"Vua chuối" Huy Long An kể chuyện xuất khẩu sang Nhật: Tôi từng phải bay ngay sang Nhật để xem chuối bị thẹo, xấu ở đâu để khắc phục cho khách hàng

21/09/2018 08:30 AM | Kinh doanh

“Như mình chưa đủ, còn thiếu cái này, cái kia thì nói với phía đối tác trong vòng 2 tháng, 3 tháng nữa mình sẽ làm xong chẳng hạn. Sau đó chứng minh cho họ thấy là mình đã làm xong”, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, nói về chuyện xuất khẩu chuối sang Nhật.

Trong cuộc trò chuyện mang tên Chuẩn Chất là số 1 trên Đài truyền hình Đồng Nai gần đây, ông Võ Quan Huy đã chia sẻ câu chuyện mang chuối sang Nhật và các thị trường khác.

Khởi nghiệp với khoảng 25 cây, con các loại

Ông Huy, người nổi tiếng với danh hiệu “vua chuối”, “vua tôm”, chia sẻ ông đã khởi nghiệp khoảng 25 lần. Mỗi lần ông chọn một loại, từ tôm, bò… nhưng thương hiệu chuối Fohla được nhiều người biết đến nhất. Đến nay, vườn chuối của ông gồm hơn 40 hec ta ở Long An, và 70 hec ta ở Tây Ninh.

Ông bắt đầu trồng chuối từ năm 2014. Tới năm 2015 cho ra sản phẩm và 2016 thì xuất khẩu.

“Tôi chọn cây chuối vì hàng năm kim ngạch của các nước nhập khẩu trong khối CPTPP rất lớn, từ 15 – 17 tỉ USD. Trong đó, Nhật Bản là nước nhập khá nhiều, một năm trên 1,2 triệu tấn chuối, Hàn Quốc khoảng 1 triệu, Trung Quốc trên 1 triệu tấn”, doanh nhân họ Võ nói.

Vua chuối Huy Long An kể chuyện xuất khẩu sang Nhật: Tôi từng phải bay ngay sang Nhật để xem chuối bị thẹo, xấu ở đâu để khắc phục cho khách hàng - Ảnh 1.

Vườn chuối của ông Huy tại Long An.

Lấy nền VietGAP làm chuẩn xuất khẩu và cộng thêm các tiêu chuẩn khác

Nhiều người cho rằng, VietGAP không có giá trị, nhưng ông Huy nghĩ khác. Với ông, VietGAP chỉ thua GlobalGAP ở tính cộng đồng, vấn đề lao động.

“GlobalGAP đòi hỏi phải lo nơi ăn, ở của công nhân, sinh hoạt, đi học… nên tôi nghĩ mình không tự ti về tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn VietGAP tôi nghĩ rất đầy đủ và phù hợp với chuẩn Việt Nam”.

Thực tế, theo ông Huy, việc bán hàng cho Nhật Bản, Hàn Quốc, công ty Huy Long An – Mỹ Bình lấy nền tảng là VietGAP để quản trị sản xuất, cộng thêm một số yêu cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc bổ sung là đủ.

Trong đó, Nhật Bản phân tích hơn 200 chỉ tiêu về trái chuối, Hàn Quốc có hơn 170 chỉ tiêu. Nhưng không phải hơn 170 chỉ tiêu này nằm trong các chỉ tiêu của Nhật Bản. Hai nước này cộng lại lên tới gần 300 chỉ tiêu.

Nên về chuẩn hội nhập cho hàng hóa xuất khẩu, tùy theo mặt bằng của từng đất nước mà doanh nghiệp đáp ứng theo yêu cầu của họ, ông Huy chia sẻ.

Vua chuối Huy Long An kể chuyện xuất khẩu sang Nhật: Tôi từng phải bay ngay sang Nhật để xem chuối bị thẹo, xấu ở đâu để khắc phục cho khách hàng - Ảnh 2.

Xuất Nhật: Nếu thiếu hoặc chưa đạt tiêu chuẩn, hãy nói với họ rõ ràng, minh bạch và chứng minh mình có tính cam kết

Ông Huy cho biết, quãng thời gian nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu nhiều lần tiếp các đối tác nhập khẩu tôm từ Nhật, EU, Mỹ… nên biết được văn hóa tiêu dùng của người Nhật, họ muốn hiểu thật rõ về nguồn gốc sản phẩm mà họ muốn mua.

"Khi trồng chuối tôi đã có mối quan hệ với các đối tác Nhật Bản, mời họ tới xem cách mình làm như thế nào, mình minh bạch mọi thông tin cho họ thấy".

Mặt khác, làm với người Nhật, khi thấy mình sai họ nói liền và muốn mình sửa điểm sai đó.

“Như mình chưa đủ, còn thiếu cái này, cái kia thì nói với phía đối tác trong vòng 2 tháng, 3 tháng nữa mình sẽ làm xong chẳng hạn. Sau đó chứng minh cho họ thấy là mình đã làm xong”, ông Huy nói về chuyện xuất khẩu chuối sang Nhật.

Bản thân ông Huy cũng từng phải bay liền sang Nhật vì trái chuối có thẹo, tật.

Ông kể, có lần xuất chuối sang Nhật nhưng không kiểm soát được một số chuối có thẹo, đối tác đã phản ánh. Nếu tỉ lệ này trong mức thỏa thuận thì không sao nhưng nếu nhiều quá thì phải xin lỗi.

“Tôi liền bay qua Nhật, đến xem chuối của mình bị xấu, tật ở đâu để xem, biết còn về kiểm tra, sửa sai… Phía đối tác thấy sự thiện chí, có trách nhiệm với hàng hóa từ mình nên họ rất dễ chịu trong việc làm này”.

Ông Huy cũng cho rằng, để xuất khẩu nông sản bền vững, doanh nghiệp phải tự xây dựng được một tiêu chuẩn hàng hóa cho mình. Nếu ngay từ bây giờ không thay đổi chất lượng sản phẩm, thì câu chuyện nông sản làm ra bán không được luôn hiện hữu.






Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM