Xuất khẩu sang EU tăng mạnh nhờ "cao tốc" EVFTA

31/01/2022 14:00 PM | Xã hội

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA đã giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trong thời gian qua.

Năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, đối diện nhiều bất lợi do đại dịch Covid-19, xuất khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế.

Nhiều cơ hội từ EVFTA

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỉ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỉ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19.

 Xuất khẩu sang EU tăng mạnh nhờ cao tốc EVFTA  - Ảnh 1.

Nhiều ngành hàng hái quả ngọt từ Hiệp định EVFTA

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế."

Cùng với đó là sự nỗ lực của các bộ ngành trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó có thể kể đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo Bộ Công Thương, sau 1 năm rưỡi thực thi, EVFTA đã đem lại những kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại cả châu Âu và Việt Nam.

Riêng năm 2021 thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỉ USD, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 45,8 tỉ USD, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỉ USD, tăng 16,5% so với năm 2020.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỉ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.

Đi vào một số mặt hàng cụ thể, EVFTA đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường EU được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đã đạt 53.910 tấn, trị giá 38,07 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 0,8% về lượng, trị giá thu về tăng tới 21,6%. Tỉ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70% trong 11 tháng năm 2021 so với 64% của cùng kỳ năm 2020.

Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường EU, tính chung trong năm 2021, sản lượng gạo xuất khẩu của Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời chiếm gần 70% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Riêng đối với thị trường châu Âu, từ tháng 9-2020, công ty này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA và liên tục phát triển thị trường này trong hơn 1 năm qua.

 Xuất khẩu sang EU tăng mạnh nhờ cao tốc EVFTA  - Ảnh 2.

Chuyển gạo lên tàu rời chuẩn bị khởi hành đi châu Âu - Ảnh: N.Ánh

Với những con số ấn tượng trong năm 2021, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời, cho biết năm 2022 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho lúa gạo của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ tận dụng triệt để các lợi thế từ EVFTA mang lại.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, với 27 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản từ khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, ngoại trừ một số ít mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan, các mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam vào EU là hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà phê, chè và cao su đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

"Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở Châu Á (vì có nhiều mặt hàng tương đồng), đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn là Thái Lan và Trung Quốc, do chưa có hiệp định thương mại tự do với EU"- đai diện Bộ Công Thương đánh giá.

Ngoài nông sản, EVFTA còn giúp mở rộng cánh cửa cho nhiều loại hàng hóa của Việt Nam như: Dệt may, da giày, linh kiện điện tử. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP hay các hiệp định thương mại song phương đã giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.

Duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu năm 2022

Để tận dụng hiệu quả của EVFTA mang lại, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, nhanh chóng tăng thị phần trong thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu tận dụng tốt con đường “cao tốc EVFTA", đẩy nhanh quá trình hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập vào các quốc gia thành viên EU, hàng hóa của Việt Nam sẽ có được tín nhiệm để đến với các thị trường khó tính khác.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường EU và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.

 Xuất khẩu sang EU tăng mạnh nhờ cao tốc EVFTA  - Ảnh 3.

Ngành dệt may tiếp tục tận dụng lợi thế từ EVFTA

Trong đó, cà phê tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỉ USD mỗi năm mà EU đang có. Về thị trường, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính, có tiềm năng tăng trưởng như những năm trước đây.

Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia các Hiệp định thương mại tự do, gồm EVFTA. Trong đó, các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.

Giao nhiệm vụ cho công tác xuất nhập khẩu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các cam kết quốc tế, thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giao Cục Xuất nhập khẩu cần phối hợp với các đơn vị của các Bộ, ngành, các địa phương và các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để trao đổi, thúc đẩy hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu vào các thị trường lớn, thị trường đối tác FTA, trong đó có EVFTA.

Minh Chiến

Cùng chuyên mục
XEM