Xuất bản sách: mảnh đất vàng cho bạn trẻ dấn thân

12/06/2016 22:01 PM | Kinh doanh

Những vấn đề xoay quanh công việc xuất bản một cuốn sách hóa ra lại thu hút rất nhiều người quan tâm tại buổi đầu tiên của chương trình The Sofa do Nhã Nam thực hiện tại Đường sách TPHCM sáng 12-6.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ và tác giả Nguyễn Phương Văn - hai diễn giả của chương trình - cũng bày tỏ bất ngờ khi có nhiều bạn trẻ nán lại đến phút cuối để trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc cho ra đời một cuốn sách.

The Sofa là chương trình thực hiện theo mùa, buổi đầu tiên của “mùa xuất bản” tập trung vào câu chuyện bản quyền và bản thảo.

“Mối lương duyên” giữa hai bên làm sách - viết sách

Bản quyền sách trong nước chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị. Những cái tên tác giả đang “hot” hiện nay như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Anh Khang được nhắc đến cùng với câu chuyện săn đón bản thảo của các tác giả này.

Bà Nguyệt ví von sự gắn bó của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư với NXB Trẻ trong bao nhiêu năm nay là một mối quan hệ “người nhà chứ không phải khách”. Ở đây có cả câu chuyện đối nhân xử thế trong làm việc giữa người làm sách và người viết sách. “Cái tình cái tâm và sự trung thực của nhà xuất bản sẽ thuyết phục các tác giả gửi gắm/ ký thác tác phẩm của mình” - bà Nguyệt cho biết.

Điều này cũng là một thành công trong việc hợp tác với các tác giả. Có những tác giả do đơn vị xuất bản này phát hiện, nhưng sau đó thì nhanh chóng được các nhà làm sách khác săn đón và bản thảo lại “chạy” về chỗ khác.

Từ phía tác giả, được săn đón từ nhiều đơn vị làm sách là rất tốt, bà Quách Thu Nguyệt dẫn trường hợp Anh Khang, từ khi được Sách Phương Nam phát hiện, Anh Khang đến nay được rất nhiều đơn vị xuất bản săn đón, và là tác giả có mức nhuận bút rất cao, hiện anh có thể tập trung cho việc trải nghiệm và viết mà không bị câu thúc bởi mưu sinh.

Tuy nhiên, ông Phương Văn cho rằng vừa qua quả thực cũng có những nhà văn nổi lên và sống sung túc bằng chính ngòi bút của mình, tuy nhiên cả nước cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đầu tư cho tác giả mới

Bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ một quan điểm trong nghề xuất bản, rằng mặc dù đỉnh cao của việc mua bản quyền là làm sao có được độc quyền trong tay bản thảo của những tác giả hot, nhưng người làm xuất bản còn có một niềm kiêu hãnh và sung sướng khi phát hiện được tác giả mới, và đầu tư để họ thành danh.

Ngày nay những ai yêu công việc viết lách đều có sẵn các phương tiện để “tự xuất bản” - một xu hướng chung có tính toàn cầu mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo đó, nếu có hai tác giả cùng đưa tác phẩm đến cho một nhà xuất bản, chắc chắn tác giả nào có nhiều fans hơn trên mạng xã hội sẽ được chú ý hơn; giữa hai tác giả cùng viết về một đề tài chắc hẳn người trẻ hơn sẽ được chọn.

Ông Phương Văn trong tư cách người khai thác bản quyền cho Nhã Nam, ghi nhận rằng việc đầu tư cho các tác giả mới có tính mạo hiểm. “Nếu tác phẩm đầu tay của một tác giả được đầu tư nhưng bán không được thì cũng làm cho tác giả đó xuống tinh thần” - ông Văn nhìn nhận.

Dù vậy, phản hồi từ đám đông công chúng đến dự chương trình cho thấy có vẻ hiện đang có nhiều bạn trẻ đeo đuổi việc trở thành nhà văn/ người viết sách. Đây là tín hiệu vui và hợp lý.

Ông Phương Văn cũng đưa ra một con số cho thấy mặc dù sách dịch chiếm 70% trên thị trường, nhưng số lượng sách dịch bán ra ít khi nào vượt con số 10.000 bản, trong khi đó sách của tác giả trong nước vừa qua có ít nhất hai trường hợp vượt con số 30.000 bản là Tony buổi sáng và Anh Khang. Đây có thể là “mảnh đất” để các bạn trẻ đang theo nghiệp viết sách cố gắng thể hiện mình.

Dịch vụ bản quyền đang cần người tài

Cử tọa của chương trình cũng nêu một loạt vấn đề thuộc nội dung pháp lý trong xuất bản, từ việc hợp đồng bản quyền, hợp tác xuất bản, ứng xử khi bị vi phạm bản quyền… Đây là các vấn đề quan trọng và thiết thực, lẽ ra sẽ được giải quyết nhờ vào các đơn vị làm dịch vụ bản quyền hoặc dịch vụ xuất bản. Nhưng như nhìn nhận của nhiều người, thị trường xuất bản Việt Nam mới hội nhập từ năn 2004, nên các mặt đều chưa phát triển đầy đủ.

Lời khuyên đối với các tác giả trẻ vẫn là chọn các đơn vị xuất bản uy tín để gửi gắm tác phẩm và hãy tìm đến luật sư nếu có vướng mắc gì về pháp lý.

Nhưng dịch vụ bản quyền và xuất bản không chỉ có thế, khi hội nhập sâu, thị trường xuất bản hoạt động theo hai chiều: mình dịch từ nước ngoài và mình đưa tác phẩm trong nước ra. Cho đến nay, chiều phổ biến tác phẩm từ trong nước ra bên ngoài hãy còn sơ khai nhỏ lẻ. Lĩnh vực này cần nhà văn có tài, cần dịch giả giỏi, và cần người thông thạo luật lệ để giao dịch. Đấy chẳng phải là mảnh đất màu mỡ cho những bạn trẻ yêu xuất bản dấn thân vào với hy vọng thành công trong tương lai hay sao?

Cuộc chiến bản quyền

Mọi người có vẻ háo hức khi nghe MC chương trình đề cập đến cụm từ “cuộc chiến bản quyền”. Vấn đề này được tác giả Phương Văn khẳng định trong mấy năm trở lại đây có hiện tượng tranh mua bản quyền giữa các đơn vị xuất bản, đặc biệt là tranh mua bản quyền sách nước ngoài. “Tình trạng này dẫn đến giá mua bản quyền cao, kéo theo giá thành sách dịch cũng cao, là điều không có lợi cho bạn đọc”, ông Phương Văn phân tích.

Theo Lam Điền

Cùng chuyên mục
XEM