Xăng E5, túi nylon thân thiện môi trường… kêu cứu
Nhiều ý kiến đề nghị tạo sự cách biệt về giá giữa xăng sinh học E5 và xăng A95 nhằm khuyến khích người dân sử dụng.
Tại hội nghị góp ý sửa đổi , bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường (TBVMT) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 28-8, nhiều ý kiến báo động tiêu thụ xăng sinh học E5 , túi nylon thân thiện môi trường… giảm mạnh. Nếu không có giải pháp kịp thời, những sản phẩm này có thể “chết”.
Xăng A95, túi nylon lấn lướt
Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết xăng A92 đã bị khai tử, thay thế bằng xăng sinh học E5. Tuy nhiên, xăng E5 vẫn chưa được người dân sử dụng nhiều, thậm chí có xu hướng giảm dần.
Bằng chứng là tỉ trọng tiêu thụ xăng E5 tại khu vực phía Nam trong năm 2018 là 30% nhưng sáu tháng đầu năm 2019 giảm xuống chỉ còn dưới 20%. Hiểu nôm na là lượng tiêu thụ xăng sinh học E5 hiện chỉ đạt khoảng 20%, 80% còn lại là xăng A95. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
“Nguyên nhân dẫn tới việc người dân ít sử dụng xăng sinh học E5 là do chênh lệch giá bán giữa xăng A95 và E5 không nhiều, hiện chỉ khoảng 1.600 đồng/lít. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng chưa mặn mà với xăng sinh học E5” - đại diện Saigon Petro nhận xét.
Đồng tình với ý kiến trên, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho rằng lý do không có sự chênh lệch cao về giá bán giữa hai loại xăng này là do TBVMT đối với xăng A95 hiện nay đang ở mức kịch trần 4.000 đồng/lít, trong khi đó xăng E5 là 3.800 đồng/lít.
Bao bì tự phân hủy thân thiện môi trường cũng chung số phận vì chi phí cao, giá cao so với các sản phẩm túi, bao bì nylon thông thường. Đại diện Công ty CP Bao bì Sài Gòn cho hay chi phí sản xuất túi nylon tự hủy luôn cao hơn nhiều so với túi nylon thông thường. Thế nhưng TBVMT với túi nylon tự hủy cũng như túi nylon bình thường.
Công ty này dẫn chứng túi đựng rác thân thiện môi trường được thiết kế ba lớp để đảm bảo độ dẻo dai, tự phân hủy nhanh. Thế nhưng cách tính TBVMT lại không phân biệt rõ ràng tỉ lệ màng nhựa chiếm bao nhiêu % để tính thuế cho hợp lý.
“Việc áp mức thuế chung như hiện nay khiến giá thành sản phẩm túi rác thân thiện môi trường của chúng tôi cao lên tới 80.000 đồng/lốc, trong khi giá sản phẩm túi rác thông thường chỉ 30.000-40.000 đồng/lốc. Sản phẩm doanh nghiệp rất khó cạnh tranh, chỉ trông vào các đơn hàng khách quen đặt. Kiểu này chắc doanh nghiệp ngưng sản xuất sản phẩm túi rác thân thiện môi trường” - đại diện công ty trên than thở.
Đại diện Công ty Bao bì Sài Gòn cũng cho rằng hiện đang có rất nhiều cơ sở sản xuất túi nylon mà không đăng ký kinh doanh. Hay nói đúng hơn là trốn thuế nên giá bán sản phẩm cho tiểu thương, người buôn bán lẻ rất thấp. Do đó, các sản phẩm thân thiện môi trường cạnh tranh rất khó. Hiện các sản phẩm túi tự hủy chỉ mới vào được một số hệ thống siêu thị, còn chợ truyền thống thì không thể cạnh tranh.
Xăng E5 vẫn chưa được người dân sử dụng nhiều, thậm chí có xu hướng giảm dần. Ảnh: TÚ UYÊN
Cần chính sách cụ thể cho doanh nghiệp xanh
Để tạo chênh lệch giá giữa xăng E5 với xăng A95 đủ lớn, đại diện Saigon Petro kiến nghị cần xem xét giảm TBVMT cho xăng E5; không tính TBVMT xăng E5 theo tỉ lệ ethanol như hiện nay.
“Cần giảm TBVMT đối với xăng E5, từ đó tạo sự chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít mới có thể tăng sức tiêu thụ của người tiêu dùng. Về lâu dài, Việt Nam sẽ có thêm nhiều loại xăng sinh học BVMT ở mức cao hơn (như E10, thậm chí E20) nên cần có một mức TBVMT ổn định cho các loại xăng này. Khi các loại xăng sinh học rẻ hơn nhiều so với xăng khoáng thì mới thuyết phục được người dân chọn sử dụng” - đại diện Saigon Petro góp ý.
Ở góc nhìn khác, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng để việc BVMT có hiệu quả, Luật TBVMT cần phải định hướng, thúc đẩy sản xuất xanh, tạo ra nhiều sản phẩm BVMT, đồng thời cần sự thay đổi đồng bộ với các luật khác về thuế thu nhập doanh nghiệp, đầu tư…
“Nên xem xét đưa một số sản phẩm gây ô nhiễm môi trường như hóa chất, dung môi… vào danh sách chịu TBVMT. Bên cạnh đó, cần quy định về phí BVMT đối với các đơn vị xử lý nước thải, rác thải rắn, các công ty khai thác khoáng sản…” - đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Đại diện một số công ty bao bì thì kiến nghị Nhà nước có chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, vay vốn… sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thuế, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường để khuyến khích sản xuất, giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm, giúp cạnh tranh được với túi nylon giá rẻ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện nay hàng hóa nhập khẩu để gia công xuất khẩu (bao gồm cả túi nylon) thuộc đối tượng không chịu TBVMT. Do đó để đảm bảo tính công bằng thì cần áp TBVMT đối với đối tượng hàng hóa này.