Xu hướng truyền hình trả tiền - Thấy gì từ thương vụ giữa MobiFone và AVG?

29/04/2016 08:10 AM | Kinh doanh

Thương vụ sáp nhập “đình đám” giữa Tổng công ty Viễn thông MobiFone và công ty CP nghe nhìn Toàn cầu (AVG) có thể coi là điểm đáng chú ý nhất trên thị trường truyền hình trả tiền của năm 2016. Sự kết hợp của viễn thông và truyền hình liệu có làm thay đổi một thị trường đang được đánh giá là đầy tiềm năng này?

Truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang ở đâu?

Tính đến hết năm 2015, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền của cả nước là khoảng trên 9 triệu thuê bao, Truyền hình trả tiền đã có những bước phát triển mạnh về lượng thuê bao cũng như số lượng kênh chương trình. Cho đến nay, dịch vụ này truyền hình trả tiền được quản lý giá theo cơ chế thị trường nên các doanh nghiệp đua nhau giảm giá cước để thu hút khách hàng mới. “Giá rẻ hơn, kênh nhiều hơn” đang được xem là chiêu thức chính của mọi nhà cung cấp.

Tuy nhiên, về lâu dài, cạnh tranh giá rõ ràng không còn là lá bài hữu hiệu khi mà số lượng kênh cung cấp trên các hệ thống gần như ngang bằng. Mặt khác, việc liên tục giảm giá sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ không đủ chi phí để đầu tư vào nội dung, bao gồm cả việc sản xuất nội dung mới và trả tiền bản quyền cho các nội dung mua từ nước ngoài. Dù ai cũng hiểu rằng cạnh tranh giá là chiêu thức “tự hại mình” nhưng với sức ép của việc mở rộng thị phần để bù đắp chi phí đầu tự phát triển hạ tầng dịch vụ trong khi phát triển nội dung không phải câu chuyện một sớm một chiều, các nhà cung cấp vẫn phải “nhắm mắt đưa chân” để áp dụng chiêu bài giảm giá.

Đó là lý do vì sao mọi chú ý đều hướng vào các động thái sau sáp nhập của MobiFone và AVG. Liệu một doanh nghiệp viễn thông là MobiFone có tận dụng được những thế mạnh từ hạ tầng để làm một “cú hích” cho thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam, vốn đang chỉ phát triển theo chiều rộng mà bỏ quên chiều sâu?

Tín hiệu “khả quan” sau thương vụ sáp nhập MobiFone và AVG

Trong buổi sơ kết kết quả kinh doanh quý I/2016 với sự tham dự của đại diên Bộ TTTT, Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc người đang phụ trách triển khai các hoạt động truyền hình, cho biết kết quả doanh thu mảng dịch vụ truyền hình đã bước đầu đạt những kết quả khả quan. Cụ thể doanh thu mảng dịch vụ này đạt 342,8 tỷ đồng, tổng số thuê bao đạt 230.000, so với cùng kỳ quý I năm 2015.

Đây có thể coi là một khởi đầu không tồi khi mà MobiFone mới chỉ tiếp nhận AVG chưa đầy 3 tháng.

Trong một bước đi mới, MobiFone cũng đã công bố đổi tên dịch vụ truyền hình từ An Viên sang MobiTV với màu sắc, nhận diện gần với thương hiệu MobiFone. Điều này phần nào cho thấy định hướng khá rõ ràng của MobiFone trong việc kết hợp kinh doanh giữa hai mảng dịch vụ Viễn thông – Truyền hình. Trong những tuyên bố gần đây, MobiFone cũng từng cho biết dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ được định hướng theo các xu hướng mới nhất của dịch vụ này như tương tác, kết hợp công nghệ và nội dung và các xu hướng mới trong quảng cáo truyền hình.

Thị trường đang kỳ vọng rằng với lợi thế có sẵn của một đơn vị viễn thông là hạ tầng, mạng lưới phân phối, dữ liệu khách hàng… MobiFone sẽ giúp MobiTV thổi một làn gió cạnh tranh mới vào lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam, và đem đến những lợi ích tốt hơn cho người dùng cuối cùng.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM