Xếp hạng thịnh vượng mới nhất: Việt Nam tăng 8 bậc, Thái Lan và Malaysia giảm đến 10 bậc
Thái Lan ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm trong xếp hạng này.
Mới đây, Allianz đã công bố ấn bản thứ 15 của Báo cáo Tài sản Toàn cầu, trong đó xem xét kỹ lưỡng tình hình tài sản và nợ của các hộ gia đình tại gần 60 quốc gia.
Tập đoàn Allianz là một trong những công ty bảo hiểm và quản lý tài sản hàng đầu thế giới với khoảng 125 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại gần 70 quốc gia.
Allianz là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, quản lý khoảng 741 tỷ euro, thay mặt cho khách hàng bảo hiểm của mình. Hơn nữa, các công ty quản lý tài sản PIMCO và Allianz Global Investors quản lý khoảng 1,8 nghìn tỷ euro tài sản của bên thứ ba.
Theo Allianz, năm 2023 được đánh dấu bằng sự thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ. Nhưng các nền kinh tế đã chứng minh được khả năng phục hồi và thị trường thậm chí còn bùng nổ.
Trong bối cảnh này, tài sản tài chính toàn cầu của các hộ gia đình tư nhân đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 7,6%.
Nhìn chung, tổng tài sản tài chính lên tới 239.000 tỷ euro vào cuối năm 2023. Tăng trưởng ở ba loại tài sản chính khá không đồng đều. Chứng khoán (11,0%) và bảo hiểm/lương hưu (6,2%) được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và lãi suất cao hơn và tăng nhanh hơn đáng kể so với mức trung bình của mười năm qua.
Ngược lại, tăng trưởng tiền gửi ngân hàng đã giảm xuống còn 4,6% sau những năm bùng nổ liên quan đến đại dịch, ghi nhận một trong những mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.
Sự phục hồi vào năm 2023 diễn ra trên diện rộng. Chỉ có hai quốc gia - New Zealand và Thái Lan - ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm. Hơn nữa, tăng trưởng tương đối đồng đều trên tất cả các khu vực, đặc biệt là ở Châu Á và Bắc Mỹ, cả hai đều tăng trưởng hơn 8% - với Hoa Kỳ (8,6%) tăng trưởng thậm chí còn mạnh hơn Trung Quốc (8,2%).
Bảng xếp hạng năm nay dẫn đầu bởi Mỹ, với tài sản tài chính đầu người đạt 260.320 euro. Các quốc gia và vùng lãnh thổ sau đó là Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Thuỵ Điển, Canada, Hà Lan, Bỉ, Úc, Nhật Bản, Anh, Italy, Ireland, Pháp, Áo, Đức, Malta. Và Tây Ban Nha, với tài sản tài chính đầu người đạt 43.690 euro.
Ngoài top 20 có nhiều xáo trộn về thứ bậc, một số khu vực khác cũng có sự lên xuống này. Ở Đông Âu, ví dụ, nơi các quốc gia vùng Baltic Estonia (+6 lên vị trí thứ 26), Lithuania (+8 lên vị trí thứ 29) và Bulgaria (+7 lên vị trí thứ 35) là những “người chiến thắng” lớn. Trong khi đó, Slovakia (-5 xuống vị trí thứ 36) và Ba Lan (-3 xuống vị trí thứ 37).
Bức tranh tương tự ở Châu Á, bên cạnh Trung Quốc (+8 lên vị trí thứ 32) và Việt Nam (+8 lên vị trí thứ 49), còn có các quốc gia như Thái Lan (-9 lên vị trí thứ 44) và Malaysia (-10 lên vị trí thứ 38).
Theo Allianz, tài sản tài chính đầu người của Việt Nam đạt 1.650 euro ( hơn 45 triệu đồng).
Người dân Việt Nam đang gửi ngân hàng gần 6,8 triệu tỷ đồng
Trong khi đó, tham khảo nguồn số liệu trong nước, tính đến cuối tháng 7/2024, lượng tiền của người dân gửi vào hệ thống ngân hàng đạt 6.838.413,68 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố.
Số liệu của NHNN cho thấy tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu kỷ lục trong năm 2023.
Lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại kể từ tháng 4/2024 được xem là nguyên nhân khiến kênh tiền gửi ngân hàng trở nên hấp dẫn.
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố, đến ngày 27/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%); còn tăng trưởng tín dụng 8,53% (cùng kỳ tăng 6,24%).
Theo chuyên gia Chứng khoán VPBanks, huy động tăng thấp do người dân có xu hướng rút tiền đi mua vàng, bất động sản hay kênh đầu tư khác có hiệu suất sinh lời cao hơn khi nền lãi suất tiền gửi thấp. Đặc biệt các ngân hàng Big4 lãi suất thấp gây hiệu ứng rất lớn.
Trong khi nhìn sang thị trường bất động sản hay vàng, giá cả tăng mạnh, đem lại hiệu ứng "FOMO" hơn với nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt, cơn sốt chung cư khiến nhiều khách hàng vội vã "sốt ruột" vì lo tăng giá từng ngày. Đây là những yếu tố, theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, góp phần ảnh hưởng tâm lý thị trường chứng khoán thời gian qua.