'Vua trái phiếu Mỹ': Lãi suất cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính và đây mới là khoản đầu tư 'khôn ngoan nhất' hiện nay

03/11/2023 13:56 PM | Kinh doanh

"Vua trái phiếu” Jeffrey Gundlach mới đây cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng tài chính sắp diễn ra khi lãi suất liên tục ở mức cao. Ông đưa ra lời khuyên về một loại tài sản phù hợp nhất để đầu tư trong bối cảnh hiện tại.

'Vua trái phiếu Mỹ': Lãi suất cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính và đây mới là khoản đầu tư 'khôn ngoan nhất' hiện nay - Ảnh 1.

Theo “ông vua trái phiếu” Jeffrey Gundlach, “T-Bill and Chill” (“dồn toàn lực” mua trái phiếu chính phủ) đang là chiến lược đầu tư tốt nhất mà nhà đầu tư có thể thực hiện trong môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 1/11, Gundlach - nhà đầu tư có tài sản trị giá 2,2 tỷ USD, cho biết việc lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn ở Mỹ.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã quyết định giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm, từ 5,25% đến 5,5%. Vào tháng 9, NHTW đã cảnh báo rằng lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao hơn trogn thời gian dài hơn dự kiến, để kiềm chế lạm phát.

Gundlach cho biết, ngân sách liên bang đang ghi nhận khoản thâm hụt lên tới gần 1,7 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2023. Đây là một tình huống “bất ổn” trong môi trường lãi suất hiện tại.

Ông cảnh báo rằng: “Lãi suất cao trong thời gian dài có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với vẫn đề chi phí lãi vay tăng cao, khiến tôi dự đoán rằng sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác.”

Khi các khoản chi tiêu tài khoá của Mỹ đạt mức cao chưa từng có, Bộ Tài chính nước này dự kiến sẽ vay hơn 1 nghìn tỷ USD thông qua phát hành tín khiếu kho bạc kỳ hạn ngắn vào cuối năm 2023. Trong khi đó, chính phủ cũng tìm cách tăng lượng dự trữ tiền mặt.

Theo viện nghiên cứu Cato Institute, các khoản thanh toán lãi vay liên bang đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015 đến 2023, chính phủ phải trả 640 tỷ USD tiền lãi trong năm nay. Một số ước tính cho thấy, khoản lãi phải trả sẽ là khoản chi lớn nhất của chính phủ Mỹ vào năm 2051.

Gundlach không phải là chuyên gia “lão làng” duy nhất trên Phố Wall đưa ra cảnh báo về hậu quả kinh tế tiềm ẩn từ ảnh hưởng của các khoản chi tiêu tài khoá quá lớn. Trước đó, CEO JPMorgan Jamie Dimon, nhà đầu tư tỷ phú Stanley Duckenmiller và Ray Dalio cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo tương tự.

Gundlach là nhà đồng sáng lập DoubleLine Capital, quản lý hơn 140 tỷ USD tài sản, vào năm 2009. Quỹ này nhanh chóng ghi nhận thành tích vượt trội so với các quỹ trái phiếu khác. Thành công của ông đã giúp ông được mệnh danh là “Vua trái phiếu”. Vị tỷ phú này cũng dự đoán chính xác đợt sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ năm 2007.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư, khi được hỏi về chiến lược đầu tư của ông trong bối cảnh Fed giữ lãi suất ở mức cao, Gundlach nói rằng ông không thích giữ lượng tiền mặt lớn dù đây là khoản đầu tư đang mang lại lợi nhuận cao.

Tỷ phú dự báo: “Tôi nghĩ lãi suất sẽ giảm khi chúng ta bước vào giai đoạn suy thoái trong nửa đầu năm tới. Tôi không thích tiền mặt vì mức lãi suất hiện tại dù đang rất hất dẫn nhưng có khả năng sẽ giảm đáng kể vào năm tới.”

Thay vào đó, ông khuyên nhà đầu tư phân bổ tiền vào trái phiếu ngắn hạn để có lợi nhuận cao. Ông chia sẻ: “Tôi muốn đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm vì có thể kiếm tiền từ mức lợi suất khoảng 8% trong hơn 6 tháng. Với T-Bill and Chill, nhà đầu tư có thể mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 6 tháng và với mức lợi suất 5,5%. Lãi suất sẽ không tăng cao nữa và đang có khả năng giảm, nên nắm giữ tiền mặt không phải lựa chọn khôn ngoan.”

Gundlach nói rằng, dù đường cong lợi suất cho thấy Fed sẽ hạ lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản vào năm tới, nhưng đây là điều mà ông cho rằng sẽ không xảy ra.

“Vua trái phiếu” cho hay: “Tôi nghĩ lãi suất cao sẽ duy trì trong thời gian dài hơn, nhưng nếu nền kinh tế diễn biến như tôi dự đoán thì Fed sẽ không hạ lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản mà là 200 điểm cơ bản. Đây chính là khi chiến lược nắm giữ tiền mặt gặp khó khăn.”

Tham khảo Yahoo Finance

Theo Chi Lan

Cùng chuyên mục
XEM