bị mắc hội chứng thị giác màn hình thì bệnh nhân có thể bị nhức đầu. Khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính quá gần, tư thế làm việc không hợp lý có thể khiến việc điều tiết cơ mắt đạt đến cực hạn và gây nên cơn đau đầu.

Nhìn đôi: Nhìn đôi hay còn gọi là song thị là một hiện tượng nhìn một vật nhưng lại thấy được hai hình ảnh, tức là bên cạnh hình ảnh thật của vật có xuất hiện một hình ảnh khác mờ hơn. Nhìn đôi còn xảy ra khi cơ mắt bị suy yếu hoặc dây thần kinh thị giác bị tổn thương.

Các thần nhãn nơi công sở đừng vội tự hào dùng nhiều máy tính vẫn không cận thị: Cảnh giác với hội chứng thị giác màn hình, đối diện nguy cơ mù lòa lúc nào không hay - Ảnh 2.

Hội chứng thị giác màn hình làm người bệnh mệt mỏi, đau vai cổ

Đau cổ, vai gáy: Nhiều bệnh nhân thường điều chỉnh cổ và lưng để nhìn rõ hơn khi mắt mờ do hội chứng thị giác màn hình. Tuy nhiên điều chỉnh này có thể khiến cho người bệnh bị đau lưng, đau cổ, và mỏi vai gáy vì tư thế ngồi không đúng khi làm việc.

Cách phòng ngừa hội chứng thị giác màn hình

Ánh sáng xanh là một trong những loại ánh sáng có năng lượng lớn nhất trong số những ánh sáng nhìn thấy được. Do vậy, ánh sáng xanh có thể dễ dàng xuyên qua các lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu đến đáy mắt và gây ra tổn thương võng mạc.

Vì vậy, một số biện pháp khắc phục khi thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh như:

- Hạn chế tối đa việc nhìn vào màn hình điện tử: Do buổi sáng chúng ta đã làm việc từ 8-10 tiếng với máy tính nên trong vòng 2-3 tiếng trước khi ngủ, có thể nghe radio, nghe nhạc, đọc sách báo, đi dạo thay vì sử dụng điện thoại, và xem tivi.

Các thần nhãn nơi công sở đừng vội tự hào dùng nhiều máy tính vẫn không cận thị: Cảnh giác với hội chứng thị giác màn hình, đối diện nguy cơ mù lòa lúc nào không hay - Ảnh 3.

Nếu thấy những bất thường về mắt hãy đi khám sớm nhất có thể

- Người sử dụng màn hình điện tử cần tuân theo nguyên tắc 20-20-20. Có nghĩa là cho đôi mắt nghỉ sau mỗi 20 phút, trong vòng 20s và nhìn vật cách xa ít nhất 20 bàn chân (khoảng 6m). Chúng ta có thể nhìn qua cửa sổ hoặc nhìn quanh căn phòng.

- Chớp mắt thường xuyên để tránh tình trạng mắt bị khô, nên bổ sung độ ẩm cho mắt bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo.

- Cần giữ đúng tư thế làm việc và khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính phù hợp để làm cho việc điều tiết cơ mắt được tốt hơn, hạn chế đau đầu, mỏi mắt.

Tóm lại, với tác động của các nguồn ánh sáng nguy hiểm từ các thiết bị điện tử có thể khiến người bệnh bị suy giảm thị giác, thậm chí là mù lòa. Do đó, khi thấy có dấu hiệu mỏi mắt, đau nhức mệt mỏi tăng dần, đặc biệt là đối với những người thường xuyên làm việc với máy tính thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Nguồn: ThS.BS Hoàng Thanh Nga- BV Vinmec

Các thần nhãn nơi công sở đừng vội tự hào dùng nhiều máy tính vẫn không cận thị: Cảnh giác với hội chứng thị giác màn hình, đối diện nguy cơ mù lòa lúc nào không hay - Ảnh 4.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM