Xu hướng kỳ lạ nhất trong vài năm qua: Vì sao mọi người giờ đây không còn đeo tai nghe?
Những chiếc tai nghe đã biến mất. Mọi người đều phát âm thanh trên điện thoại bằng loa ngoài.
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, có một thứ đã thay đổi mà bạn không hề nhận ra. Chắc hẳn chúng ta từng quen thuộc với việc nhìn thấy mọi người ở nơi công cộng đeo tai nghe khi sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử. Nhưng giờ đây, hình ảnh đó dường như trở nên rất hiếm hoi.
Một người phụ nữ sử dụng FaceTime ở bàn bên cạnh trong nhà hàng, người đàn ông lướt Instagram Reels trong lúc đang xem sân khấu ca nhạc, nhân viên văn phòng đang gọi điện video bên ai đó đang đọc sách, những vị khách du lịch đang nghe nhạc trên đường - tất cả đều phát âm thanh bằng loa ngoài.
Theo USA Today, ngày càng có nhiều người bỏ tai nghe ở nơi công cộng và phát ra thứ âm thanh kỹ thuật số mà họ đang sử dụng ra không gian chung.
Rõ ràng, với rất nhiều lựa chọn tai nghe hiện nay - thậm chí là không dây, tiện lợi hơn rất nhiều so với trước đây – việc không đeo tai nghe như vậy là một lựa chọn khó hiểu.
Nghiện điện thoại và ích kỷ?
Điện thoại thông minh giúp chúng ta dễ dàng giải trí bất cứ lúc nào có dấu hiệu buồn chán. Đôi khi là tạm quên đi căng thẳng, những lo lắng trần thế cũng như những áp lực và vấn đề khác đang đè nặng.
Nhưng sao nhiều người cứ bật điện thoại oang oang, làm phiền người xung quanh đến vậy?
"Họ chỉ đang nghĩ về bản thân", Taya Cohen, giáo sư về lý thuyết và hành vi tổ chức tại Đại học Carnegie Mellon cho biết. "Nhưng đó không phải là suy nghĩ mang tính ác ý hay thô lỗ".
"Khi tập trung hạn hẹp vào nội dung đang xem hoặc sự tương tác mà mình đang có, chúng ta sẽ không suy nghĩ nhiều về việc những người khác có thể bị ảnh hưởng như thế nào".
Câu chuyện về những người hay gây ồn nơi công cộng không mới mẻ. "Nhưng ngày nay có nhiều cơ hội hơn để làm điều đó. Tất cả là vì cả chúng ta đều có đủ loại đồ công nghệ gây ra tiếng ồn", Cohen nhấn mạnh.
Cùng với đó, chính những tiến bộ trong công nghệ — cũng như giá cả tăng —khiến việc lựa chọn không dùng tai nghe trở nên hợp lý hơn.
Những cải tiến về micro, loa và khả năng khử tiếng ồn trên điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay cho phép lọc tiếng ồn xung quanh và giúp âm thanh tổng thể tốt hơn, thay vì ngày xưa khi mở âm thanh chốn đông người, bạn chẳng nghe thấy gì.
Truyền hình thực tế là nguyên nhân?
Một ảnh hưởng khác đến hành vi hiện tại của chúng ta có thể đến từ truyền hình và phim ảnh, đặc biệt là trên các chương trình thực tế. Gọi điện bằng loa ngoài hoặc chia sẻ thành tiếng bất cứ điều gì đang xảy ra trên thiết bị sẽ thu hút sự bàn luận của khán giả.
"Một khi chúng ta có ấn tượng rằng người khác làm được mà không vấn đề gì, điều đó sẽ thay đổi quan điểm của chúng ta về giới hạn nên làm trước kia", Cohen nói.
Ofcom đã tiến hành một cuộc khảo sát về việc không đeo tai nghe ở Anh và nhận ra một số thông tin thú vị. Chỉ dưới một nửa (46%) số người nói rằng họ xem video mà không có tai nghe ở nơi công cộng, nhưng tỷ lệ này lại thay đổi theo từng độ tuổi.
Thanh thiếu niên thường phát âm thanh nơi công cộng nhiều hơn khoảng bốn lần so với những người trên 55 tuổi – trong khi chỉ có 21% người trên 55 tuổi làm như vậy, con số này tăng lên 83% ở độ tuổi 13-17. Hành động cũng phổ biến hơn ở nam giới (52%) so với nữ giới (40%).
Tương tự, chỉ dưới một nửa (45%) số người nói rằng họ thực hiện cuộc gọi video mà không cần tai nghe. Và, có sự chênh lệch lớn về độ tuổi ở đây: chỉ 23% số người từ 55 tuổi trở lên nói họ gọi video bằng loa ngoài ở nơi công cộng, nhưng con số này tăng lên 69% ở độ tuổi 13-17.
So với video và cuộc gọi thoại, ít người nói rằng họ nghe nhạc ở những nơi công cộng mà không có tai nghe. Chỉ hơn một phần ba tổng số người (36%) cho biết họ làm điều này và một lần nữa, những người trẻ tuổi có hành vi nhiều hơn hẳn.
8/10 người được hỏi cảm thấy việc phát ra âm thanh ồn ào gây khó chịu.
Và có vẻ như càng có tuổi, chúng ta càng khó chịu với hành vi này. Chỉ hơn một nửa (52%) số người trẻ tuổi nói rằng họ có phản ứng tiêu cực với âm thanh ồn ã và tỷ lệ tăng lên đến 9/10 số người (89%) từ 55 tuổi trở lên.
Thậm chí, chính những người thường phát ra âm thanh cũng khó chịu với những ai làm điều tương tự, với gần 3/4 số người thừa nhận có cảm giác bực bội.
Chính vì ngày càng phổ biến, phản ứng của mọi người có vẻ như cũng dần chấp nhận. 44% số người được hỏi cho biết họ sẽ đi chỗ khác. Chỉ có khoảng 1/10 người (9%) yêu cầu người gây ồn dừng lại.
Phản ứng của những người lớn tuổi từ 55 tuổi trở lên cũng tăng hơn so với nhóm tuổi khác.
Có thể thấy, với khảo sát trên, sự phát triển của công nghệ và thói quen của người trẻ là câu trả lời cho việc vì sao chúng ta không còn đeo tai nghe nơi công cộng.