Yêu thương đến mấy cũng nên để con cái tự chịu 5 loại KHỔ, tương lai nên người mới thấy biết ơn
Có câu: “Thuốc đắng dã tật”. Con người sống cả đời, nếu không chịu khổ bây giờ thì mai sau sẽ khổ, nếu chịu khó bây giờ sẽ hưởng lợi cả đời. Cha mẹ yêu thương con đến mấy cũng cần biết tỷ lệ, cần có nguyên tắc.
Ở giai đoạn tuổi trẻ, khi được phép sai và có thời gian để thay đổi, cha mẹ nên cho con mình tự chịu 5 loại khổ này. Đây cũng là hành trình không thể thiếu để con trẻ lớn lên khỏe mạnh.
1. Khổ cực khi tự lập
Rất nhiều đứa trẻ được cha mẹ bao bọc cẩn thận, kỹ càng quá mức nên vô tình đánh mất khả năng tự lập. Nhiều người tới tuổi trưởng thành vẫn chưa biết vo gạo nấu cơm, thậm chí không biết tự chiên một quả trứng.
Peng Kaiping, Hiệu trưởng Viện Khoa học Xã hội của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho biết: “Nuôi dạy con thực sự không phải là trồng cây trong nhà kính, mà là xây dựng nhân cách đầy đủ của trẻ trong khi dạy chúng đối mặt với thế giới một mình.”
Nhưng vẫn có không ít cha mẹ thường nói: Con chỉ cần học thôi, việc còn lại đừng lo. Họ sẵn sàng làm mọi việc, suy xét mọi điều thay cho con cái. Điều này vốn xuất phát từ tình yêu thương nhưng liệu cha mẹ có thể chăm lo cho con như vậy cả đời được không?
Nếu không, tốt hơn hết bạn nên học cách buông tay và dạy cho trẻ tính tự lập. Giống như thời gian học đi, trẻ có vấp ngã thì phải tự đứng dậy. Có như vậy, trẻ mới có đủ khả năng và dũng khí đối mặt với thế giới một mình. Đợi đến ngày phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, không còn sự hậu thuẫn vững chắc của cha mẹ, đứa trẻ vẫn có thể tiếp tục tiến lên theo quỹ đạo ban đầu của cuộc sống.
2. Khổ cực khi học hành
Có một cậu thiếu niên thi trượt đại học, chỉ đủ điểm đỗ trường trung cấp nghề kỹ thuật. Bố mẹ đều khuyên cậu nên học lại nhưng cậu nhất quyết không chịu. Thay vào đó, cậu đi xin việc làm trong một nhà máy cùng nhóm bạn thi trượt của mình.
Cậu làm vật vất vả ngày đêm, thường xuyên bị gọi đi tăng ca tới khuya muộn. Thế nhưng, thu nhập nhận được chẳng đáng bao nhiêu. Quản lý bảo rằng, các cậu mới chỉ tốt nghiệp trung học, không có bằng cấp cao nên chỉ có thể nhận mức lương như vậy.
Thậm chí, sau 2 - 3 tháng, nhà máy bắt đầu trả lương chậm trễ. Mỗi lần hỏi tới, họ đều bảo rằng, do tình hình kinh doanh không tốt nên sẽ trả lương cho nhóm các công nhân lao động chân tay muộn hơn. Trong khi đó, các công nhân kỹ thuật vẫn nhận lương đầy đủ. Vất vả khổ cực mấy tháng mà không nhận được tiền công, cậu suy sụp ngay lập tức.
Đúng lúc này, bố mẹ đề cập tới chuyện đi học lại. Cậu mới lấy hết quyết tâm nghỉ việc và tập trung học hành. Lúc này cậu mới nhận ra, học lại không dễ, nhưng dù vất vả đến đâu cũng không giống với khi đi làm.
Khi còn trẻ, chúng ta cứ coi học tập là điều khó khăn nhất trên đời. Nhưng tới khi bước ra ngoài xã hội, nhiều người mới nhận ra, đó là con đường đẹp nhất trong cuộc sống. Khi có cơ hội, dù ở bất cứ độ tuổi nào, nãy nỗ lực học tập và tích lũy kiến thức nhiều hơn.
Khi đứa trẻ muốn lười biếng, hãy đồng hành. Khi trẻ muốn bỏ cuộc, hãy động viên. Một ngày nào đó, trẻ sẽ biết ơn công sức mà mình đã bỏ ra để có được ngày hôm nay. Không nhất thiết phải học giỏi tất cả các môn mà quan trọng là tìm ra lĩnh vực khiến mình thực sự hứng thú, quan tâm và nuôi dưỡng đam mê.
3. Khổ cực khi đương đầu những lời chỉ trích
Có câu: “Thuốc đắng dã tật”.
Những đứa trẻ khi mắc lỗi cần được phê bình, chịu kỷ luật đúng cách, chứ cha mẹ không thể đứng ra bao che hay bảo vệ con một cách thiếu nguyên tắc. Xây dựng tính kỷ luật cho trẻ và giúp con sẵn sàng đương đầu với những lời chỉ trích là nhân tố không thể thiếu để trẻ được uốn nắn nên người. Khi lớn lên, trẻ mới như cây đại thụ cao lớn, xum xuê, đủ bản lĩnh đối mặt mưa gió.
Ngược lại, nếu để mặc con trẻ gây rối mà không giải quyết vấn đề, thậm chí “mắt điếc tai ngơ”, dung túng cho hành vi đó thì sẽ có thể dẫn đến những hậu quả cay đắng trong tương lai.
4. Khổ cực khi lao động
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ sợ con mình sẽ mệt mỏi, bị thương nên nhận hết phần việc nặng nhọc về mình. Họ không nhận ra rằng sự chiều chuộng ở một mức độ nhất định có thể hóa thành “liều thuốc độc”, thay đổi tương lai của một đứa trẻ.
Siêng năng chăm chỉ là phẩm chất cần thiết trong mọi tình huống. Đây là sự khổ cực mà mọi người cần phải trải qua, chịu đựng và học cách “chiến thắng” nó.
Như Vua Thép của nước Mỹ - ông Carnegie đã nói: “Để sống thành công, người trẻ phải học cách tự lực cánh sinh, gỡ bỏ những chướng ngại vật trước mắt bằng chính năng lực của mình.”
5. Khổ cực vì giáo dưỡng
Có người nói rằng đa số vấn đề ở trẻ đều xuất phát từ gia đình. Tương lai của trẻ cũng có thể thay đổi dựa vào cách nuôi dạy từ phụ huynh. Bạn có thể chiều con mình cả đời, nhưng khi đã bước vào xã hội, người khác sẽ không làm điều đó thay bạn.
Nếu bạn sẵn sàng để con mình chịu đựng khổ cực trong quá trình giáo dưỡng, đứa trẻ sẽ có một tương lai thuận lợi hơn. Cha mẹ tốt là người dạy con mình cách câu cá, chứ không phải là người lúc nào cũng bắt cá rồi mớm cho con ăn.
Cuộc sống cũng giống như uống trà, biết chịu đựng vị đắng gian khổ mới có thể thu về vị ngọt và niềm vui. Cha mẹ dù có yêu thương con cái đến đâu cũng nên buông tay đúng lúc.
Yêu thương cần biết tỷ lệ, cần có nguyên tắc.
*Theo Aboluowang