Xuất hiện cảnh báo về kinh tế Việt Nam sau 5 tháng đầu năm 2018

11/06/2018 08:16 AM | Kinh tế vĩ mô

Mặc dù nông nghiệp và thuỷ sản tăng khởi sắc nhưng chỉ số công nghiệp tháng 5 đánh dấu mốc tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây.

Trong quý II/2018, rủi ro từ khả năng bùng nổ cuộc chiến thương mại và chính sách bảo hộ đang có tác động ngày một rõ đến các doanh nghiệp FDI , đặc biệt trong lĩnh vực điện tử trong khi đây lại là nhóm tạo động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam. Hệ quả có thể nhận thấy là sự sụt giảm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của khối FDI, kéo theo sức cầu tiêu dùng chung.

Theo báo cáo cập nhật Kinh tế Việt Nam tháng 5.2018 vừa được Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố, trong 5 tháng đầu năm 2018, do diễn biến thời tiết và thị trường xuất khẩu thuận lợi, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan.

Nông nghiệp và thuỷ sản khởi sắc

“Nông nghiệp, thủy sản khởi sắc nhờ lúa gạo và cá tra hưởng lợi từ diễn biến thời tiết và thị trường xuất khẩu thuận lợi, ngành nông nghiệp tiếp tục có tăng trưởng khả quan trong tháng 5” - chuyên gia SSI cho biết.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cuối tháng 5 với loại 5% tấm đã tăng lên 460-465USD/tấn, mức cao nhất 4 năm một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng và một phần nhờ chất lượng gạo xuất khẩu đã cải thiện sau một thời gian chuyển đổi giống lúa. Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu gạo nhưng giá trị xuất khẩu giảm nhẹ, bù lại, một thị trường lâu nay không nhập khẩu là Indonesia lại mở cửa mua gạo. Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia 4 tháng tăng vọt, gấp 333 lần so với cùng kỳ. Một số thị trường khác cũng có mức tăng cao là Iraq tăng 16 lần, Malaysia 3 lần…

Tương tự như lúa gạo, thị trường xuất khẩu ổn định đã giúp thúc đẩy ngành thủy sản, cụ thể là nuôi trồng, chế biến tôm và cá. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5 năm 2018 ước đạt 700 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 lên 3.1 tỉ USD, tăng +11% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá cá tra duy trì ở mức cao (giữa tháng 5 đạt mức kỷ lục 32-33.000đ/kg) đã kích thích nguồn cung. Sản lượng cá tra tháng 5 ước tính 104 nghìn tấn, tăng +11,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất nhiều năm (cùng kỳ 2017 chỉ tăng +3.8%).

Tăng trưởng công nghiệp chậm lại

Nếu như ngành nông nghiệp có khởi sắc thì lĩnh vực sản xuất công nghiệp lại có dấu hiệu tăng trưởng chậm.

Chỉ số công nghiệp tháng 5 tăng +7.1%, là tháng 5 có tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây. Tuy vậy nhờ các tháng đầu năm có tăng trưởng cao nên tính chung 5 tháng, tăng trưởng công nghiệp vẫn đạt +9.7%, là 5 tháng có mức tăng cao nhất nhiều năm. Sỡ dĩ chỉ số công nghiệp tăng chậm lại là do ngành điện tử chỉ tăng +2.2%.

Cùng kỳ 2017 là mùa cao điểm sản xuất Samsung Galaxy S8 trong khi năm nay Galaxy S9 đã ra mắt sớm hơn và tạo ra tăng trưởng rất cao trong quý I. Xuất khẩu điện thoại trong tháng 5 đạt 3.4 tỉ USD, giảm -17.6% so với cùng kỳ năm trước trong khi xuất khẩu điện thoại của quý I tăng +62.3% so với cùng kỳ năm trước. Cộng gộp 2 tháng 4 và 5, tổng xuất khẩu điện thoại là 6.8 tỉ USD, giảm -19% so với cùng kỳ năm trước.

Do nền cao của cùng kỳ, tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu điện thoại trong quý II/2018 sẽ thấp, từ đó kéo giảm tăng trưởng GDP.

“Chính sách thuế mới của Donald Trump rất có thể đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp điện tử trong đó chủ lực là Samsung và LG, buộc các hãng này phải mở nhà máy tại Mỹ, đồng nghĩa giảm quy mô sản xuất tại Việt Nam. Đây là rủi ro mới phát sinh cần theo dõi chặt chẽ bởi nó sẽ khiến GDP của Việt Nam khó giữ được đà tăng như 4 quý vừa qua” - chuyên gia của SSI cho biết.

Các số liệu kinh tế tháng 5 đang đưa ra một số tín hiệu cảnh báo về tăng trưởng trong quý II cũng như thời gian còn lại của năm 2018. Nổi lên rõ nhất rủi ro từ những cuộc chiến thương mại. Chính sách bảo hộ đang có tác động ngày một rõ đến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử trong khi đây lại là nhóm tạo động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam. Hệ quả có thể nhận thấy là sự sụt giảm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của khối FDI, kéo theo tăng trưởng việc làm và sức cầu tiêu dùng chung.

Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là những điểm sáng trong quý II, tạo ra hy vọng về những hướng đi mới giúp cân bằng các động lực tăng trưởng trong tương lai.

“Sau quý I khởi đầu thuận lợi, lực cản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn khiến tăng trưởng của quý II giảm tốc và có thể xuống dưới 7%. Bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh trong khi sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế và đầu tư trong nước chưa theo kịp có thể làm nhỡ nhịp tăng trưởng trong một vài quý. Điều này càng cho thấy nhu cầu cấp bách phải phát triển nhanh “đàn sếu lớn”, những doanh nghiệp nội địa mạnh, sức cạnh tranh cao để làm hạt nhân, từ đó tạo được thế tăng trưởng cao và bền vững hơn cho kinh tế Việt nam trong dài hạn” - chuyên gia của SSI cho biết.

Theo Linh Chi

Cùng chuyên mục
XEM