WWDC23: Apple đã cho bạn thấy lý do không thể rời khỏi hệ sinh thái của họ
Những thay đổi mới trong cả phần cứng lẫn phần mềm được giới thiệu tại sự kiện lần này càng tạo thêm lý do để người dùng gắn bó với hệ sinh thái này.
Mac đã có thể chơi game
Khi bạn nhờ một người nào đó tư vấn một chiếc máy tính để chơi game, chắn chắn họ sẽ nói bạn mua 1 chiếc máy Windows ngay và luôn mà không cần phải suy nghĩ.
Lối suy nghĩ "máy Mac không bao giờ dành cho game" đã vô tình được in hằn lên mỗi người như một cuốn sách giáo khoa được học từ nhỏ, nhưng kể từ khi Apple áp dụng vi xử lý cây nhà lá vườn Apple Silicon M series, từng trang giấy trong cuốn sách ấy đang dần bị xé ra và sự kiện WWDC năm nay là một chỉ dấu rất lớn cho thấy Apple đang muốn đốt hoàn toàn cuốn sách giáo khoa này.
Nếu Silicon M1 hay M2 là phần cứng nhen nhóm cho những hy vọng một chiếc máy chạy MacOS chơi được game trong tương lai thì trong đợt giới thiệu tại WWDC lần này, Apple đã tung thêm phần mềm mang tên Game Mode nhằm biến ước mơ ấy thành sự thật.
Tại sự kiện này, Apple cho biết các nhà phát triển phần mềm có thể tiếp tục tận dụng nền tảng Metal 3 để mang các tựa game mới đến máy Mac, bên cạnh đó là Game Mode mang lại trải nghiệm tối ưu khi chơi game, cho tốc độ khung hình mượt mà hơn và ổn định hơn bằng cách tận dụng sức mạnh của cả CPU lẫn GPU.
Sau sự kiện, tôi cũng đã được trải nghiệm tận tay trò chơi Stray nổi tiếng ngay trên chiếc MacBook Air 15 inch và rất ấn tượng với khả năng xử lý mượt mà đến từ nhà Táo:
Tương lai gần thế hệ laptop hay máy tính chạy MacOS sẽ "gánh" được loạt game bom tấn và chắc chắn câu chuyện "mua máy Mac để học tập và làm việc" lại phải thêm một vế mới. Việc đưa Game Mode vào hệ thống như một đòn giáng vào những đối thủ khác và chẳng khác nào tuyên bố rằng khách hàng chúng tôi không cần phải mua thêm máy Windows để chơi game mà giờ đây mọi thứ đã "gom về một nhà", một chiếc máy có thể làm được từ công việc cho đến giải trí. Còn với khách hàng, Apple vừa ngầm gửi một thông điệp mới: Hãy tiếp tục ở lại hệ sinh thái của chúng tôi, toàn vẹn và đa dụng hơn.
Vision Pro - sản phẩm để Táo lần nữa khẳng định việc dùng cùng hệ sinh thái sẽ "sướng" thế nào
Vision Pro là chiếc kính được bàn tán nhiều nhất của Apple trong năm nay. Nó đã được nhắc đến rất nhiều từ trước khi sự kiện diễn ra, và khi ra mắt, nó càng nhận được nhiều bình luận hơn nữa. Một số tỏ ra hào hứng, số khác lại than trời vì giá quá cao, nhưng suy cho cùng chiếc kính trượt tuyết này đã chiếm spotlight cả tuần nay trên rất nhiều phương tiện truyền thông toàn cầu.
Kính thực tế hỗn hợp của nhà Táo Khuyết mang một trọng trách rất lớn bởi đây là sản phẩm mới hoàn toàn sau rất nhiều năm. Nếu như iPhone 16 năm trước tạo một cú nổ lớn trong làng điện thoại thì giờ đây Vision Pro được kỳ vọng như một The Next Big Thing, thay đổi hoàn toàn cuộc chơi tương tác của người dùng trong tương lai.
Có rất nhiều hãng đã từng làm kính AR lẫn VR nhưng Vision Pro của Apple lại có nhiều điểm khác biệt hơn, với nhiều công nghệ mới giúp trải nghiệm người dùng được tốt nhất có thể, từ việc theo dõi di chuyển của đôi mắt cho đến ra lệnh bằng chính đôi tay của bạn mà không cần đến controller.
Hay như trước đây các thiết bị AR hay VR chỉ đơn thuần dành cho giải trí thì Vision Pro của Apple lại mở ra một phương thức làm việc mang tính tương lai hơn, khi đó chính chiếc kính này sẽ trở thành màn hình ngoài của MacBook và thậm chí là có hẳn bàn phím ảo để thao tác. Và ai sẽ cần một chiếc TV nữa khi Vision Pro với hai màn hình bên trong với độ phân giải 4K/màn giúp người đeo có thể trải nghiệm phim ảnh với chất lượng như rạp chiếu?
Vô vàn thay đổi từ phần mềm
Sự thành công của Apple không chỉ nằm ở phần cứng mà cốt lõi của họ còn nằm ở phần mềm. Ở sự kiện WWDC năm nay, chúng ta đón nhận hàng loạt bản cập nhật từ iOS 17, iPadOS 17, WatchOS 10 và MacOS Sonoma.
Với bản thân tôi, sự nâng cấp và bổ sung các tính năng lần này rất đáng ghi nhận và ngày càng thể hiện được vai trò của Apple hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta ra sao: từ tính năng dành cho sức khỏe tinh thần và sức khỏe thị giác trên ứng dụng Health, hay bản đồ các tuyến đường đi bộ tại các công viên, khả năng Autocorrect "thông minh" hơn, chạm iPhone để chuyển file, dán sticker lên tin nhắn, viết nhật ký, hay chỉnh sửa tệp PDF cùng nhau ngay trên iPad cực tiện lợi và còn nhiều thứ khác nữa.
Để có tất cả những thứ này, Apple đã tốn rất nhiều năm để xây dựng một hệ sinh thái đủ chặt chẽ, và có lẽ trong chúng ta không ít lần từng thấy khó chịu rằng tại sao Apple lại quá bảo thủ và không "dễ dãi" như Android hay Windows. Câu trả lời rằng nếu họ làm điều ngược lại, chắc có lẽ hệ sinh thái này khó mà hình thành và câu chuyện đưa tính kết nối xuyên suốt lên trên Vision Pro sẽ không bao giờ được thành hiện thực.
Còn ở góc nhìn của người dùng, sau lần WWDC23 này, liệu rằng bạn có tiếp tục chấp nhận hệ sinh thái khép kín này không? Riêng tôi thì câu trả lời là có, vì nó càng ngày càng phục vụ cho nhu cầu công việc và giải trí quá tốt mà không cần phải bước ra khỏi vòng tròn này. Suy cho cùng, chẳng phải điều chúng ta muốn khi sử dụng các thiết bị công nghệ là chúng luôn làm cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, không phải cầu kì nhiều công đoạn, hiệu quả hơn và tốn ít thời gian hơn hay sao?