Xem World Cup 2018, Việt Nam phải chi 40 triệu USD
Trong khi VTV còn đàm phán chưa xong giá bản quyền truyền hình VCK World Cup 2018 thì 9 doanh nghiệp của Thái Lan đã góp 42 triệu USD để mua bản quyền phát sóng toàn bộ 64 trận đấu
Vòng chung kết (VCK) World Cup 2018 chỉ còn khoảng 45 ngày sẽ chính thức khởi tranh tại Nga nhưng đến thời điểm này, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vẫn đang nỗ lực đàm phán với hy vọng mua được bản quyền truyền hình (BQTH) với mức giá hợp lý so với cách đây 4 năm, khi đài này phải chi khoảng 10 triệu USD cho 64 trận đấu của giải.
Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký Biên tập VTV, cho biết đến thời điểm hiện tại, đài vẫn chưa thể đưa ra thông tin chính thức gì về việc đàm phán. Trong khi đó, theo một số biên tập viên thuộc Ban Sản xuất các chương trình thể thao của VTV, quá trình đàm phán đang diễn ra khá căng thẳng với tiêu chí không để đối tác ép giá, nâng cao giá quá phi lý. Theo tìm hiểu, hiện đơn vị sở hữu quyền phát sóng VCK World Cup 2018 ở Việt Nam là Công ty Infront Sports & Media.
Infront Sports & Media vẫn đang trong quá trình đàm phán BQTH VCK World Cup 2018 với các đơn vị truyền hình Việt Nam. Mức giá mà giới truyền thông nắm được rơi vào khoảng xấp xỉ 40 triệu USD, tức cao gấp 4 lần so với VCK World Cup 2014. Theo quy định của FIFA, BQTH VCK World Cup 2018 sẽ được phát sóng quảng bá rộng rãi cho người dân ở các quốc gia có LĐBĐ là thành viên của FIFA. Do đó, khán giả Việt Nam sẽ không lo không được xem VCK cúp thế giới 2018 vì cho dù đơn vị nào mua BQTH cũng sẽ phải chia sẻ quyền phát sóng trên các kênh truyền hình quảng bá, phát miễn phí cho người dân trên cả nước được xem.
Để người hâm mộ có thể xem các màn trình diễn chất lượng cao ở VCK World Cup 2018, VTV phải thương lượng kỹ nhằm tránh bị ép giá Ảnh: REUTERS
Hiện tại, VTV và Infront Sports & Media vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến sự mong ngóng từ các nhà đài khác cũng như người hâm mộ bóng đá nước nhà. Trong khi đó, người yêu bóng đá ở Thái Lan chắc chắn sẽ được xem VCK World Cup 2018 miễn phí, sau khi 9 công ty lớn đã góp tiền, chi 1,4 tỉ baht (tương đương 42 triệu USD) để có được BQTH giải đấu này. Theo báo chí Thái Lan, 9 công ty này gồm Tập đoàn King Power, C.P, Công ty Nước giải khát Thái, Ngân hàng Kasikorn, Công ty Vận chuyển Công cộng (BTS), Công ty Phát triển năng lượng Gulf, Công ty Hóa dầu PTT, Tập đoàn Benchak, thương hiệu nước tăng lực Carabao.
Chín doanh nghiệp trên sau khi có BQTH đã giao TruesVisions và AmarinTV quản lý việc phát sóng cũng như chia sẻ sóng cho các nhà đài khác tại Thái Lan. Với số tiền tỉ baht bỏ ra, Thái Lan sẽ mua được sóng sạch để khai thác quảng cáo. Các công ty sẽ được chia quyền và lợi nhuận dựa trên số tiền góp vào.
Ủy ban Phát thanh và Truyền hình quốc gia Thái Lan (NBTC) quy định các sự kiện thể thao lớn như Olympic hay World Cup phải được phát sóng miễn phí trên truyền hình. Lãnh đạo các ban ngành liên quan, trong đó có Ủy ban Olympic, cũng như chính phủ Thái Lan phải vào cuộc để đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ.
Việc tìm kiếm các nhà tài trợ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để có BQTH chắc chắn không hề đơn giản. Song, với nỗ lực từ nhiều phía, người hâm mộ Việt Nam sẽ không lỡ hẹn với sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh.