Từ Harvard đến RMIT Việt Nam: Giáo dục "phi lợi nhuận" không phải là không lợi nhuận, càng không có chuyện học phí làng nhàng

27/09/2017 09:13 AM | Kinh doanh

Kinh doanh theo mô hình phi lợi nhuận không còn quá mới ở nước ngoài cũng như Việt Nam. Tuy nhiên khái niệm này đang bị nhiều người hiểu sai khi cho rằng với mô hình phi lợi nhuận, đơn vị cung cấp sẽ không có lợi nhuận.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin một hệ thống giáo dục tư nhân trong nước tăng học phí trung bình 40-50% so với cam kết 10%. Khoan nói về mức giá cao thấp hay tính hợp lý của quyết định này, nhiều phụ huynh cho rằng trường học đang đi ngược với tôn chỉ “phi lợi nhuận” được tuyên bố trước đây.

Vậy bản chất mô hình kinh doanh phi lợi nhuận là gì? Có phải cứ kinh doanh phi lợi nhuận là sẽ không có lãi?

Phi lợi nhuận - mô hình có thể mang lại nguồn thu khổng lồ

Kinh doanh theo mô hình phi lợi nhuận (non-profit – NPO) là cách thức kinh doanh phổ biến tại các quốc gia tiên tiến như Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... NPO khiến nhiều người nghĩ rằng đây là mô hình kinh doanh không có lợi nhuận (chữ “phi” là từ Hán Việt, nghĩa là không có) hoặc hoạt động dưới hình thức làm “từ thiện” đơn thuần. Sự thật là NPO nếu được vận hành tốt, có thể đem lại lợi nhuận, thậm chí siêu lợi nhuận.

Đại học Harvard của Hoa Kỳ là một trong những minh chứng rõ ràng nhất. Trong năm tài chính 2016, tổng doanh thu hoạt động của Harvard lên tới 4,78 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm trước. Các nguồn thu đến từ học phí của sinh viên, nhà tài trợ, các công ty con trong hệ thống Harvard như Trường Kinh doanh Harvard, Harvard Management Company… Forbes từng đánh giá Harvard là trường đại học giàu có nhất nước Mỹ với tài sản ròng lên tới 44,6 tỷ USD (tính đến ngày 30/6/2016).

Vậy nên yếu tố quyết định một mô hình kinh doanh có phải NPO hay không không phụ thuộc vào khoản tiền thu về, mà phụ thuộc vào cách người phía sau ứng xử với lợi nhuận. Theo đó, một mô hình được coi là NPO nếu khoản lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh không được chia lại cho các chủ sở hữu, cổ đông, mà tái sử dụng cho những hoạt động như đầu tư phát triển công ty, phục vụ cộng đồng…

Pháp luật VIệt Nam cũng quy định doanh nghiệp phi lợi nhuận là doanh nghiệp được thành lập theo luật doanh nghiệp và hoạt động như các doanh nghiệp thông thường. Chỉ khác là những đơn vị này cam kết sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đăng ký. Như vậy, các mô hình phi lợi nhuận ở Việt Nam nếu thực hiện đúng quy định về doanh nghiệp xã hội thì cũng chưa thực sự đúng mô hình thế giới vì vẫn được sử dụng tối đa 49% lợi nhuận.

Lý giải về điều này, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết trong hoàn cảnh hiện nay, Chính phủ khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục nhưng vì là giai đoạn đầu nên cần khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.

Mô hình giáo dục phi lợi nhuận tại Việt Nam: Học phí không hề thấp

Nếu các trường tư theo mô hình lợi nhuận hoạt động giống như một công ty, kinh doanh và kiếm tiền cho cổ đông, thì những trường theo mô hình phi lợi nhuận có mục tiêu hướng đến là chất lượng giáo dục của sinh viên, giúp họ hoàn thành việc học và thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên mức học phí tại những cơ sở này không hề thấp, thường chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế mới đáp ứng được.

Unis Hà Nội là một trong những là một ngôi trường phi lợi nhuận dành cho cả những gia đình nước ngoài và gia đình Việt Nam hiện đang sống ở Hà Nội. Mức học phí tăng theo từng cấp, trong đó học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ trả mức phí hơn 22.000 USD/năm (500 triệu đồng) còn học sinh lớp 11, 12 là 27.000 USD/năm (hơn 610 triệu đồng).

Còn tại đại học RMIT Việt Nam (một trường phi lợi nhuận), học phí cho chương trình Đại học nằm trong khoảng 500 – 800 triệu đồng cho toàn bộ khóa học. Hay như đại học Harvard danh tiếng, trong năm 2016, mỗi sinh viên phải nộp khoản học phí lên tới 45.278 USD/năm (hơn 1 tỷ đồng).

Những khoản thu này, cộng thêm nhiều khoản khác bên ngoài, sẽ được dùng để tái đầu tư vào cơ sở vật chất, hỗ trợ gánh nặng học phí cho học sinh, sinh viên hay cung cấp nguồn cho học bổng… Trong hơn 10 năm vào Việt Nam, RMIT không chia lợi tức cho cá nhân hay tập thể nào. Hội đồng điều hành chủ trương tạo lợi nhuận cao để cấp học bổng lớn và đầu tư nghiêm túc vào chương trình, cơ sở đào tạo.

Như vậy, vấn đề với các trường phi lợi nhuận không phải là thu bao nhiêu tiền học phí hay lãi bao nhiêu, mà là các trường đã sử dụng đồng tiền như thế nào và mang lại kết quả ra sao cho người học cũng như cho xã hội.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM