"Xin bác sĩ nhường chồng tôi thở máy" - Câu nói xúc động của cụ bà mắc Covid-19 và bức thư đặc biệt cụ ông gửi vợ từ phòng cấp cứu
Chồng được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng thời điểm người vợ chuẩn bị đặt ống nội khí quản, bà A. xúc động "xin bác sĩ cho chồng tôi thở máy. Tôi không cảm thấy khó thở, nên không cần".
"Xin bác sĩ cho chồng tôi thở máy"
Gia đình ông T.N.L., 72 tuổi và bà T.T.A., 71 tuổi, sống tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội - nơi được xác định là một trong 6 "vùng đỏ" trọng điểm Covid-19 hiện nay. Hai ông bà nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 26/7, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Bệnh trở nặng, bà A. được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội) ngày 2/8, còn ông L. được chuyển đến sau đó 4 ngày, đều trong tình trạng nặng, phải thở oxy.
Các bác sĩ nhận định nữ bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc bình thường, nhưng phim chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy phần lớn phổi đã bị tổn thương, khoảng phổi lành còn rất ít. Chỉ số oxy trong máu quá thấp, bệnh nhân cần phải đặt ống nội khí quản cấp cứu.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước khi đặt ống nội khí quản, nhân viên y tế sẽ giải thích rất kỹ cho bệnh nhân và gia đình về các thao tác sẽ tiến hành cũng như nguy cơ có thể xảy ra.
17h chiều 6/8, khi các bác sĩ chuẩn bị đặt ống nội khí quản cho bà A. thì ông L. được chuyển vào Khoa Cấp cứu. Nhận ra chồng, người vợ liền bày tỏ nguyện vọng "Xin bác sĩ cho chồng tôi thở máy. Tôi không cảm thấy khó thở, nên không cần".
"Khi ông L. được chuyển tới, bà A. nghĩ chuyển máy thở cho ông thì tốt hơn. Lúc đó, bà vẫn tỉnh táo, không khó thở hoàn toàn, nên vẫn cố gắng. Tuy nhiên đó là thời điểm thích hợp để bệnh nhân được can thiệp thở máy", bác sĩ Thiệu cho hay.
Các bác sĩ giải thích với bà, rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và liệu pháp oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của ông cần tiếp tục theo dõi, chưa cần máy thở ngay như bà.
Có vẻ như sau lời chia sẻ của bác sĩ, bà A. vẫn chưa yên tâm.
Cụ ông (bên trái) và vợ được bác sĩ Thiệu và điều dưỡng chăm sóc
Bác sĩ Thiệu kể lại, các nhân viên y tế chỉ bà nhìn về nơi góc phòng máy, nói: "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu máy thở. Chúng cháu sẽ cứu cả 2 ông bà".
"Thoáng chốc tôi thấy sự yên tâm trên nét mặt bà. Thuốc an thần cũng có tác dụng, bà đi vào 'giấc ngủ dài' để các bác sĩ đặt ống nội khí quản", bác sĩ Thiệu nói và bày tỏ, người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hi sinh cho gia đình, hi sinh cho chồng, cho con. Dù não đang thiếu oxy, dù thở không ra hơi thì bà vẫn thều thào cầu xin nhường máy thở cho chồng.
Vài ngày sau, bệnh tình ông L. bất ngờ trở nặng, 4 ngày sau cũng bắt buộc đặt ống nội khí quản. Điều may mắn, 2 ông bà đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, phục hồi nhanh hơn so với các ca bệnh khác. Ngày 12/8, họ cùng được rút ống nội khí quản và chỉ phải thở oxy.
"Thông thường vài ngày mới có một ca cai thở máy, đặc biệt ngày hôm đó cả 2 ông bà cùng được rút ống nội khí quản", bác sĩ Thiệu chia sẻ.
Vài giờ sau khi cai máy thở, ông L. dần tỉnh táo trở lại. Bà A. vì dùng thuốc an thần dài hơn, nên vẫn chưa tỉnh hẳn, còn trong trạng thái kích thích, mê man. Ông như được sống lại lần nữa sau "giấc ngủ" nhưng nhìn giường bà bên cạnh, nước mắt ông vẫn lăn dài trên má.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - tuyến đầu chống dịch Covid-19
Bức thư đặc biệt ở phòng Cấp cứu
Tối hôm đó, sau khi chăm sóc toàn bộ bệnh nhân, một nữ điều dưỡng tiến đến giường bệnh của ông L., hỏi ông có muốn nhắn nhủ điều gì với vợ không. Vì thanh quản đang bị tổn thương sau khi rút ống nội khí quản, ông chỉ thều thào được vài tiếng không tròn chữ. Nữ điều dưỡng đã đưa giấy, bút, dặn ông hãy viết ra những điều muốn gửi tới vợ.
Trong "bức thư" đặc biệt được gửi đi từ giường bệnh đến giường bệnh, với những dòng chữ nguệch ngoạc, ông L. bộc bạch: "71 năm. Cưới nhau, chưa giúp nhau được gì. Nay ai còn ai mất, nhờ người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên".
Bác sĩ Thiệu nhớ lại, khi nữ điều dưỡng đọc bức thư cho bà A. nghe, bà đã chảy nước mắt. Mọi người cảm nhận được rằng bà hiểu tấm chân tình của chồng.
Bức thư đặc biệt ông L. gửi vợ mình trên giường bệnh
Những ngày sau, sức khỏe dần hồi phục, thi thoảng ông L. cố vươn người, nhìn xem điều dưỡng đang chăm sóc vợ mình như thế nào. Khi bà được tiêm truyền, hay đi chụp phim, ông đều lo lắng. Bác sĩ cố gắng giải thích bà đã vượt qua những ngày nặng nhất rồi, sẽ dần hồi phục, ông cũng yên tâm hơn.
"Ông rất muốn làm gì đó giúp vợ nhưng ngoài khả năng khi bản thân vẫn phải dựa vào thở oxy", bác sĩ Thiệu cho biết luôn yêu cầu bệnh nhân tập trung thở, hạn chế nói và cố gắng nghỉ ngơi. Khi xúc động hay gắng sức, nhu cầu oxy sẽ tăng cao.
Dù bà A. chưa hoàn toàn tỉnh táo, nhưng tình trạng bệnh đang tiến triển rất tích cực. Các bác sĩ liên tục trấn an, động viên bà yên tâm nghỉ ngơi, đảm bảo thở oxy hiệu quả.
"Câu chuyện là cả một quá trình, có điểm nhấn để mọi người xúc động và biết ơn tình cảm gia đình. Khi chứng kiến tình yêu và sự sẻ chia của cặp vợ chồng, chúng tôi đều vỡ òa cảm xúc", bác sĩ Thiệu nói.
Bác sĩ tâm sự, trong quá trình điều trị và chăm sóc, mỗi bệnh nhân hồi phục và khỏe mạnh, là niềm vui mừng đáng trân quý nhất. Sự thay đổi của bệnh nhân, tốt lên từng ngày, chưa kể đến khi họ được xuất viện về nhà, thực sự là niềm vui rất lớn.
"Dù từng chứng kiến một gia đình 3 bệnh nhân Covid-19 nặng cùng nhập viện, rồi 2 người lặng lẽ ra đi, một người ở lại rất đau lòng, chúng tôi vẫn luôn hi vọng giúp bệnh nhân sớm đoàn tụ với gia đình. Như hai ông bà cùng vượt qua giai đoạn nguy hiểm, dần hồi phục, niềm hạnh phúc của chúng tôi cũng được nhân đôi", bác sĩ Thiệu chia sẻ.