Xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỉ USD

23/11/2023 19:02 PM | Kinh doanh

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỉ USD, giảm 9,2% so với năm 2022.

Đây là thông tin được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra tại họp báo trước hội nghị tổng kết ngành dệt may 2023 diễn ra ngày 23-11, tại TP Hà Nội.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, năm 2023 thế giới chứng kiến sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế khi căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại làm phân mảnh thương mại, lạm phát cao và sự mất ổn định tại thị trường tài chính khiến sức mua sụt giảm đáng kể.

Xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỉ USD - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, phát biểu tại cuộc họp báo

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỉ USD, giảm 9,2% so với năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỉ USD (tương đương 8,9%), xuất khẩu vải ước giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), xuất khẩu xơ sợi ước giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3%), xuất khẩu nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD (tương đương 16%).

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may không đạt mục tiêu 45 - 47 tỉ USD như đã đặt ra đầu năm nay. Tuy nhiên, Chủ tịch Vitas nhìn nhận, năm 2023, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như: đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như: đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.

Đáng chú ý, xuất khẩu của ngành dệt may 2023 cũng là năm bứt phá thị trường, xuất khẩu tới 104 vùng lãnh thổ. Đây là con số kỷ lục.

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Theo Vitas, thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền Con người và Môi trường trong Chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA đã ký kết và thực thi 3 FTA đang trong quá trình đàm phán; và là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga.

Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, Vitas xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD.

Đáng chú ý, Chủ tịch Vitas nhìn nhận Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính Phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi - dệt - nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định. Theo đó, ngành dệt may đặt mục tiêu là xây dựng trung tâm thời trang tại TP Hà Nội và TP HCM. Quan tâm định hình đưa ra giải pháp chiến lược cho một số thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.

"Trong ngành công nghiệp thời trang, nhãn hàng nào tạo dựng được thương hiệu sẽ nắm cuộc chơi. Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam mong muốn Chính phủ hỗ trợ để định hình được một số nhãn hiệu thời trang do Việt Nam làm chủ, tạo được sức hút với thị trường toàn cầu giống như Nike, Adidas…" - ông Giang nói.

"Việt Nam đã có một số thương hiệu như May Việt Tiến, May 10, An Phước nhưng còn manh mún ở trong nước" - Chủ tịch Vitas cho biết. Tất nhiên để phát triển thương hiệu thì cần thời gian rất nhiều năm.

Theo Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM