WHO tái xem xét cấp phép cho Sputnik V

14/11/2021 11:27 AM | Xã hội

Động thái mới của WHO hôm 12-11 có thể giúp mở đường cho vắc-xin Sputnik V được đưa vào sử dụng trong Chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX, nhằm cung cấp vắc-xin đến các nước nghèo

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12-11 thông báo cơ quan này đang tiếp tục xem xét để cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc-xin Sputnik V do Nga sản xuất sau thời gian đình trệ. Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Mariangela Simao cho biết WHO sẽ trao đổi thêm thông tin với đơn vị sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga.

Theo bà Simao, WHO vẫn cần nhận thêm hồ sơ đầy đủ về vắc-xin Sputnik V và có một số vấn đề cần được xử lý liên quan đến việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất. Hiện cả cơ quan giám sát dược phẩm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều chưa cấp phép cho vắc-xin Sputnik V, vốn đã được sử dụng ở Nga và một số quốc gia khác kể từ cuối năm 2020.

Cho đến nay, WHO chỉ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng Bharat Biotech, Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinopharm.

Động thái mới của WHO hôm 12-11 có thể giúp mở đường cho vắc-xin Sputnik V được đưa vào sử dụng trong Chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX, nhằm cung cấp vắc-xin đến các nước nghèo.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay số lượng liều vắc-xin tăng cường được tiêm trên khắp thế giới nhiều hơn 6 lần so với liều chính ở các nước thu nhập thấp và kêu gọi dừng tình trạng này ngay lập tức.

Tổng giám đốc WHO đã nhiều lần chỉ trích các quốc gia giàu có tích trữ vắc-xin trong khi các nước thu nhập thấp không đủ liều tiêm phòng cho người cao tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm nguy cơ cao khác. Hồi tháng 8, ông Tedros kêu gọi ban hành lệnh cấm toàn cầu đối với liều tăng cường kéo dài đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, các quốc gia gồm Đức, Israel, Canada và Mỹ đã sớm triển khai chương trình tiêm vắc-xin tăng cường. WHO cho biết có 92 quốc gia xác nhận tiêm liều bổ sung và không có quốc gia nào trong số đó thu nhập thấp.

Theo dữ liệu từ Trường ĐH Oxford, chỉ 4,5% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Tại Mỹ, trong tuần này, bang Colorado và California thông báo sẽ cho phép tiêm tăng cường tất cả người trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ngày càng nhiều nước tiêm liều bổ sung cho người dân trong bối cảnh một số chuyên gia cho hay dữ liệu mới chỉ ra rằng liều vắc-xin tăng cường giúp chống lại nguy cơ giảm kháng thể ngừa Covid-19.

Trong khi đó, ông Tedros cảnh báo việc tiếp cận với vắc-xin vẫn chưa đủ để ngăn chặn dịch bệnh khi chỉ ra sự gia tăng số ca mắc và tử vong đang diễn ra ở châu Âu, đáng chú ý Hà Lan buộc phải phong tỏa một phần.

Tổng giám đốc WHO cho hay: "Dịch Covid-19 đang tăng mạnh ở các quốc gia Đông Âu có tỉ lệ tiêm chủng thấp cũng như ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới như ở Tây Âu. Đó là một lời nhắc nhở khác, như chúng tôi đã nói nhiều lần rằng vắc-xin không thể thay thế các biện pháp phòng ngừa cần thiết khác".

Ông Tedros khuyến cáo mọi quốc gia nên điều chỉnh phản ứng cho phù hợp với tình hình dịch bệnh tại nước đó nhưng cũng nên áp dụng các biện pháp khác như giữ khoảng cách và đeo khẩu trang để giúp hạn chế lây nhiễm và giảm áp lực lên hệ thống y tế.

WHO đưa ra cảnh báo khi châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch khiến một số chính phủ cân nhắc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trong thời gian sắp tới. Theo thống kê của Reuters, châu Âu chiếm hơn 1/2 số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua trên toàn cầu và khoảng 1/2 số ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái khi dịch Covid-19 đạt đỉnh lần đầu ở Ý.

Các quốc gia bao gồm Hà Lan, Đức, Áo và Cộng hòa Czech đang thực hiện hoặc lên kế hoạch về các biện pháp phòng ngừa hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Trước làn sóng ca nhiễm mới, Đức xét nghiệm Covid-19 miễn phí trở lại từ hôm 13-11 và cân nhắc dự thảo luật tái áp đặt các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có hiệu lực đến tháng 3 năm sau.

Tại Áo, Thủ tướng Alexander Schallenberg cho biết nước này trong ngày 14-11 có thể sẽ ra quyết định cấm đối với những người chưa tiêm chủng đầy đủ khi số ca mắc mới mỗi ngày tăng lên mức kỷ lục. Trong khi đó, Na Uy sẽ tiêm tăng cường cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên và từ ngày 1-12, Ý cũng sẽ tiêm liều thứ 3 cho những người trên 40 tuổi.

Xuân Mai

Cùng chuyên mục
XEM