Thành lập trường đào tạo dành riêng cho các doanh nhân kế nghiệp
Học viện đào tạo doanh nhân kế nghiệp thành lập với sự tham gia của nhiều người con thuộc thế hệ F2 sẽ sở hữu những tập đoàn lớn, trong đó có con gái Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, con trai Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái hay con gái Chủ tịch Tập đoàn Geleximco....
Khoá đầu tiên của học viện đầu tiên tại Việt Nam chỉ có 20 người trẻ được ghi danh như Mai Ngọc Hảo (con gái Chủ tịch Tập đoàn U&I Mai Hữu Tín), Vũ Thị Thu Quỳnh (con gái Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền), Nguyễn Anh Sa (con gái Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng), Nguyễn Ngọc Mỹ (con gái Chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải), Phạm Nhật Thành (con trai Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn), Bùi Quang Minh (con trai ông Bùi Minh Lực, Giám đốc Tổng công ty Hòa Bình Minh).
Theo chia sẻ của ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, khóa đào tạo dự kiến kéo dài hai năm theo hình thức EduNext Platform. Giảng viên sẽ là các doanh nhân Sao Đỏ, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam và cũng chính là cha, chú của các học viên.
Ông Phạm Đình Đoàn cho biết, học viện sẽ là nơi để các thế hệ F2 vững tin và có sân chơi giao lưu, kết thân, để không chỉ bằng mà vượt cả thế hệ đi trước. Lứa đầu tiên của học viện sẽ là khoá thử nghiệm, là tiền đề để nhân rộng mô hình đào tạo này.
"Chúng tôi sẽ cố gắng thiết kế các chương trình để các bạn trẻ được tiếp cận từ nhỏ, để ít nhất là các con có đam mê và năng lượng, tạo môi trường để hai thế hệ gặp gỡ và chia sẻ vì nếu thiếu gặp gỡ thì không thể cùng có chung ngôn ngữ trong phát triển doanh nghiệp", ông Đoàn cho hay.
Là đồng sáng lập F2 Academy và cũng là người trực tiếp tham gia giảng dạy, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhìn nhận, để có thể phát triển doanh nghiệp thành công đến hôm nay, thế hệ F1 đã phải trải qua rất nhiều gian nan, đã được "rèn luyện qua lửa".
"Các con không có cơ hội như vậy. Một doanh nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, chỉ vài năm nữa thôi sẽ còn lớn hơn nữa. Để phát triển doanh nghiệp lúc đó còn khó hơn bây giờ nhiều, làm thế nào các con làm được", ông Bình đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, câu chuyện chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình là quá trình cần được nhận thức sớm từ thế hệ bố mẹ.
Tuy nhiên, ông cho biết, từ đầu không quyết tâm con cái phải làm đúng nghề của bố mẹ nhưng điều cần được đào tạo đầu tiên theo ông là nền tảng tri thức.
Song song đó phải là nghị lực và khả năng tự ra quyết định. Ông Hải cho rằng, việc tự ra quyết định sẽ rèn luyện được bản lĩnh rất sớm, đưa ra vấn đề và giải quyết nó.
"Và yếu tố thứ ba là phải có ước mơ. Ước mơ gì cũng tốt, phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân, nhưng tôi tôn trọng sở thích tuổi trẻ. Đến năm 14 tuổi là năm định hình quan trọng, quyết định tương lai con sẽ đi về đầu. Ở thời điểm này tôi nói chuyện rất nhiều với các con về định hướng công việc", ông Hải nói.
Chủ tịch HĐQT Alphanam cũng cho rằng, quá trình chuyển giao không thể nóng vội. "Sớm nhất 30 tuổi mới ‘đủ giờ bay’ để làm quản lý. Khi bản thân làm bằng 4,5 lần người khác thì mới ngấm dần và trở nên khác biệt", Chủ tịch Alphanam bày tỏ.
Cùng với suy nghĩ đó, khi mới về nước, con trai ông Hải làm việc ở nhà máy sơn Kansai, phải đi xe tuyến của nhà máy đi làm trong suốt một thời gian dài, cuối tuần là lăn lộn đi phát triển mạng lưới phân phối sơn khắp các tỉnh thành.
Ông cũng khẳng định, việc chuyển giao cần sự nỗ lực, quyết tâm của con cái. Còn thế hệ bố, mẹ khi đã chuyển giao thì rất nhanh và giao hết để khuyến khích khả năng tự quyết định của các con.
"Bản thân tôi khi chuyển giao là bàn giao toàn bộ phòng làm việc cho con trai và chấp nhận rủi ro, không cầu toàn. Nhờ đó, tôi có thế hệ F2 tự tin nhận làm việc và nhận chuyển giao thành công", ông nói.
Mai Ngọc Hảo, con gái ông Mai Hữu Tín.
Mai Ngọc Hảo, con gái ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gỗ Trường Thành hiện làm việc tại một khách sạn thuộc hệ sinh thái doanh nghiệp của gia đình. Ngọc Hảo cho biết đã dành hơn 3 năm học quản trị khách sạn ở Thụy Sĩ và trải qua tất cả công việc từ thấp nhất trong khách sạn, nhà hàng như rửa bồn cầu trong vòng 1 phút, dọn giường trong vòng 2 phút, làm ở bộ phận tiền sảnh và tiếp thị, quản trị doanh thu tại những chuỗi khách sạn rất nhỏ.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp cuối năm 2016 và về nước làm việc trong tập đoàn, cô nhận ra bản thân biết nhiều về cách vận hành khách sạn nhưng lại rất thiếu kiến thức về đầu tư, đánh giá hiệu quả của một dự án.
Mai Ngọc Hảo lại xin vào mảng định giá tài sản tại tại công ty phát triển đầu tư dự án có trụ sở ở Singapore. Sau 4 tháng thực tập, cô đã trở thành trợ lý Tổng giám đốc của công ty.
"Tôi đã học hỏi được rất nhiều trong giai đoạn đó, từ các kiến thức, thực tế, đến câu chuyện về cách để quản lý cảm xúc. Về nhà có thể khóc nhưng trước mặt người khác luôn phải giữ bình tĩnh và nhìn nhận mọi vấn đề", Ngọc Hảo tiết lộ.