Xử nghiêm nhà mạng nếu “tiếp tay” cho phát tán tin nhắn rác

16/01/2015 14:16 PM | Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định sẽ xử lý theo đúng quy định nếu phát hiện nhà mạng tiếp tay cho các doanh nghiệp nội dung phát tán tin nhắn rác.

Thông tin này được ông Son đưa ra trong cuộc trả lời báo chí bên lề Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của VNPT ngày 15/1.

Thực tế vừa qua, tình trạng tin nhắn rác sau một thời gian lắng lại đã tiếp tục bùng phát làm phiền người tiêu dùng. Thậm chí, trong đó có cả những tin nhắn lừa đảo.

Mới đây, thống kê của Công ty an ninh mạng Bkav chỉ ra rằng, trong năm 2014, 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, gần gấp đôi con số của năm 2013.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, có chuyện nhà mạng không quản lý chặt chẽ thuê bao cũng như các doanh nghiệp nội dung đã cấp đầu số. Và thực tế cho thấy, các tin nhắn rác gửi đi càng nhiều thì các CSP và nhà mạng càng được lợi.

Ông Son cũng thẳng thắn cho rằng, cơ chế cấp đầu số thời gian qua có lỗ hổng. Bởi lẽ, các nhà mạng được cấp đầu số cho doanh nghiệp nội dung nhưng lại không có quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp đó.

Bên cạnh việc nhà mạng cần phải phát hiện và chấm dứt hợp đồng, chấn chỉnh đối tác là các doanh nghiệp nội dung, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ trực tiếp cấp phép đầu số cho doanh nghiệp này.

Trước vấn nạn tin nhắn rác, các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản để quản lý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì các văn bản trên dường như chưa phát huy tối đa hiệu lực của mình.

Bởi thế, ngày 24/12/2004, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Chỉ thị số 82 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Trong đó quy định khá chặt chẽ về việc nhà mạng phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung tin nhắn.

Ngoài ra, chỉ thị cũng yêu cầu nhà mạng phải tăng cường theo dõi và giám sát để phát hiện thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác; các CSP phải niêm yết, công khai đầy đủ và rõ ràng giá, cước dịch vụ và điều kiện cấu hình, loại máy điện thoại nào có thể sử dụng được dịch vụ…

Đây được đánh giá là một đợt tấn công "tổng lực" của cơ quan quản lý nhằm hạn chế tối đa tin nhắn rác.

Về việc tin nhắn rác đang xuất hiện trên các ứng dụng OTT, ông Son nói sắp tới cơ quan quản lý sẽ có văn bản về quản lý để thị trường viễn thông phát triển bền vững.

>> Hà Nội cắt 116 số điện thoại và đầu số gửi tin nhắn rác

Theo Yên Thủy

Cùng chuyên mục
XEM