“Xin ấn nhà Trần giống mời quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị phạt”

14/04/2022 08:11 AM | Sống

“Nếu chúng ta làm trắc nghiệm xem bao nhiêu người xin ấn về mà vẫn vướng vòng lao lý, thị phi thì kết quả sẽ ra sao?”

Mời quý độc giả đón đọc phần 1:

Những điều đặc biệt của ngày Giỗ Tổ và lý giải hiện tượng kiệu bay

 “Xin ấn nhà Trần giống mời quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị phạt” - Ảnh 1.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà, có một hiện tượng diễn ra khá phổ biến ở các lễ hội làng xã. Đó là cầu may, lấy khước. Ví như ở hội Gióng, người tham dự lễ hội giành giật nhau những chùm hoa tre. Vì họ tin rằng, người nào cướp được cái đó thì năm nay sẽ gặp nhiều may mắn, công việc thuận lợi hanh thông, hạnh phúc tăng trưởng. Chính vì thế, trong lễ hội dân gian Việt Nam đã xuất hiện cụm từ: cướp cờ, cướp phết, cướp cù. Bà có tin rằng khi cướp được những vật đó sẽ mang lại may mắn cho mình hay không?

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Tôi xin nhắc lại: vạn vật đều có năng lượng cho nên các vật tế cũng đón nhận được những nguồn năng lượng cao quý của trời đất, của các bậc bề trên hội tụ về lễ hội.

Khi đi hội, trong tâm khảm của mỗi con dân, ai cũng xin thánh thần phù trợ cho mạnh khỏe, cho trí tuệ, cho hanh thông, cho nhà yên, cảnh ấm… Đó là khát vọng của lòng người. Điều đó không sai. Ở đây, tôi chỉ muốn nói: "Bề trên công bằng". Vì quy luật của vũ trụ công bằng. Các ngài sẽ ban theo phúc đức chứ không phải ban theo lễ vật, không phải ban theo ngôn từ của những lời cầu nguyện. Bởi có những người có khiếu nói, họ khấn hay lắm, họ xin thắm thiết lắm. Hãy tin rằng lộc trời ban theo nhân quả.

Trong lễ hội, chúng ta nhiều khi xin lộc của các ngài để lấy khước. Cái này đúng bởi vì những vật tế đều được cộng hưởng năng lượng cao quý ấy. Song ngày xưa dân số chưa đông nên người đi lễ không đông như bây giờ.

Đã là lộc của ông Trời thì người ta gọi là ban tài, tiếp lộc chứ không giằng co, tranh cướp trước mắt thánh thần. Vậy tôi rất mong những người đi hội phải có văn hóa. Nếu duyên đến, vật lễ tự nhiên bay xuống đúng chỗ mình. Và cái bay này mới là quý. Hoặc mình đứng yên một chỗ nhưng được một người cầm cả cành lau tách cho mình 1 nhánh: "Tôi tặng bác". Như thế thì cái người đi phát lộc ấy đóng thêm một vai là sứ giả ban phát điều lành.

 “Xin ấn nhà Trần giống mời quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị phạt” - Ảnh 2.

Nếu chúng ta hiểu được văn hóa tín ngưỡng chân chính thì người đi hội không tham, không nuôi dưỡng cái tham vì cứ tham là trái đạo, trái quy luật mất rồi. Nó giống như Chúa ban cho ta một miếng mánh bánh Thánh lớn hơn mọi người. "Con lạy Đức Chúa Trời! Con chỉ nhận để con ăn vừa đủ cho khỏe. Vì tổ tiên ông bà con dạy: "Một bữa cơm no cũng hóa thành bội thực". "Miếng ăn quá khẩu thành tàn". Con muốn không chỉ cả nhà con, cả dòng họ con, mà cả cộng đồng đều được thụ hưởng cái lộc ấy".

Trong lễ hội, sẽ hiển lộ cái nhân tham, cái mầm tham của mỗi người. Những người đi hội đã nhận diện được điều ấy chưa? Đã tiết chế được chưa? Đã chuyển hóa được chưa? Theo tôi đây cũng là phép thử của thế giới vô hình và cũng là phép thử của cổ nhân.

Chúng ta đi hội bây giờ, gánh trên vai sự mong cầu nhiều quá. Chúng ta chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến cộng đồng bên ta cùng đi hội. Họ cũng giống ta, họ cũng mong muốn một chút lộc của đất trời. Giá như ta được một phần ta có thể sẻ chia cho người bên cạnh một nhánh hoa tre thôi, lấy khước mang về thì mới quý.

Tôi rất mong qua cuộc trò chuyện này, chúng ta sẽ hiểu đến tường tận hơn. Biết đâu bề trên thử xem ta tham đến cỡ nào? Sợ nhất là ta tranh cướp và không biết chia sẻ cho ai. Trời đất và các vị biết hết, chắc vừa buồn cười vừa thương con người. Tu làm người khó như vậy. Luôn luôn có những phép thử hiện hữu trong dân gian, trong mọi nơi, ở mọi chỗ nhất là những lễ hội tâm linh.

 “Xin ấn nhà Trần giống mời quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị phạt” - Ảnh 3.
 “Xin ấn nhà Trần giống mời quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị phạt” - Ảnh 4.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Nhân chuyện nói về lấy khước cầu may trong các lễ hội, tôi lại nhớ đến một hiện tượng, nói đúng hơn là một thực trạng rất đáng báo động diễn ra nhiều năm nay ở Đền Trần. Đó là cảnh đã từng xảy ra: hàng ngàn, hàng vạn người chen nhau, đạp lên nhau để tranh cướp ấn ở đền Trần. Họ có niềm tin là nếu năm nay họ có ấn thì công việc của họ sẽ hanh thông, thậm trí sẽ được thăng quan tiến chức. Bà có bình luận gì về thực trạng này?

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Khu di tích đền Bảo Lộc được phân ra hai cảnh rất rõ: Một bên là thờ vương triều nhà Trần. Một bên là thờ Đức Thánh Trần. Bên vương triều nhà Trần thường phát ấn.

Theo tôi, hiện nay chúng ta còn hiểu rất sơ mơ về lĩnh vực này. Nói cho dễ hiểu, ấn chính là lệnh. Lệnh để gánh công, lệnh để lo việc dành cho những người phò vua giúp nước, có trọng trách trong ván cờ thế sự. Chẳng hạn, vua là tướng thì tả văn, hữu võ sẽ là sĩ, tượng. Nếu một người làm lãnh đạo là xe thì bên cạnh xe phải có pháo, mã.

Chúng ta chịu hai sự phân công lao động. Nghề là sự phân công lao động của xã hội. Còn nghiệp là sự phân công lao động của vũ trụ, của thiên nhiên. Cho nên cổ nhân mới có câu: "Tu là hoàn nghiệp". Nếu chúng ta hiểu sâu sắc điều này thì chúng ta đương làm việc gì nó chính là nghiệp mà Mẹ Thiên Nhiên giao phó. Và chúng ta phải làm bằng Tâm giác ngộ chứ không phải làm cho xong chuyện, làm qua loa. Nếu làm cho xong chuyện, cho qua loa, Mẹ Thiên Nhiên biết là chúng ta mất điểm, thậm trí có lỗi.

Tôi dám nói, hiện nay chúng ta chỉ hiểu chữ nghề, chọn nghề, làm nghề chứ chưa hiểu về chữ nghiệp. Chính trị gia cũng là một nghề, khoa học cũng là một nghề chứ không phải chỉ ông thợ mộc, thợ nề, thợ xây, thợ chát mới là nghề. Mong rằng chúng ta hiểu điều này thật sâu và hiểu đến gốc của vấn đề. Nếu tất cả mọi người làm bằng nghiệp thì theo tôi mọi người sẽ giác ngộ mà làm và làm rất thành công. Ngay lập tức năng suất hiệu quả lao động của chúng ta sẽ cao lên.

Vậy ai là người được xin ấn? Theo tôi, phải là những con người có sứ mệnh. Cũng xin nói thêm, ấn đây là của vương triều nhà Trần chứ không phải là thời đại chủ tịch Hồ Chí Minh mà ta đang sống. Nhưng chúng ta có thể kế thừa những tinh hoa văn hóa của cổ nhân. Vì thế, chúng ta vẫn có thể cấp ấn. Song không phải cấp cho toàn dân mà cấp cho những người có sứ mệnh gánh vác những công việc trọng trách trong kiếp này.

Nhưng vì không hiểu và tâm tham nổi lên, nên chúng ta thích đủ thứ. Vì vậy, người chả biết làm gì, thậm chí những người già chỉ ở nhà nội trợ, buôn gian bán lận, cũng đi xin ấn. Mà cứ lấy ấn là dâng tiền. Làm như thế là chúng ta đi mua ấn, chứ không phải đi rước ấn. Hai cái này khác nhau một trời một vực.

Ấn của nhà Trần muốn nhắc: nếu là quan văn thì phải hiểu và học cả võ. Nếu là quan võ phải học cả văn. Cho nên sự học sẽ không bao giờ ngưng nghỉ. Văn võ phải song toàn như Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo. Khi ngài hóa, được dân phong, trời phong và vương triều nhà Trần phong. Sắc phong ấy sẽ sống mãi trong lòng trăm họ, mặc dầu đã hơn 700 năm.

Cho nên ấn của nhà Trần, của vương triều nhà Trần lúc sinh thời, đây là một phương pháp để nhắc nhở các vị quan tả văn, hữu võ hãy vì dân vì nước, làm tôi phải trung, làm con phải hiếu. Nếu làm tôi bất trung, làm con bất hiếu ắt sẽ bị thần minh chu diệt.

Nhưng tiếc thay, những người đi xin ấn cứ nghĩ rước ấn về nhà là có khí thiêng đi theo, sẽ được hộ trì cho cả năm nay. Và nếu như người rước ấn ấy về nhà mà sống vô thần vô đạo, khuynh thành, đảo địa thì tôi dám khẳng định chắc như đinh đóng cột: Họ sẽ không được hộ thần cũng chẳng hộ mệnh đâu.

 “Xin ấn nhà Trần giống mời quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị phạt” - Ảnh 5.
 “Xin ấn nhà Trần giống mời quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị phạt” - Ảnh 6.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Nếu hiểu được sâu sắc những điều này, chắc hẳn nơi phát ấn sẽ tĩnh lặng hơn rất nhiều...

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Tôi nhắc lại, xin ấn là để có động lực giúp đời, giúp cho chúng ta gặp những ván cờ khó mà vẫn tĩnh tại, thông minh hơn, trí tuệ hơn, sáng suốt hơn, đi được những nước cờ hay hơn và cái kết quả cuối cùng phải đạt được đến là không làm khổ mình, không làm khổ người, mang được lợi lạc cho người. Chúng ta nhớ rằng, vương triều nhà Trần, đặc biệt là thời kỳ đầu, vô cùng tôn kính đạo Phật.

Tôi thường nói với các bạn của tôi: Xin ấn của nhà Trần đi xin giống như chúng ta mời một vị quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị Ngài phạt, tử tế, hữu ích được ngài thưởng. Nếu chúng ta chỉ hiểu giản đơn như thế này thì nhiều người sẽ không dám đi xin ấn nữa.

Bây giờ chúng ta làm một cuộc trắc nghiệm xem bao nhiêu người xin ấn về mà được bình an? Bao nhiêu người xin ấn vẫn vướng vòng lao lý, thị phi? thì kết quả sẽ ra sao? Việc này chưa có ai làm cả.

Ấn phải có năng lượng. Vì thế, điều vô cùng quan trọng: ai là người đóng ấn? Nếu được đóng bởi các bậc đạo sư chân chính có công năng, có đạo lực, thì ấn mới có giá trị năng lượng hiển lộ. Còn nếu dùng một ai đó, đạo không ra đạo, đời không ra đời mà đóng ấn thì giống như rước một miếng vải không hồn về nhà.

Đức Thánh Trần chỉ cấp dấu đó cho những người có công năng dị biệt, có căn cơ cá biệt, có duyên phận với cửa Trần triều. Đó là người tự nguyện xin làm học trò của nhà Ngài để góp phần nhỏ bé làm cho muôn dân có Đạo, nhà nhà sáng Đạo làm người, để đúng như tên hiệu của ngài TRẦN HƯNG ĐẠO.

Như vậy, những người không hiểu lý lẽ mà vẫn làm bừa thì sẽ thành mê tín, cuồng tín.

 “Xin ấn nhà Trần giống mời quan thanh tra về nhà. Hư sẽ bị phạt” - Ảnh 7.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!


Nhà báo Hoàng Anh Sướng

Cùng chuyên mục
XEM