Uber: Hào quang rực rỡ đang tiềm ẩn nguy cơ xuống bùn đen

14/10/2015 08:14 AM | Công nghệ

Vẫn còn đó một Uber hùng mạnh với giá trị thị trường ước tính lên tới 50 tỷ USD nhưng bản thân startup này cũng đang bộc lộ rất nhiều vấn đề.

Vào tháng 7, Uber đã huy động thành công 1 tỷ USD vốn đầu tư đến từ Microsoft và công ty truyền thông Ấn Độ Bennett Coleman & Co. Thành quả này góp thêm vào tổng giá trị của Uber, khiến hãng này trở thành startup công nghệ giá trị nhất thế giới, lên tới 50 tỷ USD. Kể từ khi được thành lập cách đây 5 năm, Uber đã thu được tổng cộng 8,2 tỷ USD vốn đầu tư.

Tuy nhiên, Uber đang có một nền tảng chưa thật sự vững chắc. Bên cạnh không ít đối thủ nặng ký, công ty này còn liên tục vấp phải các trận chiến pháp lý và phụ thuộc vào các nhà thầu độc lập. Xét trên nhiều khía cạnh, rất có thể Uber sẽ phải đối mặt với vài kịch bản ác mộng dưới đây trong tương lai. Hãy cùng xem một phương cách quan hệ công chúng sai lầm có thể gây ra những gì cho Uber.

Cái miệng hại cái thân

Vào năm 2014, Uber đã không ít lần lỡ lời trước công chúng. Tháng 11/2014, cuộc tranh luận về việc Uber có thể tiếp cận nguồn dữ liệu lộ trình của khách hàng đã bùng nổ sau khi Phó chủ tịch Emil Michael của Uber bị phát hiện thuê người soi mói thông tin mật của cánh phóng viên từng đăng bài bất lợi cho hãng. Thông tin này về sau đã đến tai Tổng biên tập Ben Smith của hãng tin BuzzFeed.

Theo ông, đây chính là một sai phạm điển hình trong chính sách bảo mật của Uber – sau này mới được đăng tải lên trang web của công ty vì sức ép từ những vụ bê bối. Theo đó, hãng cấm các nhân viên mọi cấp bậc truy cập vào dữ liệu hành trình của khách hàng, ngoại trừ mục đích kinh doanh hợp pháp.

Cụ thể, Uber tiến hành điều tra Josh Mohrer - người đứng đầu văn phòng Uber tại New York vì vi phạm quyền riêng tư, sau khi ông này truy cập dữ liệu cá nhân của phóng viên Johana Bhuiyan ít nhất 2 lần mà không có sự đồng ý của cô. Trước đó, Josh Mohrer từng hẹn phỏng vấn với phóng viên này, đồng thời dùng iPhone để theo dõi cô kể từ lúc lên xe của Uber tới chỗ hẹn.

Trong một lần khác, cô Bhuiyan kể rằng Mohrer đã email cho cô toàn bộ dữ liệu hành trình của cô mà Uber đã theo dõi được, kèm theo thông báo: “Để làm rõ các câu hỏi của cô về việc chia sẻ thông tin hành trình liên quan tới đối thủ cạnh tranh Lyft”.

Trong khi đó, hãng xe Lyft lại tỏ ra khá… hoan hỉ khi vị quan chức này của Uber bị phát hiện hành vi không đẹp. Mặc dù Uber đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi, song vụ việc của ông Michael đã khiến nhiều người hoài nghi về các hoạt động trước đây của hãng này. Phải nói rằng, nếu Uber vẫn tiếp tục quan hệ công chúng một cách “ngớ ngẩn” như vậy, việc khách hàng đổ xô sang các hãng xe đối thủ không phải điều khó hiểu.

Tài xế cần Uber hay Uber cần tài xế?

Rõ ràng Uber đang phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống tài xế – hay còn gọi là những “đối tác độc lập” – đang làm việc cho công ty. Tuy nhiên, những rắc rối liên tục tìm đến Uber trong năm qua lại đến từ chính lực lượng nòng cốt này, khi một bộ phận lái xe lên tiếng biểu tình nhằm đòi quyền lợi. Họ không hài lòng về chính sách quản lý nhân lực cũng như chế độ tài chính bất công của hãng.

Họ chỉ trích Uber đang cố tìm cách thoái thác trách nhiệm khi chỉ công nhận họ là những “đối tác độc lập” thay vì là nhân viên chính thức của công ty. Họ không hiểu nổi tại sao Uber lại không chấp nhận cho họ nhận tiền “tip” từ khách hàng. Họ chán nản trước hệ thống kiểm định “5 sao” đầy vô lý của Uber khi cho rằng họ sẽ dễ dàng mất việc nếu không may bị chấm 1 sao.

Không ngoa khi nói lực lượng tài xế của Uber chẳng khác nào những… cơn gió. Bởi họ chẳng hề bị ràng buộc bởi bất cứ giấy tờ nào với Uber, có thể đến hoặc đi không cần hẹn trước. Và bản thân họ cũng hiểu rằng, họ mới chính là những người nắm trong tay “quyền sinh sát” – khi có thể dễ dàng nhảy từ Uber sang làm việc cho Lyft hoặc Gett, 2 đối thủ sừng sỏ nhất của Uber hiện tại. Thậm chí, họ hoàn toàn có thể “rửa tay gác kiếm” chỉ sau một thao tác gỡ bỏ ứng dụng Uber ra khỏi máy. Và nếu họ cùng đồng lòng rời bỏ công ty, hẳn Uber cũng khó lòng tồn tại.

Tài xế, “cục nợ” của Uber

Dù chịu sự quản lý của Uber nhưng hệ thống lái xe của hãng này lại hoàn toàn được quyền “tự tung tự tác”, và đôi khi còn trở thành gánh nặng về pháp lý dành cho chính Uber. Một tài xế Uber ở San Francisco từng bị buộc tội ngộ sát khi khiến một cô bé 6 tuổi mất mạng vào đúng đêm giao thừa năm ngoái. Tháng 9/2014, một tài xế khác của hãng này cũng bị cáo buộc hành hung khi dùng búa đập vào đầu khách hàng rồi… lái xe đi mất. Cũng trong tháng đó, một lái xe của Uber ở Orlando bị cho là đã quấy rối một khách hàng nữ và sau đó… đổ lỗi cho trang phục của người phụ nữ này.

Những câu chuyện hy hữu về tài xế của Uber vẫn sẽ còn kéo dài. Điều này không hề lạ khi hãng này vốn không có bất cứ chính sách quản lý đủ chặt chẽ nào để đưa hệ thống tài xế vào khuôn khổ, cũng như chưa từng xây dựng một chế tài thưởng phạt đủ mạnh nào nhằm răn đe những tài xế vi phạm. Tuy nhiên, về lý mà nói, Uber khó có thể thực hiện được điều này khi hãng luôn một mực khẳng định, hệ thống tài xế là những “đối tác độc lập” chứ không phải nhân viên chịu sự quản lý của hãng.

Để đối phó với tệ nạn này, nhiều hành khách đã tự trang bị cho mình những "gạch đầu dòng" cơ bản khi quyết định sử dụng Uber. Một người phụ nữ từng bị tài xế của Uber xâm hại và hành hung tại Delhi, India đã nỗ lực kiện hãng này lên tòa án Mỹ nhằm bù đắp tổn thất. Tuy đã bỏ dở vụ kiện nhưng người phụ nữ này cũng phần nào khiến Uber lao đao trong một thời gian, đồng thời lên tiếng “cảnh tỉnh” cho hãng xe vốn dính quá nhiều thị phi này.

E dè trước xe tự lái của Google

Từng có lời đồn thổi cho rằng Google đang nhăm nhe đối đầu với Uber trong thị trường vận chuyển. Theo đó, họ cho rằng Google đang tích cực xây dựng công nghệ chia sẻ chuyến đi của riêng mình khi đã giới thiệu mẫu xe tự lái cho cả thế giới trước đó. Điều này có thể khiến những người đứng đầu Uber trở nên lúng túng, bởi một khi Google tham gia vào thị trường đi chung xe đang hết sức gay gắt này, Uber sẽ buộc phải tiếp tục chia nhỏ thị phần bên cạnh nguy cơ bị “gã khổng lồ tìm kiếm” lấn lướt với công nghệ xe tự lái tân tiến.

Từ đầu năm, báo chí đã liên tục đưa tin Google đang thử nghiệm một chương trình nội bộ - dịch vụ đi chung xe dành riêng cho nhân viên. Thêm vào đó, cho dù Uber từng huy động được số vốn đầu tư khổng lồ nhưng có vẻ như vẫn chưa nhằm nhò gì so với vốn hóa thị trường của Google hiện đã lên tới gần 500 tỷ USD.

Chính CEO Travis Kalanick của Uber cũng từng nói, hãng này sẽ thay thế toàn bộ hệ thống tài xế bằng xe tự lái. Đầu năm nay, Uber cũng thông báo sự hợp tác với Đại học Carnegie Mellon để tiến hành nghiên cứu công nghệ xe tự lái, khẳng định đây là lĩnh vực sắp tới sẽ được Uber hướng mũi nhọn khai thác. Nhưng nếu Google là cái tên gây được tiếng vang trước, có lẽ Uber sẽ phải khá cật lực chi tiền nhằm tạo sự khác biệt và bứt phá.

Dần mất điểm tại châu Á

Vòng gọi vốn tháng 12 vừa rồi đánh dấu thời điểm Uber thu được số vốn kỷ lục 1,2 tỷ USD, cho phép công ty này triển khai những khoản đầu tư quan trọng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các startup đi chung xe đình đám khác tại khu vực này sẽ không đời nào để cho Uber dễ dàng chinh phục thị trường sân nhà. Didi Kuaidi – đối thủ khó nhằn nhất của Uber tại Trung Quốc – và Lyft, “cái gai” trong mắt Uber tại thị trường Mỹ, mới đây đã tuyên bố bắt tay hợp tác nhằm tổng tấn công Uber trên toàn thế giới.

Sự hợp tác chiến lược này sẽ giúp 2 công ty này chia sẻ công nghệ, phát triển sản phẩm và nguồn lực địa phương để cùng nhau đi lên. Giả dụ, khi khách hàng của Lyft đến Trung Quốc hoặc ngược lại – khách hàng của Didi Kuaidi tới Mỹ – 2 công ty này đều cho phép khách hàng trả phí bằng ngoại tệ tương ứng. Không những thế, mối liên minh chống lại Uber hoàn toàn có thể mở rộng tới phạm vi toàn cầu. Theo đó, Lyft và Didi Kuaidi đang tiến tới thỏa thuận hợp tác với các dịch vụ chia sẻ chuyến đi khác của châu Á như Ola của Ấn Độ hay GrabTaxi của Singapore.

Cho dù đã hoạt động hết công suất tại nhiều thị trường châu Á bao gồm Bắc Kinh, Bangkok và Tokyo, Uber vẫn vấp phải vô số rào cản đến từ chính những thị trường này. Hàn Quốc từng tuyên bố đình chỉ hoạt động của Uber vô thời hạn tại nước này. Được biết, luật pháp Hàn Quốc không cho phép các công ty công nghệ lưu trữ và sử dụng các dữ liệu thanh toán – hay thông tin thẻ tín dụng – của khách hàng như một phần trong quá trình vận hành.

Thay vào đó, người dùng cần phải nhập lại thông tin của mình với mỗi lần mua hàng vì lý do an ninh. Chính nhờ tận dụng và thích ứng thành công với chính quyền địa phương, “khối liên minh” toàn cầu này đang đi trước Uber 1 bước trong việc thấu hiểu và thâm nhập thị trường châu Á, mảnh đất màu mỡ cho mô hình dịch vụ chia sẻ chuyến đi hiện nay.

Khi các lỗ hổng pháp lý từng giúp Uber “lách luật” bị chính phủ loại bỏ

Phương châm kinh doanh “táo tợn” của Uber thực chất còn đem lại cho công ty này nhiều thành công hơn mong đợi. Nó giúp Uber thành lập “căn cứ” tại nhiều thành phố lớn mà không cần đến sự đồng thuận từ chính quyền địa phương. Một khi đã định vị được tiềm năng kinh doanh, Uber sẽ bất chấp tất cả để bám trụ, miễn là tạo ra lợi nhuận.

Vào năm ngoái, Uber từng tập trung bồi dưỡng đội ngũ chính sách của mình với sự góp mặt của David Plouffe, cựu chiến lược gia từng làm việc cho Tổng thống Obama, giờ chuyển sang phụ trách mảng chính sách và chiến lược cho Uber. Nhóm này đã hỗ trợ Uber từng bước tiến sâu vào lĩnh vực chính trị, trước mắt nhằm xoa dịu và thống nhất với các chính quyền địa phương để tự do vẫy vùng.

Thế nhưng, hầu hết các thành phố và quốc gia Uber từng “đóng đô” đều không hề đón chào sự xuất hiện của dịch vụ này. Điển hình có Nevada là tiểu bang đầu tiên của Mỹ tuyên bố cấm Uber hoạt động, dù dịch vụ này đang rất ăn nên làm ra tại các bang khác. Uber cũng phải đối mặt với hàng loạt rắc rối từ chính quyền địa phương các nước, đặc biệt là Đức.

Uber khó có thể hoạt động tại nước này một phần bởi toàn bộ hệ thống taxi tại Đức là của hãng Mercedes, một đẳng cấp hoàn toàn khác so với xe taxi của Mỹ. Người Đức cũng không mấy mặn mà với dịch vụ của Uber cho dù sẽ giúp họ tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Tòa án ở Hamburg và Berlin trước đây cũng từng đưa ra lệnh cấm dành cho Uber khi tuyên bố công ty này không thể hòa hợp với luật pháp của Đức. Ngoài ra, Pháp cũng từng đưa ra lệnh cấm dịch vụ UberPop của Uber tại nước này. Tòa án Hà Lan cũng tuyên bố, các tài xế Uber không sở hữu bằng lái sẽ không được phép hoạt động.

Tất cả những minh chứng trên đều chỉ ra một sự thật rằng, nếu chính phủ các nước vẫn tiếp tục tỏ ra không vừa ý với Uber như hiện tại, và nếu Uber cứ mãi “cứng đầu” trước luật pháp địa phương, những gì công ty này thu lại sẽ chỉ toàn là rắc rối.

Tương lai IPO vẫn còn mờ mịt

Sau khi thu về 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn vào tháng 7 vừa rồi, Uber đã được định giá tới 50 tỷ USD, mức giá kỷ lục cho một startup công nghệ ở thời điểm hiện tại. Theo kế hoạch, Uber sẽ sớm phát hành chứng khoán ra công chúng lần đầu tiên.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng giá trị vốn đã cao của Uber rất có thể trở thành “con dao 2 lưỡi” đưa công ty này vào thế bí. Đơn cử, họ cho rằng Uber phải tăng gấp đôi giá trị thị trường của nó tại thời điểm IPO mới có thể làm thỏa mãn các nhà đầu tư. Nếu thành công, họ sẽ là những người có khả năng đưa Uber lên ngang tầm với Facebook – từng đạt 104 tỷ USD ngay lần IPO năm 2012.

Cũng phải nói rằng, một khi quyết định IPO, Uber sẽ buộc phải công khai mọi khía cạnh tài chính trước công chúng. Vào năm ngoái, Uber từng có một thỏa thuận với Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, vốn là 1 trong nhiều nhà đầu tư của Uber. Theo đó, nếu Uber không IPO trong vòng 4 năm nữa, công ty này sẽ buộc phải trả lãi suất cho Goldman Sachs.

Ném tiền qua cửa sổ

Tin đồn về tình hình tài chính ảm đạm của Uber đã có từ lâu. Tuy nhiên mới đây, thông tin này chính thức được kiểm chứng khi công ty truyền thông Gawker tiết lộ, Uber hiện đang không thu được lợi nhuận. Trong các tài liệu Gawker thu thập được, từ năm 2012 đến nay, lợi nhuận của Uber đang dần lép vế trước các khoản thâm hụt đang ngày một lớn. Điều này cho thấy, công ty này đang đang khá lao đao trước tình cảnh hàng đống tiền “đội nón ra đi” sau từng đêm.

Theo thống kê của Gawker, tổng doanh thu nửa đầu năm 2013 của Uber rơi vào khoảng 32 triệu USD trong khi nửa cuối năm đạt 72 triệu USD, đưa doanh thu cả năm 2013 lên khoảng hơn 100 triệu USD. Tài liệu này cũng cho thấy, dù doanh thu của hãng này vẫn tăng trưởng đều hàng quý, nhưng bên cạnh đó, các khoản thiệt hại cũng ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2012 đánh dấu khoản lỗ khổng lồ hơn 20 triệu USD của Uber.

Tiếp đó, chỉ trong nửa đầu năm 2013, công ty này đã để mất tới hơn 15 triệu USD. Trước tình hình này, Uber vẫn tỏ ra khá bình thản: “Mọi người thường rất kinh ngạc trước những con số đó. Nhưng một khi đã quyết định lèo lái một doanh nghiệp, bạn buộc phải chấp nhận rằng hôm nay bạn đầu tư, chưa chắc ngày mai bạn đã tạo ra lợi nhuận”.

Uber – Chú lính chì dũng cảm

Cho dù khó khăn luôn trực chờ, Uber vẫn kiên cường bám trụ, thậm chí còn tỏ ra ngày càng sung sức. Tại Mỹ – thị trường lớn nhất của hãng – Uber đã đạt mức 100.000 chuyến xe/tuần tính đến tháng 12/2014. Thành tích này sẽ mang lại cho Uber ít nhất 1 tỷ USD/năm. Từ năm 2012 đến 2013, mức độ tăng trưởng của Uber đã đạt mốc gây choáng 369%.

Sang tới năm nay, tốc độ phát triển của Uber đã vào khoảng 300%, đưa ước tính tổng doanh thu năm 2015 tính đến thời điểm hiện tại lên tới 10 tỷ USD. Chưa kể công ty này đang dự định bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vài năm tới, nhằm đưa giá trị từ 50 tỷ lên 100 tỷ USD.

Uber luôn tự tin vào sức ảnh hưởng của bản thân, và các nhà đầu tư cũng luôn bị thu hút bởi sự tự tin đó. Kể từ khi thành lập cách đây 5 năm, mức tăng tưởng của Uber vẫn chưa bao giờ hết nóng. Lý do cho sự phát triển vượt trội này đến từ giá trị sản phẩm của Uber, khiến cho startup này – dù không phải người khởi xướng cho trào lưu đi chung xe – nhưng lại là người làm tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Theo NhungNg

Cùng chuyên mục
XEM