img

Bibica cũng như cá nhân ông vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) vinh danh trong danh sách doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu của thành phố năm 2020. Trong một năm mà các hoạt động kinh doanh trong nước cũng như quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 thì việc bình xét danh hiệu này, cũng như ý nghĩa của nó có gì thay đổi?

- Kể từ khi hoạt động này được HUBA triển khai định kỳ 2 năm một lần từ 2014 thì Bibica cũng như cá nhân tôi đã có 4 lần liên tiếp được vinh dự góp mặt trong nhóm doanh nghiệp đồ uống và bánh kẹo có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Không chỉ xét trên kết quả sản xuất kinh doanh, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, tăng trưởng bền vững, đảm bảo phúc lợi cho người lao động… thì doanh nghiệp tôn vinh còn dựa trên tiêu chí về góp phần bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội cũng như đóng góp tích cực xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.

Riêng với Bibica thì sau nhiều năm gia nhập ngành công nghiệp sản xuất bánh kẹo, chúng tôi còn trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào toàn bộ chu trình quản lý, vận hành và sản xuất. Việc xây dựng hệ thống bán hàng qua kênh truyền thống (GT) và chính sách tham gia vào kênh cũng được lãnh đạo Bibica chú trọng phát triển và chia sẻ với những thành viên khác. Nhờ vậy mà trong suốt những năm qua, Bibica đều là doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu TP HCM.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi sau Covid-19, doanh nghiệp bánh kẹo Việt ứng biến thế nào? - Ảnh 1.
Xu hướng tiêu dùng thay đổi sau Covid-19, doanh nghiệp bánh kẹo Việt ứng biến thế nào? - Ảnh 2.
Xu hướng tiêu dùng thay đổi sau Covid-19, doanh nghiệp bánh kẹo Việt ứng biến thế nào? - Ảnh 3.

Vì tính chu kỳ 2 năm nên việc vinh danh năm nay dựa trên kết quả hoạt động của năm ngoái cũng như 6 tháng đầu năm 2020 - giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Yếu tố tăng trưởng của gần như tất cả doanh nghiệp đều không đạt. Tuy nhiên xét về tính ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, nhìn chung Bibica vẫn tương đối tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ nữa, chúng tôi cũng không hề đề xuất để được giãn, hoãn những khoản nộp ngân sách như thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động... Ngược lại, Bibica còn tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 như tài trợ cho hoạt động ở khu vực cách ly, kêu gọi người lao động ủng hộ một ngày lương chung sức phòng chống dịch... Việc vinh danh lần này đã tính đến những yếu tố đó và là một sự động viên hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi sau Covid-19, doanh nghiệp bánh kẹo Việt ứng biến thế nào? - Ảnh 4.

- Là một người gắn bó với Bibica từ lúc ra trường đến khi đảm nhiệm vị trí cao nhất trong doanh nghiệp, quan điểm của ông như thế nào về vai trò của người doanh nhân thời nay so với trước?

- Tôi nhận thấy một thực tế là trong giai đoạn đầu, các công ty cổ phần sẽ có sự tham gia quản trị của nhiều thành viên, việc quản lý phụ thuộc nhiều vào HĐQT, tập trung vào kiểm soát chi phí. Như với chúng tôi là giai đoạn 2000 trở về trước. Đến giai đoạn 2000-2010, doanh nghiệp tập trung vào việc kiểm soát và tăng tính hiệu quả. Còn sau 2010, chủ tịch HĐQT là người đưa ra chủ trương, định hướng phát triển và tổng giám đốc là người trực tiếp điều hành, cụ thể hóa định hướng ấy. Khi doanh nghiệp đã thiết lập được một hệ thống hoàn chỉnh, áp dụng công nghệ vào vận hành và sản xuất thì người quản lý sẽ không còn nặng về kiểm soát chi phí nữa mà tập trung xây dựng chủ trương chính sách nhiều hơn, gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh số và chất lượng sản phẩm. Nghĩa là việc quản lý cũng chú trọng đến yếu tố tương lai nhiều hơn thay vì kiểm soát tình trạng hiện tại.

Một điểm khác nữa là trước đây doanh nhân có thể chỉ cần đặt ra một vài chỉ tiêu để thực hiện, như tập trung vào con số tăng trưởng, lợi nhuận. Mục tiêu của kinh doanh là sản xuất ra sản phẩm có chi phí thấp nhất nhưng bán được với giá cao nhất. Nhưng ngày nay, như vậy là chưa đủ, đặc biệt là với doanh nghiệp đồ uống và bánh kẹo. Khi một sản phẩm được bán ra, còn phải chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và các hoạt động xã hội. Nghĩa là sản phẩm đó không chỉ có giá trị cho sức khỏe mà về lâu dài sản phẩm ấy có ảnh hưởng gì đối với người tiêu dùng hay không? Sản phẩm đó có được người tiêu dùng đón nhận hay không? Mức độ nhận biết thương hiệu trong mắt người tiêu dùng như thế nào? Việc sản xuất có gây phác thải ra môi trường? Ví dụ bao bì sản xuất có làm gia tăng túi nilon thải ra môi trường hay không?...

Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ với doanh nghiệp nội địa mà cả với những tập đoàn, thương hiệu lớn trên chính sân nhà. Vì vậy, cách thức kinh doanh cũng phải khác đi. Trước tiên, doanh nghiệp ưu tiên tuân thủ quy định của pháp luật, không thể kinh doanh dựa vào những kẽ hở, làm ăn chộp giật. Tiếp nữa, doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm với xã hội, bao gồm sức khỏe của người tiêu dùng, môi trường và việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hay không? Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại là hoạt động kinh doanh phải hiệu quả. Vì nếu doanh nghiệp không có lợi nhuận thì không thể tồn tại.

- Hơn 20 năm trên thương trường, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thậm chí bị đối thủ "chơi xấu", ông lựa chọn tâm thế và cách ứng xử như thế nào trong những hoàn cảnh như vậy?

- Hoạt động kinh doanh luôn gặp những phiền toái nhất định. Vi phạm bản quyền là một trong những vấn đề như vậy. Ví dụ Bibica có nhãn hàng lớn là Hura nhưng lại bị sao chép gần như toàn bộ mẫu mã thiết kế, bao bì sản phẩm, tên nhãn hiệu là Hura thì bị nhái thành Hure. Những đơn vị làm việc như vậy thường có quy mô nhỏ, nhưng việc thực hiện các bước để bảo vệ tài sản trí tuệ cũng rất khó khăn, thủ tục khiếu kiện phức tạp. Tuy chúng tôi vẫn làm nhưng những việc đó thường chỉ giúp giảm tần suất, mức độ vi phạm, chứ bên vi phạm thì chưa bị xử lý.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi sau Covid-19, doanh nghiệp bánh kẹo Việt ứng biến thế nào? - Ảnh 5.

Trong khi đó, việc cạnh tranh giữa những doanh nghiệp lớn với nhau là không thể tránh khỏi, nhưng phải đảm bảo việc cạnh tranh đó là công bằng. Trường hợp xảy ra những mâu thuẫn thì doanh nghiệp nên gặp nhau trực tiếp để cùng tìm hướng giải quyết, có lợi cho đôi bên, thay vì dùng biện pháp để triệt hạ đối thủ hoặc làm giảm uy tín, sản lượng bán hàng thì đó là tiểu xảo và không nên.

- Bibica là một trong những thương hiệu bánh kẹo nội địa nổi tiếng hiếm hoi còn tồn tại và phát triển. Vậy quá trình gìn giữ thương hiệu bánh kẹo Việt Nam trong thời gian tới đang được tiếp tục như thế nào?

- Bibica là một thành viên của PAN - tập đoàn nông nghiệp & thực phẩm hàng đầu Việt Nam với sứ mệnh cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc uy tín trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ Việt Nam tới thế giới. Định hướng trong thời gian tới của chúng tôi là phát triển kênh GT bánh kẹo, thực phẩm... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng và chi tiêu của khách hàng đã thay đổi. Vì vậy doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng này. Trước tiên, mẫu mã, bao bì sản phẩm phải thân thiện với môi trường, phù hợp với vị trí trưng bày dù ở bất cứ không gian nào.

Thói quen của khách hàng đã thay đổi. Họ sẽ đến những cửa hàng tiện lợi hoặc điểm bán gần nhà hơn để mua sắm thay vì đến đại siêu thị hay siêu thị. Tiếp nữa, sản phẩm còn phải đáp ứng được việc đa dạng nhu cầu của gia đình vào những thời điểm khác nhau. Hay như sản phẩm có thể được dùng cho đa dạng đối tượng khách hàng, ví dụ như người cao tuổi thì có nhu cầu sử dụng sản phẩm ít ngọt hơn, dễ tiêu hóa... Điều này có điểm khác biệt so với sản phẩm dành cho đối tượng khách hàng mục tiêu từ trước đến nay là trẻ em từ cấp hai trở xuống với sản phẩm đáp calo cao hơn, đáp ứng nhu cầu năng lượng cần thiết trong ngày.

- Là một thành viên của PAN, Bibica được hưởng lợi gì từ hệ sinh thái của tập đoàn trong việc hiện thực hóa mục tiêu ông vừa nêu ra?

- Như đã nói ở trên, Tập đoàn PAN với sứ mệnh là cung cấp sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc uy tín trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Bibica được giao việc phát triển thêm một kênh phát triển thực phẩm. Hiện tập đoàn đã có Công ty CTCP Phân phối hàng tiêu dùng PAN, gọi tắt là PAN CG. Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 150 tỷ đồng/tháng, thông qua việc phân phối trước hết là các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm của tập đoàn và sau đó là sản phẩm có chất lượng tương đương của đối tác. Đây là lợi thế rất lớn cho Bibica cũng như các thành viên khác của PAN trong việc phân phối sản phẩm và xây dựng hệ sinh thái thực phẩm. Dựa trên những lợi thế đó, chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm một bữa ăn cho gia đình với tương đối đầy đủ các loại món ăn và gia vị.

Trong thời gian tới, chúng tôi có thể tính toán đến việc phát triển nhiều mặt hàng khác nữa như nước chấm, các loại gia vị, thực phẩm chế biến sẵn: cá, tôm, như xúc xích, lạp sườn... hướng đến mục tiêu vì sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng mà không chỉ đơn thuần là vì lợi nhuận hay doanh số.

- Bên cạnh thị trường nội địa thì việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như AFTA hay EVFTA tạo cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp?

- Trước tiên, Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đang tạo ra thách thức lớn đối với ngành đồ uống và bánh kẹo. Vì mức độ phát triển của ngành các nước trong ASEAN là rất mạnh. Như Thái Lan phát triển đa dạng, giá cạnh trạnh hơn so với Việt Nam, Malaysia có thể mạnh về dầu cọ, Indonesia có lợi thế phát triển các sản phẩm về ca cao... Điều này tạo ra những lợi thế riêng về chi phí cho doanh nghiệp trong khu vực so với ViệtNam. Trong bối cảnh hội nhập, ASEAN là thị trường chung cho các nước và thị trường Việt Nam cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài. Muốn tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp phải cải thiện được chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm và xu hướng tiêu dùng thay đổi khi nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nhờ sớm định vị chiến lược thay đổi sản phẩm để phù hợp với thị trường như đã nêu ở trên, Bibica vẫn xuất khẩu được những sản phẩm cao cấp, có giá trị lớn và khối lượng lớn ra thị trường nước ngoài.

Với EVFTA, chúng tôi cho rằng đó là lợi thế khi doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất và chú trọng chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường này. Thông qua hệ thống siêu thị - kênh phân phối chính ở thị trường này thì cơ hội đang rộng mở với doanh nghiệp ngành bánh kẹo, trong đó có cả Bibica.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi sau Covid-19, doanh nghiệp bánh kẹo Việt ứng biến thế nào? - Ảnh 6.

NDH