Xem phim trên Netflix hay phim khiêu dâm cũng phát thải hàng triệu tấn CO2 mỗi năm?
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Pháp cho thấy, việc xem truyền hình trên Netflix hay xem phim khiêu dâm có thể tạo ra lượng khí thải CO2 tương ứng với toàn bộ lượng khí thải của Tây Ban Nha.
Theo nghiên cứu do một nhóm các nhà phân tích từ The Shift Project, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm chống lại biến đổi khí hậu tại Pháp, các hoạt động thường ngày của chúng ta như tìm kiếm thông tin trên mạng, xem phim trên Netflix hay xem phim khiêu dâm đều là những nguồn phát thải CO2 nguy hiểm không kém khí thải từ ngành công nghiệp.
Hiện nay tất cả các trung tâm dữ liệu của nhiều ông lớn công nghệ đều được sử dụng để chạy các trang web và cung cấp nội dung cho chúng ta, đơn cử YouTube hay PornHub. Tuy nhiên năng lượng để duy trì các trung tâm dữ liệu này không hề nhỏ.
Các nhà nghiên cứu ước tính, một mình mạng xã hội video YouTube đã thải ra khoảng 11 triệu tấn CO2 vào năm 2016. Thậm chí giờ đây, The Shift Project khẳng định tất cả các video trực tuyến trên thế giới đang phát thải ra 300 triệu tấn CO2 mỗi năm. Con số này tương đương 1% tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu mỗi năm.
Theo Gizmodo, The Shift Project đã tiến hành phân tích các báo cáo từ nhiều công ty mạng để xác định lưu lượng dữ liệu và tính toán mức tiêu thụ điện và khí thải nhà kính tạo ra từ quá trình sản xuất điện. Tổ chức này thậm chí còn tạo ra một extension trên Firefox có tên Carbonalyser giúp người dùng xác định được mức độ phát thải CO2 mà máy tính của họ đang tạo ra.
Đặc biệt các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix và Prime Video chiếm tới 34% lượng khí thải CO2. Đứng thứ hai là các trang dịch vụ phim khiêu dâm khi chiếm 27% tổng lượng khí thải CO2 từ nguồn phát video trực tuyến. Cho dù bạn có đang thưởng thức một bộ phim bất kỳ trên Netflix hay xem phim khiêu dâm, bạn cũng đang tác động đến hành tinh này.
Nhóm tác giả kêu gọi mọi công dân mạng cần ý thức hơn về hành động của mình và suy nghĩ kỹ trước khi đăng một video lên mạng hoặc xem ít hơn để giảm thiểu lượng khí thải CO2 phát ra môi trường,
Maxime Efoui-Hess, một thành viên thuộc The Shift Project cho biết: "Nếu chúng ta cứ để người dùng xem video theo cách của họ như bây giờ, sẽ có lúc chúng ta không thể kiềm chế được họ và tôi nghĩ rằng, nó sẽ thực sự nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng của thế giới số".
Cũng trong báo cáo nghiên cứu, nhóm dự án đã chia sẻ một số cách để thay đổi tình hình. Một trong số đó là thay đổi thiết kế trang web để giúp giảm tác động của CO2 tới hành tinh.
Ví dụ như các tính năng "tự động phát video" đang vô tình làm tăng lượng phát thải khí nhà kính. Việc loại bỏ các tính năng này trên các trang web sẽ giúp hạn chế phát thải CO2. Nếu YouTube có thể điều chỉnh giao diện, trang có thể giảm được tới 550 ngàn tấn khí thải mỗi năm.
Tuy nhiên quan trọng không kém, nhóm tác giả nghiên cứu muốn các quốc gia phải có một quy định về công nghệ số. Ví dụ như giới hạn số lượng dữ liệu người dùng có quyền truy cập để giúp quản lý bền vững hơn.
Hiện tại phần lớn nguồn điện năng toàn cầu được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch và nếu không sử dụng nguồn năng lượng này hợp lý, chúng ta sẽ làm hại cả tới toàn bộ hành tinh này.