Xin đừng im lặng, hãy bảo vệ trẻ em!
Chỉ cần thật tâm yêu trẻ sẽ không khó để nhận ra trẻ đang bị bạo hành và có biện pháp bảo vệ kịp thời.
Trong tuần qua, những thông tin về vụ bé gái ba tuổi (trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê sau khi bị chín cây đinh ghim vào đầu đã nhận được nhiều sự quan tâm, phẫn nộ của bạn đọc.
Ngày 20-1, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) về hành vi giết người.
Huyên được xác định là người bạo hành bé ba tuổi. Ngoài ra, công an tiếp tục làm rõ vai trò của Nguyễn Thị L (27 tuổi, mẹ của bé A và là người tình của Huyên) liên quan vụ án.
Nhiều vụ án bạo hành, tra tấn trẻ em xảy ra thời gian qua khiến dư luận quan tâm. Ảnh: TP |
Từ sự việc này và một số vụ bạo hành trẻ em gần đây, nhiều bạn đọc kêu gọi mọi người hãy cùng đồng lòng bảo vệ khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bị bạo hành.
Người lớn cần làm gì khi trẻ bị bạo hành
Nhiều bạn đọc thắc mắc làm thế nào để người thân, những người sống xung quanh trẻ nhận biết trẻ đang bị bạo hành để sớm ngăn chặn, can thiệp.
Liên quan đến vấn đề này, ThS tâm lý Lê Minh Huân, Tham vấn tâm lý Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, phân tích: Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục hay bằng lời nói đối với các em nhỏ.
Các biểu hiện tâm lý có thể nhận thấy ở trẻ đã hoặc đang bị bạo hành là trẻ thường xuyên có những cảm giác bất an, ngủ mớ, gặp ác mộng, tè dầm. Trẻ có những biểu hiện như hay nhìn trước ngó sau, xáo trộn thói quen, tính tình thất thường, dễ buồn, giận, cáu gắt, đóng cửa phòng, ít trò chuyện… Đó là những dấu hiệu ban đầu về mặt tâm lý để người lớn sớm nhận biết trẻ bị bạo hành.
ThS tâm lý Lê Minh Huân khuyến cáo: Nếu quan tâm các biểu hiện bất thường, đáng nghi ở trẻ, người lớn không nên tỏ ra mất bình tĩnh, hỏi gấp gáp, vội vàng, điều tra, đe dọa, nạt nộ... Chúng ta cần quan sát một cách khéo léo các dấu hiệu tâm lý và thể chất của trẻ trong các sinh hoạt thường ngày để thu nhận được nhiều thông tin nhất có thể. Sau đó, tiếp cận, gợi chuyện nhẹ nhàng để trẻ trả lời mà không cảm thấy bất ngờ, ngần ngại. Đồng thời, người lớn nên trấn an trẻ, giúp trẻ hiểu rằng không có bí mật nào cần phải giấu giữa ba mẹ với con cái. Qua những câu hỏi, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời từ trẻ và để ý từng biểu hiện ngôn ngữ, phi ngôn ngữ của trẻ để nắm bắt tâm lý và tìm cách hỗ trợ trẻ.
“Nếu biết trẻ bị bạo hành thì hãy liên lạc với cơ quan chức năng gần nhất hoặc gọi các đầu số khẩn cấp như 111, 113 để được hỗ trợ. Đặc biệt, người lớn luôn cảnh giác và dạy trẻ cách phòng chống, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo hành càng sớm càng tốt” - ThS tâm lý Lê Minh Huân chia sẻ.
Giá như mỗi người “bao đồng” một chút
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, đã có những phân tích, lý giải vì sao xảy ra các vụ án bạo hành trẻ em đau lòng đến tức tưởi xảy ra trong thời gian gần đây.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, các vụ án giết trẻ em mới xảy ra gần đây đều dưới hình thức bạo hành gia đình. Trước khi bị giết, trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi, với những chấn thương để lại trên thân thể. Nhưng tại sao không ai biết cho đến khi những sinh mệnh thuần khiết ấy lìa bỏ cuộc đời? Có thực sự khó để không thể biết trẻ bị bạo hành hay không? Câu trả lời là không!
Chỉ cần có một lòng thật tâm yêu trẻ, một ý thức trách nhiệm công dân… sẽ không khó để nhận ra trẻ cần được cứu trước khi quá muộn!
“Ở các vụ án đã xảy ra, xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác về mặt trách nhiệm, chính là người thân của các cháu, rồi đến hàng xóm, giáo viên…
Tội của họ là tội thờ ơ, vô cảm, chỉ chăm lo cho mối quan tâm hay lợi ích của mình, mà không biết rằng giá như họ bao đồng chút thôi là một sinh linh đã có thể được giữ lại” - Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định.
Tất cả người lớn phải có trách nhiệm với trẻ em
Những người đã có con nhưng không thể bảo vệ con mà quá tin tưởng vào người khác dẫn đến hậu quả như hôm nay thì cần xem lại cách sống của mình. Cần xem xét trách nhiệm của người mẹ và nên xử người bạo hành bé gái thật nặng để làm gương - bạn đọc Nguyễn Văn Hào.
Không phải bố dượng, mẹ kế nào cũng xấu. Tuy nhiên, hàng xóm láng giềng cần quan tâm để ý những trường hợp các cháu bé có hoàn cảnh đáng ngờ để khi phát hiện ra những bất thường cần can thiệp ngay - bạn đọc Trần Anh.
Theo thông tin báo chí, tôi thấy hiện có đường dây nóng 111 đang hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, khi người báo tin cũng được hỗ trợ bảo mật thông tin. Vì thế, chúng ta đừng ngần ngại, đừng tiếc vài phút để báo thông tin khi có nghi ngờ trẻ bị bạo hành. Tôi rất hoan nghênh ông nội cháu bé bị ghim đinh vào đầu đã gọi đến tổng đài 111 để cầu cứu - bạn đọc Hải Âu.