WeChat: Siêu ứng dụng "thống trị" internet toàn Trung Quốc, "bom tấn" dịch vụ hiệu quả bằng cả Google, Facebook, PayPal cộng lại

20/01/2021 15:18 PM | Kinh doanh

Chen Channing là một trong 1,09 tỷ người ở Trung Quốc không thể sống thiếu ứng dụng WeChat - dù chỉ là một ngày.

Chen Channing, một chuyên gia pháp lý 30 tuổi ở Thâm Quyến, cũng như bao người Trung Quốc khác, gần như không thể sống thiếu WeChat – siêu ứng dụng do gã khổng lồ Tencent phát triển cách đây 10 năm.

Buổi sáng, Chen kiểm tra tin nhắn trên ứng dụng. Sau đó, anh sử dụng chức năng thanh toán để đi tàu điện ngầm tới nơi làm việc. Trên đường, anh đọc tin tức cũng trên đó. Tại văn phòng, anh dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc để trao đổi thông qua phiên bản dành cho máy tính của WeChat.

Khi rảnh rỗi, Chen chia sẻ hình ảnh và âm nhạc với bạn bè trên điện thoại và khi đói bụng, anh lại dùng WeChat để đặt đồ ăn cũng như thanh toán. Anh nói: "WeChat đã trở thành một phần trong mọi khía cạnh cuộc sống và công việc của tôi. Tôi thực sự không thể sống thiếu nó". Đây cũng là câu chuyện của rất nhiều người trong số 1,09 tỷ người sử dụng WeChat hàng ngày (chủ yếu là người Trung Quốc đại lục).

WeChat: Siêu ứng dụng thống trị internet toàn Trung Quốc, bom tấn dịch vụ hiệu quả bằng cả Google, Facebook, PayPal cộng lại - Ảnh 1.

Siêu ứng dụng WeChat.

Một nghiên cứu của nhà cung cấp dữ liệu China Internet Watch cho thấy người dùng dành trung bình 77 phút mỗi ngày trên WeChat, siêu ứng dụng cung cấp dịch vụ hiệu quả tương đương WhatsApp, Instagram, Google, Facebook và PayPal. Theo QuestMobile, WeChat chiếm 21,5% tổng thời gian của người dùng Trung Quốc trên Internet di động tính đến tháng 9 năm 2020.

Như vậy, không quá lời khi nói rằng WeChat đã thay đổi sâu sắc cách người Trung Quốc tương tác với nhau và với thế giới trực tuyến. Thành công của siêu ứng dụng vừa tròn 10 tuổi vào ngày 21/1 tới cũng đã giúp Tencent trở thành công ty lớn nhất ở châu Á và đẩy giá trị vốn hóa thị trường của nó lên 800 tỷ USD, lớn thứ sáu trên toàn cầu (tăng từ 47 tỷ USD vào năm 2011).

Một chuyên gia nhận định: "WeChat chắc chắn là sản phẩm Internet thành công nhất ở Trung Quốc trong thập kỷ qua. Nó đã tạo ra phép màu khi tăng trưởng từ 0 lên hơn 1 tỷ người dùng. Giá trị của WeChat đã vượt ra ngoài những con số bởi ứng dụng này đã giúp mọi người kết nối với nhau đồng thời cung cấp một loạt dịch vụ thay đổi cuộc sống".

WeChat ra đời vào ngày 21/1/2011. Zhang, người đứng đầu QQ Mail Mobile của Tencent vào thời điểm đó, đã lãnh đạo một nhóm nhỏ phát triển phiên bản WeChat đầu tiên trong vòng chưa đầy 70 ngày, đánh bại hai nhóm nội bộ khác cũng đang cố gắng đạt mục tiêu tương tự.

WeChat: Siêu ứng dụng thống trị internet toàn Trung Quốc, bom tấn dịch vụ hiệu quả bằng cả Google, Facebook, PayPal cộng lại - Ảnh 2.

Allen Zhang.

Phiên bản ban đầu của WeChat chỉ cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản và ảnh. Bước ngoặt đối với WeChat đến vào tháng 5/2011 khi ứng dụng được cập nhật tính năng nhắn tin thoại, cho phép điện thoại của người dùng hoạt động giống như một bộ đàm.

Sau một thập kỷ tối ưu hóa, ứng dụng này vẫn đang phát triển. Tencent đã xây dựng một hệ sinh thái khổng lồ xung quanh WeChat. Đây là những ứng dụng nhỏ hơn 10 megabyte có thể chạy ngay lập tức trên giao diện của ứng dụng chính.

Thiết kế trên đã cho phép WeChat trở thành một nền tảng phổ biến và cập nhật xu hướng. Theo số liệu được công bố mới đây, lượng người dùng hoạt động hàng ngày của các ứng dụng mini này đã đạt 400 triệu.

Có nhiều yếu tố đã góp phần vào thành công của WeChat, bao gồm China’s Great Firewall, công cụ chặn các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài như WhatsApp, Instagram, Google và Facebook. Về phần mình, WeChat đã đi đúng hướng vào đúng thời điểm. Thiết kế đơn giản, thú vị của ứng dụng cũng là một yếu tố quan trọng dẫn tới thành công.

Mặc dù vậy, Tencent và WeChat đang phải đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên, việc kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng đang gặp khó khăn cả ở trong lẫn ngoài nước bởi ngày càng có nhiều tài khoảng truyền bá nội dung không phù hợp hoặc bất hợp pháp.

Thứ hai, dù không phải lo lắng về sự cạnh tranh từ nước ngoài nhưng WeChat đang đối diện với cuộc chiến khốc liệt từ các đối thủ trong nước mới nổi như ByteDance sở hữu ứng dụng video ngắn Douyin cực kỳ nổi tiếng với 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày tính đến tháng 8/2020.

WeChat: Siêu ứng dụng thống trị internet toàn Trung Quốc, bom tấn dịch vụ hiệu quả bằng cả Google, Facebook, PayPal cộng lại - Ảnh 3.

Douyin đang là một đối thủ nặng ký của WeChat.

Theo báo cáo của QuestMobile vào tháng 10/2020, người Trung Quốc đang dành nhiều hơn 6 giờ mỗi tháng trên điện thoại di động so với 2019. Tuy nhiên, chủ yếu họ dành thời gian đó cho những ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou do Tencent hậu thuẫn.

Trong khi đó, WeChat - cùng công cụ tìm kiếm của Baidu hay Taobao, Tmall và Alipay của Alibaba, đã không tăng trưởng hoặc thậm chí tăng trưởng âm về tỷ lệ thời gian sử dụng. Ngoài ra, Tencent còn bị chỉ trích vì vấn đề độc quyền. Tuy nhiên, công ty cho biết họ kinh doanh công bằng.

Một nhà phân tích nhận định: "Có một điều chắc chắn là WeChat sẽ phải đối mặt với tương lai nhiều thách thức với các quy định chặt chẽ hơn, cạnh tranh gay gắt hơn cùng với những thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng. Thập kỷ tới chắc chắn sẽ khác hơn rất nhiều đối với WeChat so với thập kỷ vừa qua".

Nguồn: SCMP

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM