‘Vượt’ Mỹ: Năm 2035, nền kinh tế của nước châu Á này sẽ đứng đầu thế giới

18/01/2023 16:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Dù có khoảng cách kinh tế lớn trong năm 2022, quốc gia châu Á này vẫn sẽ “lội ngược dòng” và đứng đầu thế giới sau 12 năm nữa.

‘Vượt’ Mỹ: Năm 2035, nền kinh tế của nước châu Á này sẽ đứng đầu thế giới - Ảnh 1.

Tình hình năm 2022

Theo các nhà phân tích, do tình hình dịch bệnh căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc đã có khoảng cách kinh tế lớn trong năm vừa qua. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, vào quý IV năm 2022, GDP Trung Quốc tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Cả năm 2022, GDP của quốc gia này tăng 3%, đạt hơn 121.020 tỷ NDT (khoảng 17.950 tỷ USD).

‘Vượt’ Mỹ: Năm 2035, nền kinh tế của nước châu Á này sẽ đứng đầu thế giới - Ảnh 2.

Con số này đã cao hơn mức 2,8% mà các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters dự báo. Tuy nhiên, 3% là mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5,5% mà chính quyền nước này đề ra. Đây cũng là năm kinh tế mà Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng thấp hàng đầu trong vòng 46 năm qua.

Nhưng bên cạnh đó, “khủng long” châu Á vẫn có những tín hiệu tốt. Vào tháng 12 năm ngoái, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng 1,2% và mức tăng trưởng cả năm là 3,6%. Con số này cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 0,2% từ cuộc khảo sát của tờ Reuters. Hay đầu tư tài sản cố định tại quốc gia này trong năm 2022 cũng tăng 5.1%.

Là nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì đại dịch, sự hồi phục “dần dần” của Trung Quốc đang lóe lên tia hy vọng rằng quốc gia này sẽ sớm “đánh bại” Mỹ và đứng top 1 thế giới vào năm 2035, theo dự báo gần đây của Goldman Sachs.

Qiu Xiaohua, cựu Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia (NBS) của Trung Quốc cho biết: “Sự sụt giảm kép vào năm 2022 đã khiến Mỹ và Trung Quốc kéo dài khoảng cách kinh tế. Từ góc độ so sánh quốc tế, Trung Quốc cần có biện pháp hồi phục mạnh mẽ hơn và thấy được những áp lực mà quốc gia sẽ phải đối mặt trong tương lai”. Ông cũng cho rằng do dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 đã mất 2 điểm phần trăm.

Để khắc phục và đưa kinh tế Trung Quốc vào “guồng” trở lại, các nhà phân tích nói giới chức Trung Quốc cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới và có nhiều dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, Mỹ vẫn chưa công bố mức tăng trưởng GDP theo năm. Tuy nhiên, vào quý III năm ngoái, quốc gia top 1 thế giới ghi nhận mức tăng 3,2%.

Dự báo tương lai

Viện nghiên cứu tài chính Chongyang có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng dự đoán khoảng cách kinh tế giữa hai cường quốc Mỹ-Trung ngày càng xa là do đồng đô la Mỹ mạnh lên bất thường và lạm phát tăng cao. Đồng nhân dân tệ, nếu tính theo tỷ giá tham chiếu của chính phủ, đã mất giá khoảng 9,2% so với đồng đô la Mỹ vào năm ngoái.

Vì vậy, việc Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2035 không chỉ là một dự báo đơn thuần mà là mục tiêu cần hướng tới để tạo động lực giải quyết các rủi ro trong nước, Wang Wen - viện trưởng viện nghiên cứu nói. Ông cũng cho rằng, chỉ cần đồng tiền của nước này tăng giá so với mức hiện tại, việc Trung Quốc vượt Mỹ và trở thành thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới có thể xảy ra vào năm tới.

Viện nghiên cứu tài chính Chongyang dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm quay trở lại đà tăng trưởng 5,5-6% trong ba năm tiếp theo, sau đó là tăng 5-5,5% hàng năm từ năm 2026-2030.

‘Vượt’ Mỹ: Năm 2035, nền kinh tế của nước châu Á này sẽ đứng đầu thế giới - Ảnh 3.

Viện dự đoán tỷ trọng GDP của Trung Quốc so với toàn cầu sẽ tăng từ 18,5%% vào năm 2022 lên 22,2% vào năm 2030. Điều này sẽ khiến Mỹ mất vị trí top 1 nền kinh tế.

Khoảng cách GDP giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu có xu hướng giảm từ 11 nghìn tỷ USD năm 2007 xuống còn 5,25 nghìn tỷ USD vào năm 2022, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế; bất chấp các khó khăn trong giai đoạn 2015-2016 khi đồng nhân dân tệ mất giá và xung đột thương mại năm 2019. Đây chính là minh chứng cho thấy việc Trung Quốc “lội ngược dòng” là có cơ sở.

Khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản vào tháng trước lại dự báo rằng GDP danh nghĩa của Trung Quốc khó có thể vượt qua Mỹ trong vài thập kỷ tới. Điều này được nhấn mạnh khi doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm 0.2% trong năm 2022 và doanh số bán lẻ tháng 12 giảm 1.8% so với cùng kỳ.

Trong đó, ngành phục vụ nhà hàng giảm 6.3%, doanh số bán quần áo, mỹ phẫm và trang sức cũng sụt giảm. Đầu tư bất động sản giảm 10% trong năm 2022, giảm mạnh hơn so với mức ghi nhận tính đến tháng 11.

Trước những khó khăn, Trung Quốc được cho là đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 5% vào năm 2023, ngay sau khi 4/5 cường quốc kinh tế hàng đầu của quốc gia này, bao gồm Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông và Chiết Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 5%.

“Câu chuyện chính của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2023 sẽ là sự phục hồi”, Nick Marro - nhà phân tích thương mại toàn cầu của The Economist Intelligence Unit nói. Ông cũng cho biết, sự hồi phục tăng trưởng có thể sẽ rõ rệt hơn từ quý II.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất ngày 17 tháng 1 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dân số của quốc gia này cuối năm ngoái là 1,41175 tỷ người, giảm so với 1,4126 tỷ người vào cuối năm 2021. Đây là lần đầu tiên từ năm 1961, dân số Trung Quốc sụt giảm. Nếu cứ tiếp tục, Trung Quốc có thể sẽ không còn là quốc gia đông dân nhất thế giới và vị trí này sẽ thuộc về Ấn Độ.

Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, khi tỷ lệ dân trong độ tuổi lao động 16 - 59 giảm từ 70% xuống còn 62%. Với mục tiêu đứng top 1 thế giới sau 12 năm nữa, Trung Quốc chắc chắn sẽ cần những biện pháp hồi phục kinh tế nhanh chóng và thu hút vốn FDI.

Tổng hợp

Theo Thùy Bảo

Cùng chuyên mục
XEM