Xe điện ngoại "nhòm ngó" thị trường Việt Nam
Nhiều hãng xe Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu xác nhận sẽ đưa xe điện về thị trường Việt Nam trong năm nay hoặc đầu năm 2025
Tại một số triển lãm ô tô mới đây ở Thái Lan, Trung Quốc, các hãng đua nhau giới thiệu nhiều mẫu ô tô thuần điện và hybrid (xe lai). Trong khi đó, các mẫu ô tô động cơ đốt trong gần như lép vế hoàn toàn.
Xe điện trước thời cơ lớn
Hai mẫu ô tô đang được chú ý là Y Plus và ES của hãng GAC Motor (Trung Quốc) với khả năng chạy được 550 km sau mỗi lần sạc đầy. Hãng này đã ký kết với Tập đoàn Tan Chong về việc phân phối các dòng ô tô đến một số thị trường. Ở Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Tan Chong là TC Services Việt Nam đang xúc tiến xây dựng showroom bán lẻ tại TP HCM.
Cũng đến từ Trung Quốc, một số hãng xe như Chery, BYD đã xây dựng kế hoạch đưa xe điện sang thị trường Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, Chery đã nghiên cứu thị trường, truyền thông, tổ chức lái thử xe tại Việt Nam. Trước mắt, tập đoàn này sẽ đưa sang Việt Nam 4 mẫu xe gồm Omoda 5, S5, S5GT và Jaecoo 7 của 2 công ty con là Omoda và Jaecoo. Còn hãng BYD đang tìm kiếm đối tác phân phối 2 mẫu Atto 3 (SUV) và Seal (sedan).
Năm ngoái, hãng xe Wuling mở bán tại Việt Nam mẫu xe Hongguang MiniEV. Năm nay, hãng xe Trung Quốc này dự kiến đưa về thêm 2 mẫu Baojun Yep và Wuling Bingo với tầm hoạt động 333 km.
Hàng loạt thương hiệu xe điện ngoại khác từ nhiều quốc gia cũng đã hoặc sắp có kế hoạch khai thác thị trường Việt Nam như Haval, Haima, MG, Mitsubishi, Honda... Đáng chú ý, Haval mở bán mẫu ô tô điện Haval H6 từ đầu năm nay và đang nhận đặt cọc mẫu Haval Jolion với giá khoảng 1,2 tỉ đồng/chiếc. Còn hãng xe MG đã giới thiệu siêu xe điện Cyberster 2 cửa tại TP HCM, tổ chức chạy thử nghiệm xuyên Việt để chuẩn bị bán ra trong những tháng tới.
Làm thay đổi bức tranh thị trường
Việt Nam hiện chỉ có hãng xe duy nhất sản xuất ô tô thuần điện là VinFast, thị trường cũng chưa có nhiều sự cạnh tranh. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, hãng xe Việt sẽ phải cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu ô tô điện đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...
Ông Nguyễn Hoàng Minh Tiến, Tổng Giám đốc Volkswagen Việt Nam, nhận định đây là thời điểm thích hợp để đưa xe điện về Việt Nam bởi thị trường đã bắt đầu sôi động khi có sự hiện diện của hàng loạt hãng xe.
Để đưa xe điện về Việt Nam, Volkswagen có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước như mở rộng không gian tại các đại lý, chuẩn bị trang thiết bị mới, đào tạo nhân viên kỹ thuật... Đầu năm 2024, các chuyên gia từ Đức đã sang Việt Nam để khảo sát, kiểm tra các hạng mục cơ sở hạ tầng và đánh giá khá cao. Bước tiếp theo, hãng này sẽ nhanh chóng đưa xe điện về thị trường Việt Nam.
Ông Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Toyota, dự đoán xe thuần điện sẽ chiếm khoảng 30% thị phần trong thời gian tới, phần còn lại chia đều cho các dòng xe chạy bằng nhiều loại năng lượng khác, bao gồm cả xe hybrid và xe chạy bằng hydro. Doanh nghiệp này cho rằng để phát triển xe điện theo xu thế thế giới, cần giảm giá thành và đầu tư cơ sở hạ tầng trạm sạc. Về phía Toyota, ngày 8-5 vừa qua, doanh nghiệp công bố đầu tư 2.000 tỉ yen (tương đương 12,9 tỉ USD) cho chuỗi cung ứng, phương tiện di chuyển và trí tuệ nhân tạo trong năm tài khóa 2024-2025, trong đó có đầu tư xe điện và công nghệ hydro.
Theo ông Kenichi Horinouchi, Tổng Giám đốc Công ty Mitsubishi Motors Vietnam, các hãng xe đã sẵn sàng đầu tư cho sản phẩm ô tô điện, song để phát triển được và có thể cạnh tranh với ô tô truyền thống thì phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới cơ sở hạ tầng cùng chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường... "Ở Nhật Bản, châu Âu, nhờ được hỗ trợ về thuế, ô tô điện có giá thành đến tay người tiêu dùng bằng hoặc thấp hơn xe chạy bằng động cơ truyền thống" - ông Kenichi Horinouchi nêu kinh nghiệm.
Theo giới chuyên gia, làn sóng ô tô điện được dự báo sắp tràn vào thị trường Việt Nam sẽ khiến hãng xe Việt VinFast phải đối mặt với sự cạnh tranh nhưng với dải sản phẩm và giá thành đa dạng, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, qua đó thúc đẩy hạ mặt bằng giá bán.