‘Vượt được rào cản ngoại ngữ, sinh viên Việt Nam không hề thua kém sinh viên nước nào, kể cả Phần Lan hay Mỹ!’

14/01/2017 07:30 AM | Kinh doanh

Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng chúng ta đang nhìn nhận nền giáo dục Việt Nam hơi cực đoan. Ông cũng cho rằng nếu vượt qua được rào cản ngoại ngữ, sinh viên Việt Nam không hề thua kém sinh viên nước nào, dù là Phần Lan hay Mỹ…

Trước nhiều ý kiến “ném đá” ngành giáo dục, GS.TS. Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục – cho rằng cần nhìn nhận công bằng với nền giáo dục Việt Nam.

“Khi nói đến chất lượng của nền giáo dục Việt Nam như thế nào, chúng ta cần so sánh nó trong tương quan với trình độ phát triển kinh tế và xã hội”.

Hiện Việt Nam đang chi khoảng xấp xỉ 20% GDP cho tất cả hệ thống giáo dục trên toàn quốc từ thành thị đến nông thôn, trên 63 tỉnh thành. Đó là một mức chi khá lớn trong điều kiện của một nước nghèo”, ông Trung cho biết tại Tọa đàm Việt Nam học được gì từ nền giáo dục Phần Lan.

Thừa nhận hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa thật tốt và còn rất nhiều vấn đề phải cố gắng, ông Trung cũng cho rằng sinh viên, học viên Việt Nam khi tham gia các đấu trường quốc tế, hay học tại các trường đại học nước ngoài đều đáp ứng rất tốt các yêu cầu về giáo dục và đào tạo ở nước bạn.

Điểm yếu tương đối phổ biến hiện nay của sinh viên Việt Nam, theo ông Trung, là trình độ tiếng Anh.

“Vượt qua được rào cản ngôn ngữ tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác, sinh viên Việt Nam không hề thua kém sinh viên của bất cứ nước nào, kể cả sinh viên Phần Lan hay Mỹ. Đây là điều cần phải khẳng định”, ông Trung nói.

Ngay cả người trong ngành cũng nói không chính xác về giáo dục đào tạo

Ông Trung cho rằng góc nhìn của mọi người về ngành giáo dục và đào tạo nước nhà đang có phần cực đoan, trong khi ngay cả những người trong ngành cũng có những phát biểu và nhìn nhận chưa chính xác.

Minh chứng cho nhận định này, ông lấy 2 ví dụ.

Một là, thông tin nóng hổi mới đây về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi, đáp án các môn trắc nghiệm được nhiều người trong ngành, trong đó có PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Lương Thế Vinh phản biện.

Các ý kiến phản biện hầu hết đều phản bác lại động thái của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cho rằng Bộ đang đặt quyền lợi của mình cao hơn học sinh.

“Tôi khẳng định nói thế là sai. Chúng ta hãy nhìn một loạt các hệ thống thi của Mỹ, Anh, Phần Lan và hỏi xem họ có công bố tất cả đáp án thi không? Không hề”, ông Trung nói.

Quan điểm cá nhân của tôi là chúng ta phải quen dần đi, không phải đáp án thi nào cũng công bố công khai trên mạng. Đấy là bản quyền của nơi tổ chức”.

Hai là, trong buổi tọa đàm có ý kiến cho rằng các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phải tuân theo chương trình bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Điều đó chỉ đúng cách đây 5 - 7 năm. Giờ chúng ta tự do lắm rồi. Giờ Học viện Quản lý Giáo dục có thể hoàn toàn thay đổi chương trình theo tín chỉ. Phần bị bắt buộc rất ít”.

“Tự do trong giáo dục và đào tạo đã khác. Nhưng rất nhiều, tôi xin nhấn mạnh là RẤT NHIỀU NGƯỜI còn đang nhận thức về điều đó hơi cực đoan”, ông Trung nêu nhận định.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM