Xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát: VKS giữ nguyên đề nghị tử hình Trương Mỹ Lan
VKS cho rằng, hậu quả của vụ án là chưa từng có tiền lệ, số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt đặc biệt lớn nên giữ nguyên mức đề nghị tử hình bị cáo.
Ngày 25/11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác ở giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Đối đáp với ý kiến của các luật sư cho rằng các bị cáo thực hiện hành vi xuyên suốt nhưng tách ra thành 2 tội danh là bất lợi cho bị cáo, đại diện VKS cho rằng căn cứ kết quả điều tra, diễn biến 2 phiên tòa có thể thấy bà Trương Mỹ Lan với vai trò là cổ đông chiếm đến 91,5% cổ phần.
"Về yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan và các luật sư cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ đối với án tử hình về tội Tham ô tài sản, đây là một nội dung lớn", đại diện VKS khẳng định.
Theo VKS, tại Điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định, người bị kết án tử hình mà nộp ít nhất 2/3 tài sản tham ô thì không thi hành án tử hình. Ngoài ra, Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng quy định, nếu người phạm tội nộp ít nhất 3/4 tài sản hoặc nhờ người thân nộp lại số tiền tham ô thì sẽ được xem xét giảm án.
VKS lập luận, trong trường hợp bị cáo Trương Mỹ Lan, nếu nộp được 3/4 tài sản tham ô, tức khoảng 280.000 tỷ đồng, thì mới có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình trong giai đoạn thi hành án. Hơn nữa, trong quá trình xử lý tài sản ở giai đoạn này, nếu bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, có thể nộp đơn lên Chủ tịch nước để xin giảm nhẹ hình phạt.
"VKS ghi nhận thái độ tích cực của bị cáo Lan, cùng nỗ lực khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Tuy nhiên, thiệt hại là con số quá lớn, chưa từng có trong lịch sử", đại diện VKS phát biểu.
Đại diện VKS cũng nhấn mạnh, việc xem xét giảm nhẹ án phụ thuộc vào mức độ hợp tác tích cực của bị cáo trong giai đoạn thi hành án. Điều này bao gồm việc phối hợp với Ngân hàng SCB, cơ quan thi hành án, và các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm xử lý tài sản nhanh nhất, qua đó giảm thiểu hậu quả.
" Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm của VKS, còn quyết định cuối cùng thuộc về HĐXX" , đại diện VKS bổ sung.
Ngoài ra, VKS đề nghị HĐXX ghi nhận các nỗ lực của bị cáo, bao gồm việc mang các dự án vào khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, không kêu oan, và tích cực huy động người nhà, đối tác để khắc phục hậu quả cũng như chủ động thi hành án.
Tuy vậy, VKS nhấn mạnh rằng hậu quả vụ án là chưa từng có tiền lệ, với số tiền tham ô khổng lồ khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Vụ án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, thị trường tài chính, và kinh tế đất nước. Đặc biệt, số tiền chiếm đoạt là tài sản nhà nước, bao gồm tiền thuế của người dân và các khoản vay nước ngoài. Trên cơ sở đó, VKS giữ nguyên mức đề nghị tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Trước đó, hôm 15/11, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan đối với hai tội danh: Tham ô tài sản (tử hình) và Đưa hối lộ (20 năm tù).
VKS đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giảm mức án sơ thẩm từ 20 năm tù xuống còn 16 - 18 năm tù đối với tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tổng hợp các mức hình phạt, bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn phải chịu trách nhiệm với mức án cao nhất là tử hình.