WSJ: Apple 'đang chú ý' tới Việt Nam, tìm địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc
Một số nhà sản xuất của Apple bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á như một cách để đa dạng hóa hoạt động sản xuất.
Theo tờ Wall Street Journal, Apple đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Động lực chủ yếu đến từ chính sách phòng chống COVID-19 của Trung Quốc đại lục - thứ khiến nhiều đối tác sản xuất iPad, iPhone, MacBook của Apple tại Thượng Hải buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy.
Trước tình hình đó, Apple hồi tháng 4 đã lên tiếng cảnh báo về một số thách thức trong quý hiện tại, bao gồm một số hạn chế về nguồn cung trong bối cảnh Trung Quốc - quốc gia tập trung nhiều trung tâm sản xuất lớn đang áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay. Điều này được cho là có thể khiến doanh thu Apple chịu ảnh hưởng từ 4 tỷ USD đến 8 tỷ USD.
Theo giới phân tích, hơn 90% các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad và MacBook đều đang được sản xuất ở Trung Quốc thông qua các bên thứ 3. Sự phụ thuộc quá lớn này khiến Apple có thể gặp nhiều rủi ro trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định.
NỖ LỰC TÌM KIẾM NGUỒN CUNG BÊN NGOÀI TRUNG QUỐC
Chính vì vậy, trong bối cảnh tìm kiếm địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc, Apple bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Ấn Độ và Việt Nam. Đây là 2 quốc gia vốn chiếm một phần nhỏ trong năng lực sản xuất toàn cầu của Apple.
Khi được hỏi xác nhận thông tin trên, đại diện Apple từ chối bình luận. Được biết hồi tháng 4, chia sẻ về chuỗi cung ứng của Apple, CEO Tim Cook cho biết: “Chuỗi cung ứng của chúng tôi mang tính chất toàn cầu, vì vậy, các sản phẩm đều được sản xuất ở tất cả mọi nơi”. Vị CEO này cũng cho biết Apple vẫn đang “tiếp tục tìm cách tối ưu điều đó”.
Apple nỗ lực tìm kiếm nguồn cung bên ngoài Trung Quốc
Theo Wall Street Journal, Apple đã bắt đầu tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc từ trước khi COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Dù đại dịch khiến kế hoạch này trở nên khó khăn hơn, song đến nay, Apple vẫn đang tiếp tục thúc đẩy mục tiêu và khuyến khích các đối tác cải thiện năng lực sản xuất.
“Thách thức là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi tin tưởng vào đội ngũ, các sản phẩm, dịch vụ và chiến lược của mình’’, Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết.
Bằng chứng là doanh thu từ dòng sản phẩm điện thoại thông minh đạt 50,57 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt qua cả dự báo 19,72 tỷ USD mà công ty dữ liệu Refinitiv đưa ra trước đó.
Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ và các sản phẩm khác của Apple trong quý đầu năm cũng tăng lần lượt tăng hơn 17% và 12%. Hai con số này đều không có chênh lệch quá nhiều so với kỳ vọng của các chuyên gia.
Theo Tim Cook, một trong số các động lực thúc đẩy doanh số iPhone đến từ sự thay đổi trong tư duy người tiêu dùng. Họ đã có điện thoại Android nhưng quyết định chuyển sang dùng iPhone.
"Chúng tôi đã đạt kỷ lục số lượng người nâng cấp điện thoại trong quý. Lượng người dùng chuyển sang dùng iPhone cũng tăng mạnh’’, Tim Cook nói.
Apple có rất nhiều lý do để gắn bó với Trung Quốc trong vai trò trung tâm sản xuất
Theo ông Ming-chi Kuo, chuyên gia phân tích chuỗi cung ứng tại TF International Securities, hiện có rất nhiều công ty cũng đang loay hoay ổn định nguồn cung eo hẹp. Đây là một trong những động lực khiến chuỗi cung ứng buộc phải dịch chuyển.
Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia, Apple có rất nhiều lý do để gắn bó với Trung Quốc trong vai trò trung tâm sản xuất. Nguyên nhân là bởi lực lượng lao động tại đại lục có tay nghề cao và được thuê với chi phí nhân công giá rẻ. Ngoài ra, mạng lưới các nhà cung ứng linh kiện cũng khá đa dạng - điều mà Apple khó tìm thấy ở một quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc trong nhiều năm tới.
Thực tế, ngoại trừ Ấn Độ, số lao động tay nghề cao tại Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn dân số của nhiều quốc gia Châu Á. Chính quyền địa phương trước đó cũng bắt tay hợp tác với Apple và đảm bảo các đối tác sản xuất của hãng có đủ đất, nhân công và nguyên liệu thô phục vụ quá trình sản xuất.
Một lợi thế khác là Apple có thể bán nhiều thiết bị sản xuất tại Trung Quốc cho người dùng nước này. Hiện Trung Quốc đang chiếm tới 20% doanh số bán hàng toàn cầu của Apple. Bốn chiếc điện thoại bán chạy nhất hồi tháng 1 của hãng cũng được ghi nhận tại các thành phố lớn ở Trung Quốc.
Trung Quốc đang chiếm tới 20% doanh số bán hàng toàn cầu của Apple
“Với quy mô thị trường nội địa và hệ sinh thái sản xuất lớn mạnh, Trung Quốc vẫn sẽ dẫn đầu cuộc đua và hỗ trợ các công ty như Apple cải thiện giá trị gia tăng”, một chuyên gia về chuỗi cung ứng nhận định.
NHỮNG SỰ LỰA CHỌN THAY THẾ
Một số nguồn tin thân cận cho biết Apple đang coi Ấn Độ là sự lựa chọn có thể hay thế Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi Ấn Độ đông dân, chi phí lao động lại rẻ.
Hiện tại, Foxconn Technology Group và Wistron Corp đều có nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất iPhone phục vụ thị trường nội địa. Hồi tháng 4, Apple cũng tuyên bố đang bắt đầu sản xuất thế hệ iPhone 13 mới tại Ấn Độ.
Năm ngoái, Ấn Độ sản xuất 3,1% lượng iPhone trên thị trường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 6% đến 7% trong năm nay.
Tuy nhiên, do lo sợ căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ, một số nhà sản xuất bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á. Được biết Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc và hiện là một trong số những khu vực sản xuất quan trọng cho Samsung.
Foxconn có nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất iPhone phục vụ thị trường nội địa
Một đối tác sản xuất của Apple, chẳng hạn như Luxshare Precision Industry Co đang sản xuất AirPods cho Apple tại Việt Nam. Đại diện Luxshare cho biết một số khách hàng lo lắng về rủi ro các lệnh phong tỏa và thiếu hụt điện năng nên thúc đẩy các đối tác mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. Đây là một phần trong nỗ lực sản xuất hàng loạt để giới thiệu các sản phẩm mới (hay còn được gọi là NPI). Trong giai đoạn này, các đối tác sẽ chuyển bản vẽ thiết kế thành kế hoạch sản xuất chi tiết.
Nếu thành công, các nhà máy bên ngoài Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phát triển thành các trung tâm sản xuất toàn diện thay vì sao chép mô hình có sẵn tại đại lục. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều từ phía các nhà đầu tư, nhất là trong giai đoạn kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự ổn định.
Theo: WSJ, CNBC