Xe đẩy bánh mì chả cá ngày bán 700 ổ, bà chủ kiếm 200 triệu/tháng vẫn không nghỉ việc văn phòng
Nhiều người hỏi vì sao không nghỉ làm văn phòng để chuyên tâm làm bà chủ tiệm bánh mì chả cá, chị Cúc cười đáp, thu nhập chính của hai vợ chồng chủ yếu vẫn tới từ việc làm công ăn lương.
3 người làm như máy vẫn không kịp bán
Nằm trên góc đường Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), xe đẩy bánh mì chả cá của vợ chồng anh Tuấn Anh (ở Hà Nội, SN 1991) và chị Cúc (quê Cao Bằng, SN 1995) là địa chỉ quen thuộc với nhiều thực khách, nhất là với dân văn phòng vào mỗi buổi sáng.
Chả cá kẹp trong bánh mì được ép thành sợi, không quá to cũng không nhỏ, được chiên vàng vừa tới. Thực khách có thể cảm nhận được lớp vỏ ngoài giòn, bên trong giữ được độ dai, dẻo của miếng chả trước khi nhồi vào bánh mì nóng.
Hàng xe đẩy bánh mì chả cá của chị Cúc ở cuối đường Vũ Trọng Phụng (Hà Nội)
Ở Hà Nội, bánh mì chả cá chưa phải là một món ăn phổ biến. Nhiều người vẫn nghĩ, nhân kẹp bánh mì lâu nay chỉ có trứng, thịt, xúc xích, pate,... chứ không nhiều người nghĩ đến chả cá. Nhưng với chị Cúc, chính nguyên liệu khác biệt lại tạo nên sự đột phá.
Cách đây khoảng 4 năm, vợ chồng chị Cúc có chuyến du lịch vào Vũng Tàu. Sau một lần ăn ổ bánh mì chả cá ven đường, chị Cúc nảy ra ý tưởng kinh doanh và quyết định đưa món bánh mỳ chả cá món ăn đậm chất hè phố đến với Thủ đô.
"Mình thấy bánh mì tiện lợi, có thể ăn sáng, trưa, chiều. Người Việt từ xưa tới nay sáng tạo ra đủ các loại nhân rồi. Thế sao lại không thể có chả cá?", cô chủ 9X tự hỏi.
20 ngày sau khi chuyến đi kết thúc, xe đẩy bánh mì chả cá đầu tiên của vợ chồng chị Cúc ra đời. Bà mẹ 9X lân la hỏi những người bán hàng ở Vũng Tàu, tìm hiểu nguyên liệu, cách nhập mối, tìm xưởng cung cấp.
"Vợ chồng mình tìm qua nhiều mối mới chốt được 1 mối đạt yêu cầu. Một số mối còn lại không ưng bởi chả cá không có độ dai, bị bở", chị Cúc nói.
Cá được chọn làm nguyên liệu là loại cá mú đỏ, được đánh bắt trực tiếp tại biển Vũng Tàu. Sau khi ướp lạnh, chuyển ra Hà Nội, cá vẫn đảm bảo được độ tươi. Song, nhiều mẻ cá do vận chuyển đường dài nên khi xay chưa đạt yêu cầu, ăn bị gợn, chị Cúc đều bỏ đi hết.
Cá khi xay chỉ cho một ít bột tạo độ dai, ngoài ra không có thêm thành phần gì khác. Nhờ thế, khi cho vào khuôn ép, sợi chả sẽ không bị đứt.
"Cũng có thể nhập một số loại cá nhập từ vùng khác như Nha Trang, Phan Thiết. Nhưng chả kẹp bánh mì ở đó thường xắt miếng to, ăn bị ngấy nên mình chọn chả cá sợi, đặc sản ở Vũng Tàu, dễ ăn, ngon miệng", bà chủ 9X giải thích.
Sáng bán bánh mì, chiều làm văn phòng
Được biết, ngoài công việc bán bánh mì chả cá, vợ chồng chị Cúc vẫn duy trì công việc làm sale tại văn phòng. Đều đặn mỗi sáng từ 6h - 9h, cả hai vợ chồng đứng quầy, trực tiếp bán hoặc quản lý nhân viên làm bánh cho khác. Công việc linh động giờ giấc nên hết buổi sáng, chị Cúc mới phải lên văn phòng. Có hôm chị đi sớm, quầy chả cá được giao lại cho nhân viên.
"Ban đầu, vợ chồng mình hơi khó vì tìm vị trí kinh doanh. Hơn nữa mới đưa ra ngoài bán ở Thủ đô, mọi người sẽ nghĩ bánh mì chả cá có vị tanh nên ít người dám thử. Thời gian đầu cũng chỉ bán 60-70 ổ/buổi sáng".
Chị Cúc trực tiếp đứng bán tại cơ sở Thái Thịnh
Cuối tuần, vợ chồng 9X dành một ngày nghỉ để xay khoảng 60-70kg chả cá, để tủ đông. Nếu ngày mai bán thì sẽ bỏ chả cá rã đông từ tối hôm trước.
Khác với các ổ bánh mì thông thường, bánh mì chả cá khá nhỏ, ăn vừa miệng. "Trước mình chọn bánh mì đặc ruột, khách góp ý nên ăn bánh nhỏ thôi, bánh to sẽ khá ngấy. Nguyên liệu quan trọng nhất là rau răm, nước sốt. Ở ngoài Bắc không hay ăn loại rau này, nhưng trong Vũng Tàu, người ta sẽ cho vào vì rau răm tạo ra hương vị cân bằng.
Mình cũng điều chỉnh nước sốt phù hợp khẩu vị ngoài Bắc, chua chua, ngọt ngọt chứ không ngọt quá giống trong đó", chị Cúc tiết lộ.
Chả cá chiên xong được giữ nóng, khi kẹp vào bánh sẽ rưới thêm nước sốt chua ngọt
Hiện xe đẩy bánh mì chả cá của vợ chồng 9X mở bán ở 4 cơ sở, trong đó có một cửa hàng bán cả ngày tại Tây Sơn (Q.Đống Đa). Tại cơ sở Thái Thịnh, chị Cúc vẫn thường đứng bán trực tiếp. Mở được 4 năm, xe đẩy chả cá vẫn giữ chân được lượng khách ổn định. Nhiều lúc giờ cao điểm, khách đông, đứng xếp 2 hàng mới mua được ổ chả cá mang đi.
Chị Cúc chia sẻ, doanh thu của riêng 2 cơ sở ở phố Vũ Trọng Phụng và Thái Thịnh bán được khoảng 700 ổ/ngày. "Trừ đi các chi phí, tổng lãi trên dưới 6-7 triệu. Doanh thu 1 tháng dao động 200 triệu".
Công việc kinh doanh giúp cuộc sống vợ chồng anh Tuấn Anh - chị Cúc có nhiều sự thay đổi. Cả hai bận rộn hơn, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm hơn. Song, cô chủ 9X chiêm nghiệm rằng vẫn muốn duy trì công việc văn phòng lâu dài.
"Mọi người cứ hỏi trêu, đi làm vì đam mê à? Sao không ở nhà làm bà chủ đi. Nhưng mình thấy mọi thứ khá bình thường, kinh doanh giúp mình có cuộc sống ổn định hơn, dư dả hơn thôi, còn thu nhập chính vẫn là từ công việc hàng ngày. Mình không muốn bỏ công việc chính vì ai cũng vậy, vẫn cần phải có một công việc ổn định. Còn kinh doanh có thể thuê nhân viên, rồi từng bước xây dựng thương hiệu cho mình là được", chị tâm sự.