Doanh nghiệp FDI thích Việt Nam nhờ thuế suất thấp, ít rủi ro

03/04/2016 18:23 PM | Kinh tế vĩ mô

So với nhiều quốc gia khác, doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có mức thuế suất thấp hơn, nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp...

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 (PCI 2015) vừa được công bố có khảo sát đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (DN FDI) về môi trường kinh doanh tại nước ta.

Kết quả cho thấy, đa số DN FDI đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam có nhiều hấp dẫn hơn so với nhiều quốc gia cạnh tranh khác.

Doanh nghiệp FDI lạc quan khi đầu tư vào Việt Nam

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu PCI 2015 cho hay, khảo sát thu thập ý kiến của 1.584 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất.

Qua khảo sát cho thấy, tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp FDI. Năm 2015 vừa qua, 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 62% tuyển thêm lao động mới. Số lượng việc làm theo điều tra PCI-FDI được ghi nhận tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Đánh giá có các tín hiệu khởi sắc về triển vọng tương lai, ông Tuấn cho biết: Theo nhiệt kế doanh nghiệp, tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới đã tăng lên nhanh chóng. Năm vừa qua, gần một nửa số doanh nghiệp trong mẫu điều tra PCI-FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động.

Tuy nhiên, tương tự như kết quả điều tra PCI-FDI các năm trước, DN FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. Họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia, do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm. Tương tự như nguồn vốn FDI đăng ký, đa phần các nhà đầu tư đến từ Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc.

Số liệu thống kê cho thấy năm 2015 là năm thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng vốn FDI giải ngân lên tới 14,5 tỉ USD, tăng 17,4% so với năm trước, là mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao nhất kể từ khi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên được thông qua năm 1987. Không những thế, dòng vốn FDI cam kết còn tăng cao hơn, với tổng cộng 2.013 dự án và 15,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 27% về số lượng dự án, dù có giảm nhẹ (0,4%) về tổng vốn đăng ký so với năm 2014.

Nhiều dự án tăng vốn đầu tư xuất phát từ việc mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là tín hiệu rất tích cực, bởi nó cho thấy nhiều nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam.

Ít rủi ro nhưng vẫn lắm rào cản

Đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khoảng nửa số doanh nghiệp FDI, trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác (chủ yếu là Trung Quốc (27,9%), Thái Lan (21,2%) và Indonesia (12,6%)). Tỷ lệ cân nhắc các quốc gia này đều tăng so với năm ngoái và gần gấp đôi mức năm 2013.

Trong số nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc quốc gia đầu tư, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, trong khi chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia.

Đặc biệt, khi so sánh Việt Nam với các nước khác đang cân nhắc đầu tư, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tốt ở các lĩnh vực như: mức thuế suất thấp hơn, nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao hơn và bất ổn chính sách thấp hơn.

Còn khảo sát cảm nhận về rủi ro tại Việt Nam của các DN FDI, các nhà đầu tư hiện tại coi Việt Nam là một môi trường tương đối an toàn để đầu tư kinh doanh so với các địa điểm khác. Trong đó, 65% DN FDI cho rằng Việt Nam có ít rủi ro hơn và 30% cho rằng Việt Nam có mức độ rủi ro tương tự như các quốc gia cạnh tranh khác.

Hai loại rủi ro chính mà DN FDI quan tâm: Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp FDI bày tỏ quan ngại về rủi ro kinh tế vĩ mô, do những thay đổi về nền tài chính quốc tế hoặc trong nước. Mặc dù từ năm 2010, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm thiểu những rủi ro này, song đây vẫn là mối lo ngại lớn đối với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài.

"Các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ chung cảm nhận là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức, gánh nặng thực hiện các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế và các dịch vụ công khác) và chất lượng và độ ổn định của cơ sở hạ tầng."- PCI 2015.

Thứ hai là rủi ro về các quy định do những thay đổi về quy định khiến lợi nhuận kinh doanh của họ bị giảm sút. Đáng chú ý, vấn đề này ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2014. Các phân tích sâu hơn cho thấy nguyên nhân chính của những quan ngại này lại không đến từ các yêu cầu khi gia nhập thị trường, mà từ chính các gánh nặng quy định liên quan đến quá trình vận hành doanh nghiệp và các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Dẫn số liệu khảo sát có khoảng 70% số lượng các doanh nghiệp FDI cho biết họ phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gian trong năm để giải quyết các thủ tục hành chính, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, một số thay đổi đơn giản có thể mang lại dòng vốn đầu tư nhiều hơn, góp phần đổi mới và phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam chưa thể phát triển dựa trên những lợi ích này bởi việc tiếp cận những tài liệu quan trọng, đặc biệt là tài liệu về quy hoạch và dự toán ngân sách địa phương, có chiều hướng khó khăn hơn theo thời gian.

Các doanh nghiệp FDI nhận định rằng, việc tiếp cận thông tin càng khó khăn thì sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào các mối quan hệ càng lớn, dẫn đến giảm chất lượng của nguồn thông tin khi họ tiếp cận được./.

Theo Xuân Thuân

Cùng chuyên mục
XEM