Bức tranh giáo dục các nước OECD năm 2017 có gì đặc biệt?

09/10/2017 11:47 AM | Xã hội

Giáo dục thế giới đang tốt hơn bao giờ hết, với số năm học tập trung bình trong trường học liên tục tăng lên. Một báo cáo mới của OECD, Tổng quát giáo dục 2017, đã xem xét tình hình giáo dục của 35 quốc gia thành viên và một số nước đối tác.

Theo báo cáo này, 85% thanh niên (25 - 34 tuổi) đã đạt trình độ trung học phổ thông. Gần ½ (43%) có trình độ học tập cao hơn và đã có bằng đại học. Một số quốc gia có tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp đại học thậm chí còn cao hơn, 50% trở lên, bao gồm Canada (61%), Ireland (52%), Nhật Bản (60%), Hàn Quốc (70%), Lithuania (55%) và Liên bang Nga (60%).

Bức tranh giáo dục các nước OECD năm 2017 có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Giáo dục tiểu học và trung học

Trung bình ở các nước OECD, chỉ có 6% người trưởng thành không vượt quá bậc tiểu học.Tuy nhiên, ở một số quốc gia, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều. ¼ thanh niên ở Trung Quốc và Ả-rập Xê-út (24%) chưa hoàn thành bậc tiểu học. Con số này thậm chí còn tệ hơn ở Costa Rica (29%), Indonesia (43%), Bồ Đào Nha (30%) và Thổ Nhĩ Kỳ (43%).

Tỷ lệ trung bình người trẻ tuổi chưa học đến trung học phổ thông là 16% ở các quốc gia thành viên OECD. Tuy nhiên, con số này cũng cao hơn rất nhiều ở một vài quốc gia. Hơn ½ số thanh thiếu niên không học tới bậc trung học phổ thông ở Trung Quốc (64%), Costa Rica (51%), Ấn Độ (64%), Indonesia (53%), Mexico (53%), và Nam Phi (51%).

Trình độ học vấn của cha mẹ thực sự quan trọng

Yếu tố quan trọng nhất khi dự đoán trình độ học vấn tương lai của một đứa trẻ là trình độ học vấn của cha mẹ. Một người trẻ tuổi có nhiều khả năng học hết đại học nếu một trong hai hoặc cả cha và mẹ của họ đã làm điều đó.

Ngoại lệ duy nhất là Nhật Bản, nơi trình độ học vấn của cha mẹ và giới tính có ảnh hưởng ngang nhau.

Các ngành học đang được ưa chuộng

Bức tranh giáo dục các nước OECD năm 2017 có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Kinh doanh, quản trị và luật là các ngành học phổ biến nhất ở các nước được điều tra, với tỷ lệ được lựa chọn bởi trung bình gần ¼ (23%) sinh viên. Tất nhiên, con số này thay đổi ở các quốc gia khác nhau. Tại Hàn Quốc, chỉ có 14% sinh viên theo học 3 ngành này, còn ở Luxembourg là 37%.

Tuy nhiên, theo báo cáo, về mặt khả năng có việc làm, thanh niên nên theo học các ngành như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Chỉ có 16% học kỹ thuật, xây dựng và sản xuất, ít hơn %% sinh viên lựa chọn công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mặc du sinh viên tốt nghiệp trong các ngành này có tỷ lệ việc làm cao nhất ở các nước OECD.

Sự mất cân bằng giới

Bức tranh giáo dục các nước OECD năm 2017 có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Tỷ lệ nữ giới tham gia vào giáo dục đại học ngày càng tăng ở các nước được khảo sát. Họ cũng có nhiều khả năng hoàn thành đại học cao hơn nam giới. Tuy nhiên, họ lại kiếm tiền ít hơn.

Thu nhập trung bình của nam giới có bằng đại học cao hơn nữ giới có cùng trình độ học vấn. Đồng thời, tỷ lệ việc làm cho nam giới có trình độ đại học có xu hướng cao hơn so với phụ nữ có trình độ học vấn tương đương.

Có một sự khác biệt rõ ràng về giới trong ngành mà những người trẻ tuổi lựa chọn ở bậc đại học. Số lượng nữ giới chọn học về giáo dục, y tế và phúc lợi nhiều hơn nam giới rất nhiều, mặc dù trung bình, nữ sinh có điểm số môn khoa học trong bài kiểm tra PISA cao hơn nam sinh.

Các nam sinh có khả năng cao hơn các nữ sinh vạch ra một kế hoạch cho sự nghiệp liên quan đến khoa học khi họ 30 tuổi. Trong khi đó, 7/10 giáo viên trong các quốc gia OECD là nữ. Dựa vào số lượng phụ nữ chọn theo học ngành giáo dục so với nam giới, thì xu hướng này có khả năng cao sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Giáo viên kiếm được ít hơn 60% so với những lao động có trình độ học vấn tương đương.

Chi tiêu cho giáo dục

Bức tranh giáo dục các nước OECD năm 2017 có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

Theo tỷ lệ % GDP, Vương quốc Anh chi tiêu nhiều cho giáo dục hơn bất kỳ quốc gia OECD nào, theo sát Anh là Đan Mạch và New Zealand. Pháp và Thụy Điển dành ít tiền nhất cho giáo dục.

Những lợi ích giáo dục đại học

Hoàn thành bậc đại học vẫn có rất nhiều lợi ích. Sinh viên tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng được tuyển dụng hơn, họ kiếm được 56% nhiều hơn những người không có bằng cấp, và họ ít có khả năng bị trầm cảm.

Tổng thư ký OECD Angel Gurría cho rằng giáo dục đại học hứa hẹn nhiều lợi ích cho các cá nhân, nhưng các hệ thống giáo dục phải làm tốt hơn công việc giải thích điều đó cho những người trẻ tuổi. Ngoài ra, giáo dục chất lượng và công bằng thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu cá nhân cũng như phát triển kinh tế. Các quốc gia cần tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng giáo dục đáp ứng được nhu cầu của trẻ em ngày nay và tìm hiểu nguyện vọng của chúng cho tương lai.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM