Vượt khủng hoảng thời Covid: Đã đến lúc doanh nghiệp phải khôn ngoan hơn với nguyên tắc kinh điển 80-20?

27/03/2020 15:57 PM | Kinh doanh

Khủng hoảng vì dịch Covid-19 cho thấy doanh nghiệp thiệt hại nặng nề nhất, đứng trước nguy cơ phá sản là các doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu bỏ trứng vào một giỏ: phụ thuộc phần lớn vào một thị trường, một nhóm khách hàng.

Tiến sỹ Võ Duy Nghi mới đây có những nhận định khá thú vị về cách doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Cụ thể về ngành du lịch, ông cho rằng ngành du lịch Việt Nam có thời kỳ rầm rộ tập trung vào lượng du khách Nga, sau đó là Trung Quốc rồi Hàn Quốc mà bỏ rơi nhiều thị trường tiềm năng khác. Nhiều thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, mọc lên hàng ngàn khách sạn lớn nhỏ, homestay vì chạy theo phong trào bất kể được cảnh báo lượng cung đã vượt cầu.

Tương tự trong ngành nông nghiệp, khi thấy thị trường Trung Quốc rộng lớn, dễ tính, không bị kiểm soát quá gắt gao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, thực phẩm, còn bản thân đang làm VietGAP thấy quá khó để thâm nhập thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... mà lợi nhuận không cao, nên nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc nhảy vào làm ăn với Trung Quốc.

Trong các ngành công nghiệp khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn nguồn nguyên vật liệu của một nhà cung ứng với lý do giá rẻ, nên khi nhà cung ứng gặp trục trặc thì doanh nghiệp thiệt hại rất nặng nề, chưa kể lâm vào tình cảnh phá sản.

Khủng hoảng vì dịch Covid-19 cho thấy doanh nghiệp thiệt hại nặng nề nhất, đứng trước nguy cơ phá sản là các doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu bỏ trứng vào cùng một giỏ: phụ thuộc phần lớn vào một thị trường, một nhóm khách hàng. 

Theo tiến sĩ Nghi, nguyên tắc kinh doanh 80/20 cho thấy 80% doanh thu, lợi nhuận của một doanh nghiệp thường đến từ 20% khách hàng chủ chốt. 

Ban đầu, nguyên tắc này này có tên là nguyên tắc Pareto đề cập đến kết quả kiểm nghiệm rằng 80% tài sản của nước Ý thuộc quyền sở hữu của chỉ 20% dân số.

Sau này, tổng quát hơn, nguyên tắc Pareto trở nên nổi tiếng và được coi như một quy định ngầm (không phải luật bắt buộc thực hiện) mang ý nghĩa đại đa số mọi thứ trong cuộc sống không được phân phối đều nhau: Khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra.

Nguyên tắc này có thể bao hàm tất cả các nhận định sau:

* 20% công nhân tạo ra 80% kết quả 

* 20% khách hàng đóng góp vào 80% doanh thu 

* 20% khiếm khuyết gây ra 80% sự cố 

* 20% tính năng tạo ra 80% nhu cầu sử dụng …

Cần lưu ý rằng các con số phân phối không phải lúc nào cũng chính xác là 20% và 80%. Điểm mấu chốt mà Nguyên tắc Pareto muốn đề cập là hầu hết mọi thứ trong cuộc sống (nỗ lực, phần thưởng, đầu ra,...) không được phân phối đồng đều - một số đóng góp nhiều hơn những thứ khác.

Trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp thường áp dụng việc hiểu 20% khách hàng lớn đóng góp vào 80% doanh thu của công ty. Điều này giúp bạn tính toán chiến lược, thay vì áp dụng chính sách đãi ngộ như nhau với tất cả khách hàng, bạn có thể phân tách 20% khách hàng lớn thành một tệp riêng và tập trung hơn vào việc làm hài lòng họ.

Vượt khủng hoảng thời Covid: Đã đến lúc doanh nghiệp phải khôn ngoan hơn với nguyên tắc kinh điển 80-20? - Ảnh 1.

Trong cung cấp sản phẩm, 20% sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp cần được coi là cốt lõi và được đầu tư 80% công sức lao động hoặc thời gian. Thay vì tung ra một loạt các sản phẩm theo cùng một cách, hãy tập trung nhiều nỗ lực hơn cho một số nhất định sản phẩm chính, và số còn lại có thể được bán dưới dạng đính kèm.

Tuy nhiên tiến sĩ Võ Duy Nghi cho rằng qua những đợt khủng hoảng như Covid-19 hiện nay nguyên tắc này bộc lộ nhược điểm nếu doanh nghiệp không quản trị tốt và dồn hết trứng vào một giỏ. Theo ông những doanh nghiệp quản trị tốt là những doanh nghiệp vẫn duy trì mối quan hệ làm ăn tốt với 80% khách hàng thứ yếu còn lại, để khi xảy ra khủng hoảng thì chính 80% lượng khách hàng đó cũng sẽ là chỗ dựa cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

PV

Cùng chuyên mục
XEM