10 năm qua ở Việt Nam, cứ 2 doanh nghiệp lại có 1 doanh nghiệp phải... "chết"

14/04/2016 17:52 PM | Kinh tế vĩ mô

Tỷ lệ chết của doanh nghiệp ở Việt Nam lên đến 45,5%. Đó là một thực tế "hoàn toàn không bình thường" mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong suốt 10 năm qua.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây vừa Công bố báo cáo Doanh nghiệp thường niên 2015.

Theo kết quả báo cáo, chỉ riêng trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Tổng cộng, giai đoạn 2007-2015 có 692 ngàn doanh nghiệp ra đời, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập lên khoảng 941 ngàn.

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này đã có tổng cộng 428 ngàn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, tương đương với tỷ lệ 45,5% tổng số doanh nghiệp được thành lập kể từ khi có Luật doanh nghiệp năm 2000.

Như vậy, hiện cả nước còn gần 513 ngàn doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2015.

Tỷ lệ này có nghĩa là trong gần 10 năm qua, cứ 2 doanh nghiệp từng tồn tại trên thị trường lại có 1 doanh nghiệp đã chết.

Bình luận về tình trạng này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, một trong những người có công trong xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2000, con số doanh nghiêp “chết” như vậy là “hoàn toàn không bình thường” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn).

Theo ông Doanh, tỷ lệ doanh nghiệp chết đi ở các quốc gia khác cũng cao, khoảng 30%, nhưng không cao như của Việt Nam.

“Điều đáng lo lắng là tỷ lệ của Việt Nam rất cao, chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam rất không thuận lợi”, ông nói.

Nguyên nhân doanh nghiệp chết đi theo ông Doanh là do lãi suất, gánh nặng thuế phí chính thức rất cao, gánh nặng thuế phí không chính thức còn cao hơn nữa đã bào mòn sức sống của doanh nghiệp trong nước.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM