Xây dựng mối quan hệ với bất cứ ai trong 15 ngày - Ngày thứ ba: Dùng nhiều thiết bị điện tử sẽ khiến mối quan hệ giảm niềm tin và khó cảm thấy gần gũi

14/11/2018 10:33 AM | WeLearn

Trong các mối quan hệ lãng mạn, các nghiên cứu đã thấy rằng sử dụng điện thoại trong khi đang ở cạnh nhau có thể làm giảm đi niềm tin và khó cảm thấy gần gũi.

Hiện nay, 85% công việc được lấp đầy thông qua các mối quan hệ và những nhân viên có bạn tại nơi làm việc sẽ gắn bó với công ty hơn. Mối quan hệ chắc chắn trong công việc là chìa khóa giúp bạn tiến bước và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Tuy vậy, việc tạo mối quan hệ dường như là quy tắc bất thành văn thay đổi nhanh khiến bạn luôn phải trau dồi thêm kiến thức. Dù cho bạn là sinh viên mới tốt nghiệp hay chuyên gia dày dặn kinh nghiệm nhiều thập kỷ, chúng tôi đều muốn giúp bạn tăng cường chất lượng mối quan hệ của mình.

Dưới đây là series bài thử thách nghề nghiệp "Xây dựng mối quan hệ chắc chắn hơn trong 15 ngày."

Bài trước: Xây dựng mối quan hệ với bất cứ ai trong 15 ngày - Ngày thứ nhất, phải nhớ: Hãy phục vụ chứ đừng bán!

Xây dựng mối quan hệ với bất cứ ai trong 15 ngày - Ngày thứ hai: Tạo ra mạng lưới kết nối thông minh, chu đáo và liên tục

Ngày thứ #3: Cải thiện trí tuệ cảm xúc (EQ) của bạn để phát triển mối quan hệ tốt hơn

Vào năm 1990, giáo sư Peter Salovey và John Mayer công bố công trình nghiên cứu của họ về trí tuệ cảm xúc (EQ). Khái niệm này sau đó được phổ biến bởi Daniel Goleman tác giả cuốn sách Trí tuệ cảm xúc: Tại sao nó lại quan trọng hơn IQ bán chạy nhất năm 1996.

Kể từ đó, EQ trở thành một chủ đề chính trong nhóm các nhà lãnh đạo, các công ty đào tạo và hội thảo nguồn nhân lực. Có rất nhiều bằng chứng chứng minh rằng EQ có tác động rất lớn đến hiệu suất công việc. Nhân viên nào có EQ lớn hơn thì hiệu suất trong công việc cao hơn, có mối quan hệ, trải nghiệm tâm lý tốt hơn và thể chất khỏe mạnh hơn.

Mô hình trí tuệ cảm xúc của Salovey và Mayer có 4 phần:

1. Nhận biết chính xác cảm xúc của chính mình và người khác.

2. Sử dụng cảm xúc để đơn giản hóa tư duy.

3. Hiểu cảm xúc, ngôn ngữ cảm xúc và các tín hiệu được truyền đạt bằng cảm xúc.

4. Kiểm soát cảm xúc để đạt được những mục tiêu cụ thể.

Những năm qua, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng EQ có thể học được và chương trình đào tạo EQ đã trở thành một ngành công nghiệp tỉ đô.Nhưng bạn không nhất thiết phải tham gia vào một chương trình đào tạo chính quy để phát triển EQ. Dưới đây là 7 cách để giúp bạn cải thiện EQ ngay hôm nay:

1. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử

Dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử có thể làm giảm các mối quan hệ của bạn. Ví dụ trong các mối quan hệ lãng mạn, các nghiên cứu đã thấy rằng sử dụng điện thoại trong khi đang ở cạnh nhau có thể làm giảm đi niềm tin và khó cảm thấy gần gũi.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng ngồi nhìn màn hình các thiết bị điện tử quá nhiều cũng ảnh hưởng đến khả năng đọc cảm xúc của một cá nhân, một thành phần quan trọng đối với EQ.

Một nghiên cứu năm 2014 đã phát hiện ra rằng những người dành 5 ngày để cắm trại ngoài trời không truy cập vào các thiết bị kĩ thuật số đã cải thiện đáng kể khả năng đọc cảm xúc của người khác. Chỉ 5 ngày không có thiết bị điện tử, không cần phải tham gia bất cứ khóa đào tạo nào, cũng có thể giúp họ cải thiện sự hiểu biết về các tín hiệu tình cảm phi ngôn ngữ.

Vì vậy, bạn nên đặt ra giới hạn về thời gian sử dụng công nghệ. Hãy bỏ chiếc điện thoại của bạn ra chỗ khác khi đang nói chuyện trực tiếp với mọi người. Thiết lập thời gian cấm sử dụng điện thoại trong ngày, ví dụ giờ ăn trưa, trước khi đi ngủ và một giờ đầu tiên sau khi bạn thức dậy.

Xem xét lại việc thực hiện cai thiết bị điện tử. Đi đâu đó một vài ngày mà không có thiết bị điện tử, bạn sẽ thấy được điều kì diệu trong khả năng đọc cảm xúc của người khác.

2. Xác định cảm xúc của bạn

Mặc dù cảm xúc của chúng ta ảnh hưởng đến mọi quyết định mà chúng ta đưa ra, nhưng chúng ta thường hiếm khi nói về cảm xúc. Trên thực tế, nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi nói "Tôi thấy nghẹn trong cổ họng." hoặc "Tôi cảm thấy bồn chồn" hơn là nói thật ra là họ cảm thấy buồn hay lo lắng.

Thực hành xác định cảm xúc của bạn bằng những từ ngữ chỉ cảm giác thực thụ, như thất vọng, tuyệt vọng và lo lắng. Bạn không nhất thiết phải thông báo cho mọi người biết là bạn cảm thấy như thế nào, quan trọng là bạn phải tự xem xét bản thân vài lần trong ngày để bạn thấy được rằng bạn đang cảm thấy như thế nào.

Xây dựng mối quan hệ với bất cứ ai trong 15 ngày - Ngày thứ ba: Dùng nhiều thiết bị điện tử sẽ khiến mối quan hệ giảm niềm tin và khó cảm thấy gần gũi - Ảnh 1.

3. Kiểm soát cảm xúc của bạn

Một khi bạn đã biết cảm xúc của mình, hãy suy nghĩ xem những cảm xúc đó ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của bạn như thế nào. Nếu bạn thấy buồn, bạn sẽ đánh giá thấp cơ hội thành công của chính mình và sẽ sớm nhượng bộ trong một cuộc đàm phán vì bạn sợ bạn không thể xử lý sự từ chối.

Tương tự, nếu bạn cảm thấy hào hứng về một cơ hội nào đó, có thể bạn đang đánh giá quá cao về cơ hội thành công của mình. Bạn có thể gặp rủi ro mà không xem xét kĩ những hạn chế hoặc hậu quả tiềm ẩn.

Nhận ra cảm xúc đang ảnh hưởng đến mình như thế nào có thể giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Khi bạn nhận ra cảm xúc ảnh hưởng như thế nào đến những cuộc đàm phán, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để đưa ra những quyết định dựa vào sự cân bằng giữa logic và cảm xúc.

4. Xác định xem cảm xúc của bạn là bạn hay là thù

Cảm xúc không mang tính tích cực hay tiêu cực. Mỗi cảm xúc đều hữu ích hay vô ích vào những thời điểm khác nhau.

Một khi bạn biết bạn đang cảm thấy như thế nào, hãy xem xem liệu cảm xúc đó là bạn hay là thù trong khoảnh khắc đó. Tức giận có thể là bạn nếu trong trường hợp bạn đứng lên đòi sự công bằng. Tuy nhiên nó cũng có thể là thù trong trường hợp bạn đang thảo luận với sếp.

Buồn có thể hữu ích vì nó nhắc bạn trân trọng những thứ đã không thuộc về bạn. Nhưng nó cũng có thể là thù khi can thiệp vào động cơ để đạt được điều gì đó.

Khi bạn nhận ra rằng nỗi buồn là kẻ thù, hãy điều chỉnh nó. Thiền trong một vài phút có thể giúp bạn bình tĩnh lại, đi bộ lanh quanh có thể giúp bạn vui lên. Thử nghiệm một vài chiến lược đối phó cảm xúc giúp bạn quản lý cảm xúc của mình một cách lành mạnh.

5. Chịu trách nhiệm về cảm xúc của bạn

Việc đổ lỗi cho sếp vì làm tâm trạng mình xấu đi hay nói rằng đồng nghiệp khiến cho bạn cảm thấy bạn thật tệ đang ngụ ý rằng bạn đang bị người khác kiểm soát cảm xúc. Hãy tập chấp nhận chịu trách nhiệm cho cảm xúc và khả năng để đáp ứng những cảm xúc đó cho phù hợp.

Khi bạn nghĩ rằng ai đó làm tụt cảm xúc của bạn, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn có quyền chọn cảm xúc của mình để phản ứng với người khác và phản ứng với hoàn cảnh. Vì vậy, thay vì nghĩ "Anh ấy làm tôi tức điên lên", hãy điều chỉnh suy nghĩ đó thành "Tôi không thích những gì anh ấy đang làm và tôi cảm thấy tức giận."

6. Quan tâm đến suy nghĩ của người khác

Một phần quan trọng trong việc cải thiện EQ bao gồm việc nâng cao hiểu biết của bạn về cảm xúc của người khác. Thay vì nhảy bổ vào tranh luận hay gián đoạn ai đó mà bạn không đồng ý, hãy tập trung vào việc phát triển sự hiểu biết về cách người ta nghĩ gì.

Bắt đầu chú ý đến cảm xúc của người khác. Xem xem liệu bạn có thể nhận ra người đó đang cảm thấy thế nào và cảm xúc ảnh hưởng đến quan điểm và hành vi cá nhân người đó như thế hay không.

7. Ghi lại sự tiến bộ của bạn

Vào cuối mỗi ngày, hãy suy nghĩ về sự tiến bộ của bạn. Hãy chú ý đến những gì mà bạn đã làm rất tốt, ví dụ như đối xử tốt với một đồng nghiệp đang thất vọng.

Sau đó, hãy chú ý đến những điều cần cải thiện. Có lẽ bạn đã tranh nói chuyện với sếp vì cảm thấy lo lắng, hoặc có thể bạn đã từ chối một số phản ánh khó nghe. Biến những sai lầm đó thành cơ hội để làm tốt hơn trong tương lai.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM