WHO: Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tổn thất hơn cả Chiến tranh Thế giới thứ Hai

07/03/2021 09:33 AM | Xã hội

Thảm họa do Covid-19 thậm chí còn tồi tệ hơn so với những gì mà thế giới từng trải qua sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tổng giám đốc WHO khẳng định.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AP
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AP

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tồi tệ trên quy mô còn lớn hơn cả Chiến tranh Thế giới thứ 2, tác động sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa, quan chức hàng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vào ngày thứ Sáu.

"Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, thế giới đã trải qua nhiều thảm họa tồi tệ, cuộc chiến đã gây ra tác động nặng nề đến nhiều cuộc đời. Giờ đây, với đại dịch Covid-19, cuộc sống của nhiều người chịu ảnh hưởng hơn nữa. Gần như cả thế giới chịu tác động, ảnh hưởng không chừa một ai cả", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo vào ngày thứ Sáu.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh thảm họa đó thậm chí còn tồi tệ hơn so với những gì mà thế giới từng trải qua sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các cộng đồng trên thế giới sẽ còn chịu tác động nặng nề hơn nữa.

Tuyên bố của ông được đưa ra để trả lời cho câu hỏi rằng liệu các nước có nên tính toán nhiều hơn nữa đến tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và sức khỏe tinh thần của người dân. Các chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại WHO nhấn mạnh rằng cần phải quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tinh thần của con người.

Trưởng bộ phận nghiên cứu về các loại bệnh mới tại WHO, bà Maria Van Kerkhove, nói thêm rằng: "Thế giới đang trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch. Virus corona đang xé tan các cộng đồng, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi tuần. Tác động gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của của người dân quá lớn. Có nhiều người mất người thân, thành viên trong gia đình hoặc bạn bè vì đại dịch này. Có nhiều người khác mất việc, nhiều trẻ em không được đến trường, chúng buộc phải ở nhà trong nhiều tình huống vô cùng khó khăn".

Bà Kerkhove khẳng định thế giới hiện vẫn đang trong trạng thái chống chọi với đại dịch Covid-19.

Còn ông Mike Ryan, phó giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, hối thúc người dân và giới chức cùng tìm cách giải quyết những vấn đề gây tổn hại đến tinh thần của người dân, đồng thời tìm kiếm giải pháp.

Khi thế giới đang đặt kỳ vọng vào vắc xin Covid-19, giờ đây đã bắt đầu xuất hiện tình trạng vắc xin Covid-19 giả bị buôn lậu tại nhiều địa điểm trên khắp thế giới.

Vào đầu tháng 12/2020, Interpol lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về khả năng sẽ có tội phạm buôn lậu vắc xin Covid-19, Interpol đã cảnh báo các cơ quan thực thi pháp luật tại 194 nước rằng có những mạng lưới tội phạm đang cố gắng thâm nhập và gây gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng khi hoạt động phân phối và tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang được triển khai trên toàn cầu để ngăn đại dịch Covid-19.

Những mạng lưới kinh doanh vắc xin Covid-19 lậu này sẽ không ảnh hưởng đến các chương trình tiêm vắc xin được vận hành bởi các công ty uy tín và chính phủ các nước. Nhóm các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ đang nắm trong tay phần lớn các vắc xin Covid-19 được lưu hành trên khắp thế giới.

Tuy nhiên lượng nhỏ vắc xin giả sẽ có thể đến tay người tiêu dùng thông qua mạng Internet hoặc các kênh không chính thức, đặc biệt tại các nước đang phát triển vốn đang không có đủ nguồn cung vắc xin Covid-19.

Mạng lưới buôn lậu vắc xin Covid-19 mà Interpol bắt giữ vào ngày 3/3/2021 đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 11/2021, cảnh sát Nam Phi phát hiện ra một nhà máy sản xuất vắc xin Covid-19 giả tại một nhà kho gần Johannesburg. Tại đây cảnh sát cũng thu giữ được nhiều khẩu trang N95 giả, hai người bị bắt trong vụ việc này mang quốc tịch Trung Quốc và Zambia.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM