Vung 12 cây vàng cho 1 đêm ăn chơi, cuối đời nghèo khổ: Bài học để đời của hai nhạc sĩ nổi tiếng
Nhạc sĩ Vinh Sử và Hoàng Phương đều trải qua một cuộc đời với hai số phận: giàu có bậc nhất nhưng cũng trải qua những năm tháng tận cùng của nghèo khổ, bệnh tật.
Cuộc đời của nhạc sĩ Vinh Sử và Hoàng Phương có nhiều điểm giống nhau tới lạ kỳ. Cả hai đều có một gia tài đồ sộ về âm nhạc với những ca khúc sống mãi với thời gian như: Nhẫn cỏ trao em, Gõ cửa trái tim, Làm dâu xứ lạ, Mưa bụi, Người phu kéo mo cau, Hoa sứ nhà nàng...
Họ cũng đều từng rất giàu có và cũng từng có một quãng đời nghèo khó khi về già.
Vinh Sử: nướng 12 cây vàng cho 1 cuộc chơi
Nhạc sĩ Vinh Sử là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình những năm đầu thập niên 1970. Vinh Sử đã chinh phục khán giả bằng các ca khúc sâu lắng, bình dân như: Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau, Qua ngõ nhà em, Làm dâu xứ lạ, Mưa bụi, Hai mái nhà tranh, Hai bàn tay trắng, Yêu người chung vách, Nối lại tình xưa...
Nhờ những bài hát nổi tiếng ấy mà nhạc sĩ Vinh Sử từng có một cuộc sống giàu sang bậc nhất mà ai ai cũng mơ ước. Âm nhạc đã cho ông cả danh tiếng lẫn tiền bạc.
Thời hoàng kim của nhạc sĩ "Nhẫn cỏ cho em" là trước những năm 1975, tiền tác quyền ca khúc nhiều đến mức ông sắm nhà lầu, xe hơi, tiêu xài không bao giờ phải nghĩ.
Nhạc sĩ Vinh Sử được tôn vinh là "ông vua nhạc sến". Ông có hàng trăm ca khúc nổi tiếng được khán giả yêu thích. Nhờ âm nhạc, Vinh Sử từng có tất cả tiền bạc và danh tiếng.
Có tiền trong tay, nhạc sĩ Vinh Sử đổ hết vào các cuộc ăn chơi, những buổi tiệc được tính bằng... cây vàng. Bởi quan niệm, có tiền thì phải tiêu, đã ăn nhậu phải linh đình, mà ông lại mê nhất "trò" một đêm làm hoàng đế ở các nhà hàng lớn thời đó.
Đó là những đêm nhậu với ngai vàng, mỹ nữ hầu quạt, đủ sơn hào hải vị... như bàn tiệc của vua. Ông từng chia sẻ với báo chí về những bữa tiệc tùng như thế "có đêm, tôi sẵn sàng nướng cả 12 cây vàng vào những cuộc ăn chơi. Bởi khi đó, mình giàu nhanh quá, đâu có nghĩ tới chuyện sau này sẽ ra sao".
Và sự thật, hậu quả là những năm cuối đời, nhạc sĩ Vinh Sử sống trong cô đơn, bệnh tật và nghèo khổ.
Năm 2014, nhạc sĩ Vinh Sử mắc bệnh nan y, ung thư đại trực tràng. Ông đã trải qua 6 lần phẫu thuật, phải mang hậu môn giả và giảm gần 20 kg chỉ trong vòng 8 tháng.
Ông sống trong một căn nhà trọ chật hẹp, nóng như thiêu đốt, bừa bộn. Tiền tác quyền của ông mỗi tháng cũng chỉ được vài triệu đồng. Vừa chắt chiu lo sinh hoạt hàng ngày, vừa để chữa bệnh nên vô cùng khốn khó.
May mắn, ông được sự hỗ trợ của đồng nghiệp và khán giả nên chẳng những có một chỗ ở đàng hoàng và tươm tất mà còn có tiền trang trải cuộc sống và lo thuốc trị bệnh.
Hiện tại, nhờ sự trở lại của bolero, những nhạc phẩm của Vinh Sử được nhiều người hát hơn và cũng đem lại cho ông tác quyền nhiều hơn. Nhờ vậy mà cuộc sống của "ông vua nhạc sến" cũng đã bớt cực khổ đi nhiều. Dù vậy, sau những thăng trầm đã đi qua, ông biết quý đồng tiền mình làm ra hơn và không phung phí như xưa nữa.
Nhưng ông cũng khiến cuộc đời mình đi vào bế tắc khi tiêu tiền bạt mạng. Khi nhận ra, ông cũng đã phải trải qua nhiều năm sống trong nghèo khổ.
Hoàng Phương: Tiêu tan tài sản vì quá hào sảng và mê nhạc, vợ chạy xe ôm nuôi chồng con
Nhạc sĩ "Hoa sứ nhà nàng" - Hoàng Phương cũng từng trải qua một cuộc đời với hai số phận giàu sang và nghèo khó như Vinh Sử. Chỉ khác là, Hoàng Phương tiêu tan tài sản vì âm nhạc chứ không phải ăn chơi.
Sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Phương là người tài hoa, hào sảng. Ông có 2 tiệm vàng, 1 tiệm sửa đồng hồ, 3 căn nhà phố nhưng chính vì quá đam mê làm nghệ thuật và lại tiêu xài rộng rãi, phóng khoáng trong giao tiếp nên đã làm tiêu tan tài sản mà ông gầy công tạo dựng.
Ông từng cầm rất nhiều tiền cho vào túi cùng mấy bài nhạc lên gặp nhạc sĩ Quốc Dũng. Sau khi xem bản nhạc, nhạc sĩ Quốc Dũng lấy đàn organ ra đánh. Đánh xong, Quốc Dũng rủ nhạc sĩ Hoàng Phương đi nhậu rồi qua phòng thu cho Bảo Yến, Nhã Phương hát thử. Tới tận 3, 4 giờ sáng mới về. Tính ông vốn hào sảng nên đi giao tiếp luôn là người đãi hết.
Cố nhạc sĩ Hoàng Phương vì quá mê âm nhạc và hào sảng nên đã để mất gia tài mà ông nhiều năm gầy dựng.
Nhạc sĩ Hoàng Phương xài tiền hào sảng có tiếng. Ông từng bỏ tiền làm nguyên một chương trình đại nhạc hội cho người dân Gò Công xem suốt 3 đêm liên tiếp mà không lấy một đồng tiền vé nào. Chơi như vậy, biết bao nhiêu tiền của!
Dù bán hết hai tiệm vàng và tiệm đồng hồ để chuyên tâm sáng tác âm nhạc nhưng sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Phương không bao giờ nghĩ, viết nhạc để lấy tiền. Ông không quan tâm đến chuyện tiền tác quyền, tác giả được bao nhiêu.
Có thời băng cát xét nhạc Hoàng Phương được bán khắp cả nước nhưng nhạc sĩ Hoàng Phương không hề thu được một đồng tiền tác quyền nào ở giai đoạn đó.
Khí chất đó đã làm gia tài của ông tan biến. Về cuối đời, cuộc sống mỗi ngày càng trở lên cơ cực, ông lên Sài Gòn tìm đến các trung tâm băng nhạc để kiếm sống nhưng cũng không vực dậy kinh tế.
Năm 2002, ông lâm bệnh nặng. Khi nghèo khó, ông cùng vợ con sống trong mái nhà chật chội trống trước hở sau nằm ngay trước mảnh đất của cha mẹ ông.
Thật trớ trêu, chính trong cảnh sống túng bấn, cùng khổ, cảm xúc của ông lại dạt dào, thăng hoa bên làn khói thuốc liên tục hút trên môi, trong men say chếnh choáng.
Cây đàn cũ kỹ, thiếu dây lại gắn bó cùng ông cho ra đời những bài hát hay như: Thuyền giấy chiều mưa, Chung vầng trăng đợi, Nhớ biển Gò Công, Hẹn em bên cửa sông Tiền, Chuyện tình hoa muống biển…
Bà Mộng Vân, vợ nhạc sĩ Hoàng Phương khi tham gia chương trình Người kể chuyện tình đã tiết lộ, bản thân bà từng phải đi cào nghêu, chạy xe ôm nuôi chồng viết nhạc vì lúc đó, gia tài đã khánh kiệt.
Đã 18 năm từ khi nhạc sĩ "Hoa sứ nhà nàng" - nhạc sĩ Hoàng Phương qua đời, những năm tháng nghèo khổ cuối đời của ông và gia đình mới được vợ ông tiết lộ trong chương trình Người Kể Chuyện Tình.
Vợ nhạc sĩ Hoàng Phương bật khóc kể về những ngày tháng khó khăn, khi bị cái nghèo đến bám riết hàng chục năm: "Khi ấy, chúng tôi nghèo lắm! Tôi đi cào nghêu, làm cỏ để lấy tiền nuôi chồng nuôi con. Sau đó, tôi được bà con cho tiền mua một chiếc xe để chạy xe ôm. Tôi chạy trong 20 năm, để chồng có thể yên tâm sáng tác.
Đôi lúc, tôi cảm thấy tủi thân vì còn trẻ nhưng lại sống khổ cực nhưng tôi tự hào, chồng là một nhạc sĩ có nhiều bài hát nổi tiếng được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian".
Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ của anh em nghệ sĩ trong ngoài nước, cuộc sống của gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Phương đã đỡ vất vả không còn phải chạy xe ôm. Nhà bà mở một quán nhỏ, nhà cửa cũng ấm cúng hơn. Nghĩ lại cảnh nghèo khổ ngày xưa, bà nuối tiếc, ước chi ông được sống đến giờ, để tận hưởng chút thảnh thơi cuối đời.