Xây "hầm chứa tận thế" trên mặt trăng
Con người chúng ta có một "hầm chứa tận thế" được xây dựng trên đảo Spits-berger của Na Uy.
Hầm có tên Svalbard, dùng để lưu trữ các loại hạt giống trong túi nhôm đóng kín, giúp bảo vệ các giống cây cho nguồn cung thực phẩm thế giới khỏi bị hư hại sau các thảm họa như chiến tranh hoặc thiên tai.
Dù được xây dựng sâu trong lòng núi tuyết, bảo vệ nghiêm ngặt với 4 lớp cửa, hầm Svalbard vẫn gặp sự cố: Từng bị ngập do biến đổi khí hậu vào năm 2017.
Dẫu thế, "hầm chứa tận thế" vẫn là ý tưởng hay và Công ty Lonestar (bang Florida - Mỹ) quyết theo đuổi giải pháp này để bảo vệ tri thức của nhân loại, thay vì chỉ các loại hạt giống.
Ông Christopher Stott, Giám đốc điều hành của Lonestar, nói với trang The Register: "Thật không thể tưởng tượng nổi chúng ta đang lưu giữ những tài sản quý giá nhất, tri thức và dữ liệu của chúng ta, ngay trên trái đất, nơi chúng ta vẫn đang thả bom và đốt phá mọi thứ. Chúng ta cần đưa các tài sản của mình ra khỏi hành tinh này, tới nơi an toàn".
Hình ảnh minh họa về kho lưu trữ ở các ống dung nham trên mặt trăng. Ảnh: SHUTTER STOCK
Công ty Lonestar dự tính lưu trữ dữ liệu của con người trong các ống dung nham trên mặt trăng. Tính toán này xuất phát từ việc chênh lệch nhiệt độ mặt trăng rất lớn. Ban ngày có thể lên tới 106 độ C nhưng ban đêm giảm xuống -183 độ C. Bề mặt của mặt trăng cũng không có lớp bảo vệ trước các bức xạ mặt trời như khí quyển trái đất. Trong khi đó, các ống dung nham của mặt trăng có nhiệt độ ổn định hơn cũng như ngăn được bức xạ phá hủy máy chủ.
Trong tháng 4 qua, Lonestar đã ký 2 hợp đồng với Công ty Thiết kế tàu vũ trụ Mỹ Intuitive Machines để thử nghiệm đặt trung tâm lưu trữ dữ liệu trên mặt trăng. Trên thực tế, đã có một "hầm chứa tận thế" tương tự như vậy dành cho dữ liệu nguồn mở, cũng đặt tại Svalbard.
Theo trang IFL Science, Công ty Lonestar đặt được chỗ trên sứ mệnh IM-1 của Intuitive Machines. Công ty Intuitive Machines sắp đưa tàu đổ bộ lên mặt trăng nhằm thực hiện thử nghiệm phần mềm đối với một lượng nhỏ dữ liệu được lưu trữ trên tàu đổ bộ trong 2 tuần.
Sau đó, Lonestar có kế hoạch "tải dịch vụ dữ liệu đầy đủ đầu tiên lên IM-2 của Intuitive Machines đến cực mặt trăng", thực hiện các bài kiểm tra tải lên và tải xuống. Công ty Lonestar kỳ vọng các máy chủ tương lai có thể kết nối với trái đất.
Đây không phải lần đầu các nhà khoa học đề xuất ý tưởng lưu trữ tri thức quan trọng của trái đất lên mặt trăng. Không chỉ Lonestar, Cơ quan Vũ trụ Ý (ASI) cũng ủy quyền cho Công ty Hàng không vũ trụ Thales Alenia Space xây dựng các trung tâm dữ liệu trên mặt trăng - một phần của chương trình Mặt trăng Artemis của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Arizona (Mỹ) đề xuất một "hòm mặt trăng" đặc biệt, được giấu bên trong các ống dung nham của mặt trăng để bảo quản tinh trùng, trứng và hạt giống của hàng triệu loài trên trái đất.