"Yêu cầu tạm dừng giao dịch đất đai tại Vân Đồn là sai luật"
Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam về việc UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng mọi giao dịch đất đai tại Vân Đồn để ngăn chặn sốt đất.
Mới đây, trên cổng thông tin của tỉnh Quảng Ninh có thông tin: ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn. Theo lãnh đạo Quảng Ninh, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" giá đất tại Vân Đồn, đồng thời, ngăn chặn kịp thời cơn sốt đất đang càn quyét mạnh mẽ tại đây.
Tuy nhiên, đánh giá về giải pháp này TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng chưa phù hợp và sai luật.
Cụ thể ông Đính cho biết: "Việc ngăn chặn giao dịch trái pháp luật trên thị trường là hết sức cần thiết và cần sự vào cuộc kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt của quản lý Nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, chủ chương dừng mọi giao dịch mua bán nhà đất chờ phê duyệt quy hoạch là sai luật. Bởi luật cho phép BĐS được biếu, tặng, thừa kế...Nếu cấm mọi giao dịch trên thị trường là ảnh hưởng đến quyền công dân".
"Mặt khác, việc cấm giao dịch trong khi thị trường vẫn có nhu cầu sẽ gây ra những huệ lụy khôn lường cho thị trường như giao dịch chui, không đảm bảo pháp lý dễ dẫn đến tranh chấp về sau. Bên cạnh đó, cấm giao dịch chuyển nhượng BĐS sẽ khiến thị trường đóng băng, gây hậu quả sẽ rất nặng nề khó hồi phục lại trong một thời gian dài. Có thể sẽ lan tỏa cả thị trường BĐS toàn tỉnh Quảng Ninh", ông Đính nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đính, quy định trên sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư thực sự, chân chính đang tham gia tại địa phương. Thậm chí cả các nhà đầu tư tương lai sẽ quay lưng với thị trường BĐS Quảng Ninh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng mục đích đưa Vân Đồn thành đặc khu kinh tế của Chính Phủ.
Để kiểm soát tình trạng sốt đất tại Vân Đồn Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đề suất 5 giải pháp:
Thứ nhất, cần kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hiện tượng thu mua gom đất, chia nền bán trái quy định phát luật. Đặc biệt là đất nông nghiệp và đất rừng….
Thứ hai, công bố thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nội dung đang nghiên cứu quy hoạch tại địa phương…
Thứ ba, công bố danh mục những dự án đủ điều kiện bán hàng. Và yêu cầu các dự án đó phải công khai thông tin mua bán trên các trang tin của cơ quan quản lý chức năng địa phương.
Thứ tư, thanh tra chuyên nghành hoạt động, phân phối, môi giới BĐS tại địa phương, các sàn giao dịch BĐS, các văn phòng nhà đất, môi giới BĐS nếu không đăng ký kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề phù hợp quy định phát luật phải kiên quyết xử lý theo luật định.
Thứ năm, thực hiện đúng nghị định 117/2015/NĐ – CP về xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Để công bố định kỳ, công khai cho các nhà đầu tư hiểu rõ tình hình thị trường BĐS địa phương. Trong đó nên rõ thực trạng thị trường, xu hướng giao dịch, biến động giá cả, chỉ số giá, chỉ số giao dịch…..
Thứ sáu, giúp thị trường và các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để đưa ra các quyết định đầu tư….