Xây dựng trung tâm dữ liệu xanh tại Việt Nam

12/04/2024 17:30 PM | Công nghệ

Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, ciệc kết nối với các trung tâm dữ liệu đang ngày càng trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Mọi hoạt động trên môi trường số đều sinh ra dữ liệu. Ước tính với khoảng hơn 5 tỷ người sử dụng Internet thường xuyên cùng với gần 40 tỷ thiết bị được kết nối mạng hiện nay, một lượng dữ liệu khổng lồ được sinh ra mỗi ngày.

Để lưu trữ, phân tích và khai thác được nguồn tài nguyên dữ liệu này, chúng ta sẽ cần tới những “bộ não số", đó chính là các trung tâm dữ liệu (IDC). Việc kết nối với các IDC đang ngày càng trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam. Toàn bộ đội ngũ kĩ sư vận hành tại đây chỉ có khoảng 16 người, số lượng bằng một nửa so với các trung tâm dữ liệu có cùng quy mô do các hệ thống vận hành, giám sát của trung tâm đều được tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách tối đa.

Điển hình như với camera an ninh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện được những hành vi đáng ngờ để đưa ra các cảnh báo kịp thời. Hệ thống làm mát cũng được tự động theo thời gian thực để luôn đảm bảo nhiệt độ tiêu chuẩn tại các phòng máy.

Xây dựng trung tâm dữ liệu xanh tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Viettel IDC - cho biết: "Những hệ thống quản trị mạng được áp dụng AI để thu thập dữ liệu về những nguy cơ bị tấn công mạng. Ngoài ra, trung tâm cũng được áp dụng hệ thống thông minh để điều khiển băng thông kết nối, các hướng kết nối để đảm bảo chất lượng dịch vụ".

Xây dựng trung tâm dữ liệu xanh tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Trưởng Ban Dự án xây dựng Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc - cho rằng: "Trong quản lý vận hành mà ứng dụng được công nghệ thông minh thì sẽ giúp giảm thiểu về con người, tiết kiệm năng lượng, làm cho trung tâm dữ liệu sẽ trở nên xanh hơn".

Không chỉ ứng dụng AI trong quản lý vận hành, Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc còn được thiết kế để đáp ứng cho việc vận hành các hệ thống AI.

Xây dựng trung tâm dữ liệu xanh tại Việt Nam - Ảnh 3.

Tại một trong nhiều hệ thống máy chủ mật độ cao đặt ở trung tâm, các thiết bị có công suất xử lý tính toán vượt trội so với các hệ thống máy tính hiện có, cùng hiệu suất sử dụng năng lượng tối ưu. Điều này giúp trung tâm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các trung tâm dữ liệu xanh.

Xây dựng trung tâm dữ liệu xanh tại Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Hoàng Văn Ngọc - Giám đốc Viettel IDC - cho rằng: "Các công ty lớn, cả trong nước và quốc tế, sẽ muốn làm việc với các doanh nghiệp có các cam kết, hành động bảo vệ môi trường, đất nước mà họ đang làm việc. Đấy là một trong những ưu điểm của các công ty tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Cho nên chúng tôi quyết định đầu tư vào vấn đề này là đầu tư cho tương lai. Và sự tin tưởng, đồng hành của khách hàng chính là nguồn lợi lâu dài cho doanh nghiệp".

Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam được dự báo có thể đạt hơn 1,2 tỷ USD vào năm 2030. Xu hướng chung hiện nay đó là xây dựng những trung tâm dữ liệu đủ lớn, xanh, bền vững đạt chuẩn quốc tế, từ đó thúc đẩy hạ tầng số trong nước, cung cấp nhiều dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp.


Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM