img

Là người con út thứ 9 trong gia đình nghèo, bắt đầu đi khai hoang lập nghiệp với hai bàn tay trắng, giờ đây ông Huy đã gây dựng được cơ ngơi lớn với gần 1.000 ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh, từ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tới cao nguyên Lâm Đồng. Nhắc đến Út Huy, người miền Tây ai cũng biết và gọi ông với nhiều biệt danh: "đại gia chân đất", "tỷ phú nông nghiệp" hay "người khai hoang mở cõi" vì từ năm 1995, ông đã biến vùng đất Đức Huệ (Long An) từ chỗ không một bóng người thành trang trại rộng lớn, thu lợi hàng tỷ đồng...

Năm 2015, khi ông Huy đưa trái chuối sang Nhật thành công, giúp đỡ truyền kinh nghiệm cho nhiều hộ nông dân cũng như tạo thêm hàng trăm việc làm cho lao động địa phương… thì nhiều người gọi ông là "vua chuối". Cái tên này sau đó đã gắn liền với ông Huy.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 1.

Trương Thu Hường: Được mệnh danh "vua chuối", phía sau ông đang có "đội quân" như thế nào?

Võ Quang Huy: Đâu có gì nhiều. Chuối do mình tự trồng hơn 200ha, hùn hạp với khoảng chục hộ nông dân hơn 200ha nữa. Công ty có chừng 500-600 công, nhân viên. Doanh số xuất khẩu chuối tầm 10 triệu USD/ năm. Tôi còn nuôi thêm bò, tôm, trồng bưởi... và nếu xét riêng trong các công ty trồng chuối, chắc tôi đứng hạng bét (cười).

Người ta gọi vua chuối chắc vì tôi làm lớn nhất so với cánh nông dân, lại là người đầu tiên xuất sang Nhật thành công, vào được thị trường khó tính nhất thế giới.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 2.

Trương Thu Hường: Chuyện xuất hàng vào thị trường khó tính nhất thế giới đó có gì đáng nhớ?

Võ Quang Huy: Hồi mới xuất hàng qua đó, có một ngày họ phản hồi chuối của tôi bị hư. Buổi trưa vừa hay tin, sáng hôm sau tôi đã tới tận nơi. Tôi đi một mình, mua vé xong xuôi mới thông báo với họ. Lúc đón tôi ở sân bay, mấy bạn Nhật vô cùng bất ngờ, nói chưa từng thấy khách hàng nào lì lợm tới như vậy.

Tới Nhật Bản, tôi còn không có thời gian nghỉ khách sạn vì phải đi một vòng các siêu thị, chạy qua loạt kho trữ hàng để coi có đúng chuối của mình bị hư như lời họ phản ánh. 7-8h tối, tôi vẫn họp cả tiếng với khách hàng để phân tích nguyên nhân, giải trình phương án khắc phục rồi đi ăn tối và về nước ngay trong đêm. Thấy mình quyết liệt như vậy, mấy bạn Nhật rất nể.

Khi tìm hiểu kỹ, tôi mới biết mình chưa có nhiều kinh nghiệm, thùng chuối đáng lẽ chỉ đóng 13-13,2kg, tôi lại nghĩ làm càng bự người ta càng khoái và tự cho dư lên 1-1,5kg/ thùng. Ai dè đóng chặt quá, thùng chuối sinh nhiệt rồi bị hư khá nhiều, cuối cùng lại tự mình hại mình.

Mặc dù lỗi này hoàn toàn không phải do chất lượng chuối kém, nhưng khi buôn bán với người Nhật, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc: cái gì đã hỏng là phải bồi thường hết.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 3.

Trương Thu Hường: Đó là cách hành xử của ông khi xây dựng quan hệ đối tác với người Nhật, còn ở chiều ngược lại thì sao?

Võ Quang Huy: Mấy bạn bên đó "kết" tôi vì mô hình nuôi bò rồi lấy phân để trồng chuối. Khi người bán hàng đem chuyện này kể với mấy ông nông dân bên Nhật thì ai cũng cảm kích và muốn qua đây chơi. Có bận họ sang đông lắm, nội chào hỏi nhau thôi hết 1 tiếng đồng hồ.

Có ông bạn Nhật 80 tuổi mà vừa tới trang trại, lột giày ra, xắn quần lên là nhào vô chuồng bò, không ngại đi trên cả đống phân. Bước tới đâu, ổng cũng rít lên ngửi. Ra tới vườn chuối ông cũng bốc đất lên hít hà. Hỏi ra mới biết ông đó làm về vi sinh nên mới vậy.

Con trai tôi từng có dịp tới thăm ông, thấy mô hình của họ hay quá vì chuồng bò tuyệt nhiên không có mùi khó chịu nên mới mời người ta qua đây, nói để mua vi sinh cho họ. Nhưng khi tới thăm, họ đi một vòng rồi ngửi hết tất cả thì bảo vi sinh của tôi tốt lắm rồi, không cần mua gì nữa.

Mấy bạn đó chơi với mình rất chân tình. Từ cách xa hơn 4.000km, họ tự bỏ tiền qua đây thăm nhưng đâu cần bán hàng mà chỉ hướng dẫn tôi sử dụng các sản phẩm sẵn có một cách tốt hơn.

Trương Thu Hường: Nhật khó vậy ông còn làm ăn ngon lành được, chắc thị trường Trung Quốc sẽ rất dễ vì theo tôi được biết, trung bình mỗi năm ông đưa sang đó tới 50% tổng sản lượng chuối xuất khẩu…

Võ Quang Huy: Nói thật, chuối Việt Nam đang rất được quan tâm ở Trung Quốc vì lợi thế sát gần, nếu đường bộ không tắc thì vận chuyển rất nhanh. Quan điểm của tôi không bao giờ bỏ thị trường béo bở ấy. Trên thế giới đâu có nước nào như vậy: hơn 1 tỷ dân mà mùa vụ sản xuất chuối của họ rất ngắn, chỉ chừng 2 tháng, nhu cầu nhập khẩu lớn hàng chục triệu tấn/ năm. Vậy mà tự tôi áng chừng cả nước ta xuất qua đó chỉ loanh quanh mốc 1 triệu tấn/ năm, có nghĩa tiềm năng phía trước còn rất rộng.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 4.

Bán cho Trung Quốc cũng đa dạng mô hình. Vẫn có công ty mua trước, ký tá đàng hoàng. Nhưng số đó ít lắm, đa phần họ nói bằng miệng, thư điện tử và khi làm ăn với mấy bạn này rất dễ bị cuốn vào guồng quay của họ.

Kinh nghiệm của tôi, phải xem xét kỹ bạn hàng, thấy anh nào không trường vốn thì bán theo kiểu tiền tươi thóc thật, chứ bán trước họ chỉ cọc một phần và khi thua lỗ lại ì èo rất mệt. Cũng phải nâng cấp đối tác, ưu tiên đáp hàng cho mấy bạn có tìm hiểu và tự lựa chọn mình. Mấy bạn dễ tính quá, tới biên giới có sao mua vậy dễ xù kèo, rất rủi ro.

Khi làm bạn với Trung Quốc cũng phải lưu ý: hàng đẹp không bằng chợ đẹp. Ví dụ họ có những khu chợ ngành hàng rất lớn mà vô đó giá sẽ trở về theo kiểu ít thì tăng, nhiều thì giảm. Như chợ mít ở biên giới Trung Quốc mỗi ngày tiêu thụ khoảng 120 container. Nếu xe đậu vừa đủ, trong 100 ngoài tầm 50 cái, giá sẽ ổn, đông hơn nữa giá xuống ngay lập tức. Mình phải lưu ý để nắm được giá cả trên thị trường.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 5.

Trương Thu Hường: Nói vậy bấy lâu nay chuyện được mùa rớt giá hoặc rủi ro khi bán hàng cho nước láng giềng tỷ dân phần nhiều vì người Việt chưa biết cách?

Võ Quang Huy: Nhiều người thường đổ lỗi cho thương lái Trung Quốc được mùa ép giá liệu đúng chưa và tại sao bán cho họ có lúc được, lúc không? Thực tế bên đó vẫn là nước nông nghiệp và họ làm rất giỏi chứ không thua kém gì Việt Nam. Tôi qua đó 6 tháng để học hỏi, thấy nông dân người ta làm việc gấp 2-3 lần so với người nước mình. Nếu ta không biết gì về mùa vụ của họ, chuyển hàng qua đúng lúc bên đó đang thu hoạch thì tất nhiên rất khó bán.

Nước mình có điều kiện khí hậu thuận lợi, đa số cây trái có thể sản xuất quanh năm. Nhưng không nhiều người làm chuyện đó mà thường dồn hết vào một vụ để đến nỗi ngay trái chuối 2 năm nay cứ vô mùa là tất cả đứng giá, chứ không phải như mấy năm trước thường được giá nữa rồi.

Nhiều người nói thập niên 20 này đang là thời kỳ của nông nghiệp lên ngôi. Tôi thấy muốn phát triển, trước hết phải thay đổi tư duy của nông dân, làm sao cho họ hiểu liên kết với doanh nghiệp là con đường sống còn. Chúng tôi có vật tư, chuyên ngành, uy tín về sản xuất, đội ngũ kỹ thuật, chỉ đòi hỏi nông dân tuân thủ theo sẽ không cần phải lo đầu ra. Nhưng nhiều ông không thấy được việc đó, cứ thích tự trồng, tự bán rồi khi thị trường lên xuống, chính họ lại chịu thiệt.

Như tôi bây giờ hợp tác với nông dân vẫn mua giá cố định, kể cả lúc thị trường lao dốc. Nhiều người thấy vậy khoái, nhưng nhiều người chưa hiểu đâu. Họ cứ hỏi, tại sao tôi bán chuối giá cao nhưng chỉ mua cho nông dân có như vậy? Bởi vì còn đóng gói, vận chuyển… Tôi mua cho dân là đã tính sao cho họ có lời ở mức chấp nhận được.

Vấn đề ở chỗ người nước mình lạ lắm. Tâm lý một số nông dân khi được giá, họ sẵn sàng bỏ mình đi bán cho chỗ khác. Làm sao để kèo này không lật? Cách của tôi là phải hùn vốn, cùng trồng chuối với nông dân, xác định trong này có tài sản của tôi và của họ.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 6.

Thứ hai, Trung Quốc đang phát triển nhanh, nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao và sớm muộn gì sẽ không thua kém châu Âu, Bắc Mỹ. Nếu chúng ta không thay đổi sẽ không thể nào đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe đó. Ví dụ, bây giờ muốn xuất chuối đi Trung Quốc mà không có mã vạch vùng trồng, mã đóng gói, nhà máy xử lý… cũng không thể nào làm được. Nông dân làm nhỏ lẻ sẽ càng khó khăn hơn.

Còn chuyện vừa qua tắc biên giới vì chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc là có thật. Nhiều người thuê container chở hàng lên phía Bắc bị thua lỗ quá trời. Để giải quyết bài toán này, chắc chắn Việt Nam phải thay đổi trước, xây dựng phương án xử lý hàng hóa vô khuẩn để đưa vào thị trường đó thuận lợi hơn.

Nông dân cũng phải nghĩ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng ta vẫn bán hàng cho Trung Quốc, nhưng cũng phải phục vụ cả các thị trường khác, tránh rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào một chỗ.

Trương Thu Hường: Nghe nói về vấn đề liên kết này, ông đã nhiều lần kiến nghị với các lãnh đạo cấp cao?

Võ Quang Huy: Đúng vậy! Tôi đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại diện cho cánh nông dân phát biểu. Tôi cũng từng gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lúc ông còn làm Thủ tướng và tiếp xúc với nông dân. Các Bộ trưởng như ông Nguyễn Xuân Cường, ông Lê Minh Hoan thì khi có dịp tham gia diễn đàn, tôi đều nói hết rồi.

Câu chuyện mà nhiều đời Bộ trưởng hay nói là Nhà nước, doanh nghiệp, và nông dân phải liên kết thành một vòng. Nhưng làm sao có được cái vòng đó? Theo tôi phải thay đổi người nông dân, đưa ra bài học cho họ về sự liên kết.

Muốn vậy, chính hệ thống chính trị nước ta phải làm sao có một cuộc cách mạng chuyển đổi nhận thức cho nông dân, chứ không thể để họ làm manh mún, nhỏ lẻ mãi như vậy. Doanh nghiệp cũng không thể đứng ra nói chuyện hoài vì bản thân ông nông dân vốn không tin doanh nghiệp, dẫu có nói họ cũng rất khó nghe lọt.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 7.
“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 8.

Trương Thu Hường: Nhận ra tất cả những điều đó, tự bản thân ông đã có sự thay đổi như thế nào trên con đường làm nông nghiệp?

Võ Quang Huy: Tôi liên kết với doanh nghiệp ngay từ đầu. Ngày xưa, chính các nhà máy đường đã bỏ tiền ra cho tôi đi khai hoang trồng mía. 860 ha đất của tôi ở nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Long An, Bạc Liêu, Bình Dương, Tây Ninh,… phần nhiều là nhờ đi khai hoang. Mỗi khi nhắc lại, tôi đều nói mình nợ cây mía hai chữ ân tình. Có cây mía, có nhà máy đường mới có tôi của ngày hôm nay.

Từ vùng đất phèn chua ở Đức Huệ (Long An) mà tôi khai hoang và dùng phân hữu cơ cải tạo đã cho ra chất lượng cây mía rất tốt. Ngày nào nhà máy đường dán bảng thông báo thì ông Võ Quan Huy này cũng là người đứng đầu về tỉ lệ mía cho đường rất cao. Cái đó làm mình sướng gì đâu!

Thứ hai, tôi không giống như phần lớn ông nông dân làm ra không biết bán cho ai. Ngay từ đầu mình đã định vị được thị trường.

Ví dụ, tôi trồng mía thành công như thế, nhưng khi tham quan mô hình sản xuất mía đường ở Thái Lan, tôi thấy công nghệ họ vượt trội quá, cứ 9 tấn mía, 1 tấn đường, trong khi nước mình vẫn tính bao nhiêu tấn mía/ ha. Thứ hai, họ cơ giới hóa kinh khủng. Một xe ô tô chở 90-100 tấn mía, còn nước mình cứ chở 20 tấn sẽ bị phạt vì quá cỡ. Hạ tầng mình đâu có, làm sao cạnh tranh được? Về nước, tôi thu hoạch vụ mía cuối năm 2002, sang năm sau nghỉ trồng vì biết chắc khi có hiệp ước miễn thuế khu vực, ngành mía đường trong nước sẽ khó khăn.

Thứ ba, tôi luôn đi đầu, nắm bắt rất nhanh xu thế trên thị trường. Ví dụ, lúc nuôi tôm, tôi cũng bán cho nhà máy chế biến và khi thấy tình hình EU ngày càng khắt khe, tôi nói họ nên phân ra dòng tôm có và không có kháng sinh. Lúc đầu họ kêu không thể nào làm được, mà cuối cùng đến giờ vẫn phải làm đấy thôi vì thị trường đòi hỏi bắt buộc phải như vậy.

Sau này, tôi trồng chuối là xác định xuất khẩu. Chiến lược của tôi không chỉ muốn đưa hàng sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… mà ngay từ đầu mình phải đưa trái chuối lên bàn ăn của những nước khó tính nhất thế giới để nâng cao uy tín. Tôi chọn Nhật Bản cũng chính là cách để gây dựng tên tuổi.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 9.

Để đưa hàng qua đó có tới 700 tiêu chí, nhưng bản chất không có gì lớn lao. Cơ bản vẫn là những chất cấm trong thực phẩm, nhất là chất bảo quản, dư lượng thủy ngân, asen, chì, chất bảo vệ thực vật… Lúc nào tôi cũng có bảng phân tích mới nhất đưa cho họ. Nhưng thú thực, làm một cái bảng như vậy theo đúng quy trình minh bạch, rõ ràng cũng đâu hết nhiều tiền, cộng trừ chỉ 20-30 triệu đồng.

Để đảm bảo chất lượng, tôi làm chuẩn theo tiêu chí toàn cầu, minh bạch mọi công đoạn sản xuất, đóng gói, có nhật ký hàng ngày trung thực… và sử dụng tới 90% phân hữu cơ. Nếu so sánh trong nước, chuối của tôi sẽ có sự khác biệt rõ ràng, chỉ cần thử 2 trái chuối của tôi và một thương hiệu khác là biết ngay. Năm nào các siêu thị ở Nhật cũng làm khảo sát về đánh giá của người dùng đối với các loại chuối, thương hiệu của tôi được đánh giá có chất lượng ổn định.

Có nhiều người hô toáng lên làm nông nghiệp sạch, hữu cơ… Nhưng với tình trạng thuốc BVTV được chứng nhận hữu cơ bị thổi giá như hiện nay, nếu họ vẫn bán sản phẩm đầu ra với giá bình thường thì tôi thấy khó tin. Với tôi, bất kể làm theo tiêu chuẩn nào, Viet GAP, Global GAP hay hữu cơ thì cuối cùng tiêu chuẩn "lương tâm GAP" mới là cái chắc ăn nhất.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 10.
“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 11.

Trương Thu Hường: Cuối cùng, sau tất cả những nỗ lực và kinh nghiệm đó, ông nghĩ thành công lớn nhất mình đạt được là gì?

Võ Quang Huy: Chắc là chuyện hồi nào cây gì lên đỉnh đều có mặt tôi hết. Ví dụ, vinh quang cây mía có tôi, cao su, ớt, dưa hấu hay chuối cũng vậy. Hoặc khi tôm bị bệnh chết la liệt cũng có tôi mà tới lúc ngành này thành công như hôm nay, tôi cũng có mặt.

Cái đó làm tôi thấy cực đã với những thành quả rất thực thụ. Vất vả, thử thách mình vẫn vượt qua, tồn tại và phát triển được ngay trong ngành nghề đang khó khăn để rồi có mặt ở lúc nó vinh quang rực rỡ nhất.

Trương Thu Hường: 40 năm theo đuổi ngành nông nghiệp, bây giờ ông thấy mình còn điều gì trăn trở?

Võ Quang Huy: Tôi thấy tôi làm cái gì cũng chưa ra, thành thử mình vẫn còn hoài việc. Ví dụ phát triển cây chuối có chỗ hết vốn phải dừng lại, xây dựng hạ tầng cho đủ, nhất là mấy mô hình liên kết với nông dân.

Về đời sống, tôi vẫn như người nông dân, đại khái toàn những món rất bình dân. Tôi lội ruộng tối ngày, chơi với công nhân, nông dân, tới thăm họ gặp bữa cũng làm chai cuốc lủi ngồi với nhau là xong.

Cuộc sống vật chất mình đâu cần gì. Điều tôi mong nhất là làm sao hùn hạp với nhiều nông dân hơn nữa, giúp họ bao tiêu sản phẩm để phát triển kinh tế.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 12.

Trương Thu Hường: Nhìn lại cuộc đời mình, ông nghĩ bản thân sẽ tự hào vì điều gì nhất?

Võ Quang Huy: Tôi nghĩ trên những cánh đồng hoang có dấu chân tôi nhiều nhất. Tất cả những nơi tôi đến đều hoang vu, nhưng khi mình đứng lên được rồi nhìn lại thì xung quanh đã hóa thành một vùng nông nghiệp rất trù phú.

Ví dụ, khi tôi qua Bình Dương khai hoang thì ở đấy chỉ có thú rừng. Cả một vùng rộng lớn không bóng người mà bây giờ cũng thành nơi cây trái mọc sum sê, dân cư đông đúc. Xuống Sóc Trăng nuôi tôm, đất đai cũng toàn thấy dừa nước, đường sá không có phải lội xuồng, đi bộ còn giờ xe hơi chạy tới nơi.

Ở đâu tôi cũng cất nhà cho công nhân. Trong Đức Huệ (Long An), tôi phải xây nhà cho hơn 200 công nhân. Ở vườn bưởi dưới Tây Nguyên, tôi cũng xây nhà cho 40 công nhân… Mình vừa đi vừa trồng, vừa xây nhà như thế đã làm sống dậy cả một vùng đất, mở đầu cho phong trào khai hoang.

Một ước mơ lớn hồi trẻ của tôi là muốn đưa vùng đất phèn của Đồng Tháp Mười phát triển thành nơi trù phú và tới giờ, ước muốn đó nó đã trở thành sự thật.

“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 13.
“Vua chuối” Võ Quan Huy: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc” - Ảnh 14.
Trương Thu Hường
Ngọc Hân
Tuệ Nhật
https://soha.vn/vua-chuoi-vo-quan-huy-dung-do-loi-cho-trung-quoc-20220606154714848.htm

Nhịp Sống Kinh tế