World Bank: Khủng hoảng tài chính có thể 'trỗi dậy' từ đại dịch
Nguy cơ khủng hoảng nợ đang cận kề các quốc gia nghèo nhất thế giới.
“Đại dịch không khởi phát như một cuộc khủng hoảng tài chính nhưng đang dần biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn với những hệ quả rất nặng nề”, kinh tế gia trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới (WB) trả lời phỏng vấn Bloomberg TV. “Phía trước là một chặng đường dài”.
Khi được hỏi việc các ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu để giữ lợi suất thấp có phải trò chơi “kẻ được người mất” không, Reinhart nói “đây là một cuộc chiến, trong cuộc chiến, các chính phủ sẽ tài trợ cho cuộc chiến của họ bằng mọi cách có thể và giờ đây, đang có những nhu cầu cấp thiết”.
“Tình cảnh của chúng ta hiện tại không bền vững”, bà cho biết thêm.
Kinh tế gia trưởng Carmen Reinhart. Ảnh: Yahoo News. |
Trước đó, các quốc gia giàu nhất thế giới nhất trí gia hạn nợ đáo hạn năm nay cho các nước nghèo nhất thế giới ít nhất đến nửa đầu năm 2021 trong khi lời kêu gọi từ WB là thêm một năm.
Trung Quốc chiếm khoảng 60% số nợ phải trả trong năm nay của các nước nghèo nhất thế giới, theo số liệu từ WB. Chủ tịch WB hồi tháng 8 nói các khoản cho vay từ Trung Quốc đến các nước đang phát triển “đi kèm những điều khoản không rõ ràng, lãi suất cao hơn khả năng chi trả của họ”.
Reinhart nói Trung Quốc có tham gia vào thỏa thuận ân hạn nợ nhưng “không đầy đủ”, với sự từ chối từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và một số chủ nợ tư nhân của nước này.