"Vua dầu hào" Lý Văn Đạt điều hành doanh nghiệp gia đình, bảo toàn danh hiệu giàu sang 5 đời của gia tộc đến hơi thở cuối cùng: "Suốt 80 năm qua, tôi không có gì để hối tiếc!"

05/08/2021 09:47 AM | Sống

Thừa hưởng thương hiệu dầu hào Lee Kum Kee từ ông nội, Lý Văn Đạt đã nỗ lực duy trì và phát triển tập đoàn gia đình tồn tại suốt hơn 130 năm và được mệnh danh là 'Vua dầu hào’ Hong Kong.

Ngày 25/2/2021, Forbes đã công bố “Danh sách người giàu nhất Hong Kong - Trung Quốc năm 2021” kỳ mới nhất. Đáng chú ý là trong danh sách này có Lý Văn Đạt (Lee Man Tat), người đứng đầu công ty chưa niêm yết Lee Kum Kee. Ông Lý xếp thứ 6 trong danh sách với tổng tài sản 17,4 tỷ USD, so với 15,2 tỷ USD của năm ngoái. Hồi tháng 7/2021, 'Vua dầu hào' Lee Man Tat đã qua đời ở tuổi 91.

Lý Văn Đạt là người cầm quyền thế hệ thứ 3 của LKK Group, công ty mẹ hãng nước sốt Lee Kum Kee. Ở tuổi 91, ông đã nghỉ hưu và hiện chỉ giữ vai trò cố vấn trong tập đoàn. Sự giàu có của Lee Kum Kee luôn là một ẩn số, còn Lý Văn Đạt là tỷ phú vô hình lớn nhất Trung Quốc.

Và đây chính là câu chuyện về cuộc đời ông ấy…

Từ Ma Cao rồi lại quay về Ma Cao

“Truyền thuyết” về Lý Văn Đạt bắt nguồn từ ông nội của ông - Lý Cẩm Thường, ông nội Lý chính là người đã sáng lập hãng nước sốt Lee Kum Kee.

Năm 1888, Lý Cẩm Thường đến Nam Thủy, thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Nhắc đến ông nội mình, Lý Văn Đạt hồi tưởng lại: "Để kiếm sống, ông tôi đã mở một quán trà nhỏ và bán thêm dầu hào. Một lần khi ông nấu hàu mà quên tắt bếp, nước hàu trong nồi biến thành chất lỏng đen sền sệt. Ông không nỡ bỏ, sau khi nếm thử ông thấy chất lỏng đó rất ngon nên đã bán chúng ở quán trà của mình. Thế là dầu hào Lee Kum Kee đã được sinh ra".

 Vua dầu hào Lý Văn Đạt điều hành doanh nghiệp gia đình, bảo toàn danh hiệu giàu sang 5 đời của gia tộc đến hơi thở cuối cùng: Suốt 80 năm qua, tôi không có gì để hối tiếc!  - Ảnh 1.

Ông Lee Kum Sheung và vợ, người sáng lập đế chế kinh doanh Lee Kum Kee. Ảnh: SCMP.

Vào năm 1902, vì muốn chuyển đến nơi hoạt động kinh doanh và buôn bán sôi động hơn nên cửa hàng được chuyển đến Ma Cao. Mặc dù lúc đó Lee Kum Kee chỉ là một xưởng sản xuất dầu hào nhưng danh tiếng của thương hiệu rất lớn, từ lâu đã tạo nên danh tiếng “Chất lượng của nước sốt hàu của Lee Kum Kee là tốt nhất”.

40 năm sau khi Lee Kum Kee được thành lập, Lý Văn Đạt đã được sinh vào ngày 5 tháng 1 năm 1929 tại Ma Cao. Trong thời kỳ này, dầu hào đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Ma Cao. Khi Lý Văn Đạt 4 tuổi, cha và chú của ông quyết định chuyển trọng tâm kinh doanh sang Hong Kong - một cảng thương mại trung chuyển quốc tế. Họ đã mở cửa hàng Lee Kum Kee ở khu Trung Hoàn, Hong Kong.

Tuy nhiên, Lý Văn Đạt khi đó vẫn còn nhỏ, nên ông vẫn ở lại Ma Cao để sinh sống và học tập. Một trong những người bạn học của Lý Văn Đạt từng nói: “Lý Văn Đạt là người cực kỳ năng động. Anh ấy muốn kinh doanh và đã tập trung vào dầu hào từ khi học trung học cơ sở”.

Năm 1946, Lý Văn Đạt khi đó mới 17 tuổi, đã đến Quảng Châu để sản xuất và bán dầu hào trong một cửa hàng trên đường Đại Đức. Lý Văn Đạt kể lại rằng mỗi ngày ông đều đạp xe đi giao dầu hào do mình sản xuất cho các nhà hàng lớn hoặc các cửa hàng mì hoành thánh trên đường phố Quảng Châu. Với sự chăm chỉ của mình, dầu hào Lee Kum Kee dần có tiếng tăm trong ngành cung cấp dịch vụ ăn uống ở Quảng Châu.

Tuy nhiên, trong thời thế không ổn định lúc bấy giờ, không mất nhiều thời gian để Lý Văn Đạt rời Quảng Châu. Lý Văn Đạt nhớ lại cảnh ông trở về Ma Cao như thế này: “Cha tôi không đồng ý cho tôi tham gia Lee Kum Kee, vì vậy tôi nói rằng sẽ tốt hơn nếu tôi tự kinh doanh. Ông ấy đồng ý và cho tôi một cửa hàng ở đường Tân Mã, và tôi bắt đầu kinh doanh riêng. Khi đó, tôi chủ yếu tham gia buôn bán và bán lại một số mặt hàng bách hóa mua từ Hong Kong và Ma Cao cho Châu Phi.”

Mặc dù công việc kinh doanh riêng của Lý Văn Đạt đang phát triển rực rỡ nhưng bánh xe vận mệnh của ông vẫn chưa quay theo trật tự. Không lâu sau đó, quỹ đạo cuộc đời của Lý Văn Đạt sẽ một lần nữa giống với ông nội và cha mình, sẽ tiếp tục giao nhau với thương hiệu Lee Kum Kee.

Quyết tâm xây dựng “Lee Kum Kee của Lý Văn Đạt”

Năm 1955, Lý Văn Đạt và vợ Thái Mỹ Linh chuyển từ Ma Cao đến Hong Kong. Sau đó, ông dần đi sâu hơn vào công việc kinh doanh của thương hiệu Lee Kum Kee. Ngay sau đó, Lý Văn Đạt đã tự tay thiết kế nhãn hiệu và bao bì mới cho loại nước sốt gia truyền, với hy vọng sẽ làm cho hình ảnh thương hiệu gia tộc trở nên nổi bật hơn.

Năm 1969, để cải thiện hoạt động kinh doanh của Lee Kum Kee ở Ma Cao, ông nảy ra ý tưởng kích buôn để doanh thu của thương hiệu tại Ma Cao có thể phục hồi và giải quyết vấn đề thua lỗ của việc kinh doanh ở Ma Cao.

 Vua dầu hào Lý Văn Đạt điều hành doanh nghiệp gia đình, bảo toàn danh hiệu giàu sang 5 đời của gia tộc đến hơi thở cuối cùng: Suốt 80 năm qua, tôi không có gì để hối tiếc!  - Ảnh 2.

Sau khi trở lại trong vòng tay của Lee Kum Kee, Lý Văn Đạt quyết tâm hồi sinh cơ nghiệp gia đình. Tuy nhiên, vì mọi việc đều do gia đình kiểm soát, nhiều người có quan điểm, ý kiến khác nhau nên ông không thể làm theo nhận định và suy nghĩ của bản thân. Tình trạng này kéo dài cho đến năm 1972.

Năm 1972, gia tộc bắt đầu phân tán, Lý Văn Đạt mới bắt đầu phụ trách Lee Kum Kee. Đây là bước ngoặt lớn cho sự nghiệp dầu hào trong tương lai của Lee Kum Kee, đối với cá nhân Lý Văn Đạt, ông có thể thực hiện ý tưởng mà ông đã ấp ủ từ lâu để xây dựng nên “Lee Kum Kee của Lý Văn Đạt.”

Năm đó, Lý Văn Đạt đã thực hiện một thay đổi chiến lược táo bạo: tung ra loại dầu hào giá cả phải chăng mà tầng lớp lao động có thể mua được. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm dầu hào hiệu Panda được tung ra thị trường, số lượng hàng tiêu thụ được rất ít.

Lý Văn Đạt tất nhiên không phục. Ông đã đích thân đến Mỹ, đến các siêu thị Chinatown ở Los Angeles và New York để tìm câu trả lời. Ông tinh ý phát hiện ra phán đoán của mình không sai, chắc chắn dầu hào vừa túi tiền sẽ rất được thị trường ưa chuộng, điều cần cải thiện là chi tiết tiếp thị và hình ảnh của thương hiệu mới.

Ví dụ, màu sắc bao bì của dầu hào thương hiệu Panda không đủ sáng, không đủ nổi bật giữa các sản phẩm chói lóa. Vì vậy, ông đã nhanh chóng thay đổi màu sắc chủ đạo của bao bì dầu hào Panda từ vàng sang đỏ để tăng hiệu ứng thị giác. Mặt khác, trước sự lo lắng của các đại lý về hàng tồn kho, Lý Văn Đạt đã yêu cầu họ lấy hàng trước, sau đó mới thanh toán tiền khi hàng đã bán hết.

Đúng vào lúc làn sóng di dân Trung Quốc vào Mỹ cực thịnh lúc bấy giờ, ngành công nghiệp ăn uống của Trung Quốc đang phát triển rầm rộ, và sản phẩm dầu hào thương hiệu Panda đã thành công rực rỡ trên đất Mỹ.

"Cuộc đời của tôi quá viên mãn rồi!"

 Vua dầu hào Lý Văn Đạt điều hành doanh nghiệp gia đình, bảo toàn danh hiệu giàu sang 5 đời của gia tộc đến hơi thở cuối cùng: Suốt 80 năm qua, tôi không có gì để hối tiếc!  - Ảnh 3.

Sau khi bước vào những năm 1990, ẩm thực Quảng Đông, vốn chủ yếu phổ biến ở Quảng Đông, dần trở nên phổ biến khắp Trung Quốc. Lý Văn Đạt tin rằng: “Người Trung Quốc nổi tiếng thế giới về sự chăm chỉ. Trong một thời gian ngắn thôi, sẽ càng nhiều người có khả năng chi trả, họ sẽ đến nhà hàng ăn xà lách với dầu hào, mua dầu hào của Lee Kum Kee và các loại nước sốt khác. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và chờ đợi sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc Đại lục.”

Chẳng bao lâu sau đó, Lý Văn Đạt đã vạch ra kế hoạch phát triển rõ ràng: Trước tiên xây dựng cơ sở sản xuất ở đại lục, đồng thời vun đắp thị trường, và đợi nó tăng trưởng từ từ.

Trong những năm gần đây, Lee Kum Kee đã liên tiếp trở thành gia vị chỉ định cho các sự kiện quốc tế như Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, Hội chợ triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010, Hội nghị thượng đỉnh Hàng Châu G20 năm 2016 và Hội nghị BRIC Hạ Môn 2017. Ngày nay, hơn 200 sản phẩm của Lee Kum Kee được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới. Có thể nói “Ở đâu có con người, ở đó có Lee Kum Kee.”

Lý Văn Đạt từng nói một câu với giới truyền thông và đó có thể là câu tóm tắt hay nhất về cuộc đời ông: “Người dân Hong Kong làm kinh doanh khi trải qua những thăng trầm, họ đặc biệt chú trọng đến việc 'giữ hòa khí để kiếm tiền'. Suốt 80 năm qua, tôi không có gì để hối tiếc, cuộc đời của tôi quá viên mãn rồi.”

Hiện, Lee Kum Kee là một trong số những tập đoàn gia đình trị hiếm hoi ở Trung Quốc tồn tại hơn 130 năm và vẫn phát triển với tham vọng tồn tại 1.000 năm. Ngày 26/7/2021, ông Lee đã qua đời tại tư gia, thọ 91 tuổi. Thông cáo về sự ra đi của Chủ tịch Lee, Tập đoàn Lee Kum Kee, đã viết: "Ông Lee là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng với tầm nhìn độc đáo và hướng về phía trước. Ông liên tục mang lại những góc nhìn mới mẻ và động lực cho tập đoàn, đưa Lee Kum Kee trở thành một thương hiệu nước chấm và gia vị nổi tiếng thế giới".

Theo Zhihu

Hoàng Lan

Cùng chuyên mục
XEM