Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cao kỷ lục, giá dầu đi lên

18/08/2022 09:57 AM | Kinh tế vĩ mô

Giá dầu Brent và WTI tương lai tăng lần lượt 1,42% và 1,8% trong phiên giao dịch 17/8.

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch 17/8 sau khi Mỹ công bố dữ liệu xuất khẩu dầu thô cao kỷ lục.

Giá dầu Brent tương lai tăng 1,31 USD, tương đương 1,42%, lên 93,65 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,58 USD tương đương 1,8% lên 88,11 USD/thùng.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cao kỷ lục, giá dầu đi lên - Ảnh 1.

Quan ngại sụt giảm nhu cầu năng lượng được xoa dịu sau báo cáo mới nhất của EIA. Ảnh: Reuters.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ chạm ngưỡng 5 triệu thùng/ngày, cao nhất trong lịch sử trong bối cảnh giá dầu WTI rẻ hơn dầu Brent.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 7,1 triệu xuống còn 425 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/8, theo dữ liệu vừa được công bố bởi Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA). Các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Reuters dự báo mức giảm 275.000 thùng.

Dự trữ xăng cũng giảm 4,6 triệu thùng trong tuần qua, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 1,1 triệu thùng.

“Báo cáo ngày hôm qua của EIA mang lại nhiều điểm tích cực. Dấu hiệu về sự sụt giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu do suy thoái đang dần cải thiện”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures, nhận định.

Ở một diễn biến khác, Nga liên tục gia tăng sản lượng dầu thô trong bối cảnh nhiều khách hàng châu Á tích cực đẩy mạnh mua dầu từ quốc gia này do mức giá hấp dẫn. Điều này là nguyên nhân chính khiến Moscow dự báo sản lượng và kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này tăng lên tới cuối năm 2025, theo thông tin từ Bộ Kinh tế Nga.

Lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng của Nga được dự báo tăng 38% trong năm nay, một dấu hiệu cho thấy hoạt động khai thác và sản xuất dầu mỏ tại quốc gia này không bị ảnh hưởng quá nhiều từ các lệnh trừng phạt.

Quan ngại suy thoái tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu. Lạm phát tại Anh trong tháng 7 chạm ngưỡng hai con số, cao nhất từ tháng 2/1982, tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sống tại quốc gia này.

“Giá dầu đối diện với không ít rủi ro giảm điểm liên quan tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu và diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc”, theo Craig Erlam tới từ OANDA.

Nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm tới quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cho biết họ đang đánh giá phản hồi của Iran đối với bản dự thảo mới nhất được gửi tới quốc gia này nhằm hồi sinh thỏa thuận trước đó. Nếu thành công, Iran có thể giải phóng khoảng 1 triệu thùng dầu ra thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định nếu như dầu của Iran quay trở lại thị trường thế giới, giá dầu có thể giảm từ 5-10 USD/thùng trong năm 2023.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM