Vụ thu học phí cả trăm triệu đồng cho 3 tháng dù tiền đóng trước đó chưa sử dụng đến: Trường Quốc tế càng gây bức xúc khi đưa lý do trả lương cho giáo viên

12/04/2020 15:13 PM | Kinh doanh

Trong khi số tiền học phần 3 chưa sử dụng đến do con nghỉ học thì phụ huynh lại phải đóng học phần 4. Nhà trường đưa ra lý do là trả lương cho giáo viên và duy trì hoạt động.

Thu học phí để trả lương và duy trì hoạt động?

Mấy ngày qua, phụ huynh Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (viết tắt là VAS) bức xúc vì trường thông báo tiếp tục thu học phí cả trăm triệu đồng dù tiền đóng trước đó chưa sử dụng đến .

Cụ thể, phụ huynh phải đóng học phí phần 4 (trường thu học phí 4 phần/năm hoặc đóng cả năm) cùng với các chi phí kèm theo như ăn uống, xe đưa đón dù con vẫn đang nghỉ học vì dịch. Bên cạnh đó, phụ huynh sẽ đóng thêm 20 triệu đồng/học sinh tiền phí giữ chỗ cho năm học mới.

Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc có mức học phí dao động từ 143-425 triệu đồng/năm. Như vậy, dù nghỉ học ở nhà nhưng phụ huynh vẫn phải lo cả trăm triệu đồng trong đợt đóng học phí cho con lần này.

Sau khi đưa ra thông báo gây phản đối dữ dội từ các bậc phụ huynh, Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) đã tiếp tục gửi mail và thông báo lý do là trả lương cho giáo viên và duy trì hoạt động.

Vụ thu học phí cả trăm triệu đồng cho 3 tháng dù tiền đóng trước đó chưa sử dụng đến: Trường Quốc tế càng gây bức xúc khi đưa lý do trả lương cho giáo viên - Ảnh 1.
Vụ thu học phí cả trăm triệu đồng cho 3 tháng dù tiền đóng trước đó chưa sử dụng đến: Trường Quốc tế càng gây bức xúc khi đưa lý do trả lương cho giáo viên - Ảnh 2.
Vụ thu học phí cả trăm triệu đồng cho 3 tháng dù tiền đóng trước đó chưa sử dụng đến: Trường Quốc tế càng gây bức xúc khi đưa lý do trả lương cho giáo viên - Ảnh 3.

Phản hồi từ nhà trường gửi cho phụ huynh,

Trường cho biết: "Trước tình hình dịch bệnh kéo dào, như tất cả các tổ chức giáo dục khác, VAS cũng đang gánh chịu một số ảnh hưởng và các khoản phí phát sinh khi năm học có thể kéo dài đến hết tháng 6 hoặc giữa tháng 7/2020. Tuy nhiên, nhà trường đã và đang đảm bảo cho tất cả nhân viên và giáo viên đều được hưởng lương như bình thường.

"Rất nhiều nhân viên, giáo viên của VAS đến từ nước ngoài và các tỉnh thành khác trên cả nước. Chúng tôi hiểu rằng, việc đảm bảo mức lương bình thường cho mọi người là một việc làm cần thiết để họ có thể tiếp tục trang trải cuộc sống, hỗ trợ và chăm sóc gia đình trong lúc này. Đây là giải pháp thấu tình hợp lý mà chúng tôi rất cân nhắc nhằm bảo vệ và hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng VAS trong thời gian này.

Chúng tôi rất tin tưởng và hy vọng quý phụ huynh, các em học sinh cùng toàn thể nhân viên, giáo viên VAS sẽ đồng hành chia sẻ cùng chúng tôi để giữ vững sự đoàn kết, sức khỏe, bình an và cùng nhau vượt qua khủng hoảng".

Vụ thu học phí cả trăm triệu đồng cho 3 tháng dù tiền đóng trước đó chưa sử dụng đến: Trường Quốc tế càng gây bức xúc khi đưa lý do trả lương cho giáo viên - Ảnh 4.

Ảnh chụp màn hình từ phụ huynh.

"Không có lý do gì phụ huynh phải trả lương cho nhân sự của trường"

Sau khi nhận lý do trường đưa ra là để trả lương cho giáo viên và duy trì hoạt động, một phụ huynh bức xúc lên tiếng: "Nếu trường làm được vậy thì tốt quá. Nhưng trường phải minh bạch một điều: Chuyện trường kinh doanh, muốn giữ nhân viên tốt để năm sau hoạt động tốt thì đó là tốt cho trường. Trường tốt thì năm sau con em chúng tôi sẽ gửi gắm. Ngược lại, trường trả thù lao không phù hợp để mất người giỏi thì năm sau trường sẽ giảm chất lượng (ví dụ như vậy), phụ huynh sẽ tìm hướng khác. Tóm lại đó là việc của trường và năm nào ra năm đó. 

Còn phụ huynh chúng tôi, người thì mất việc, người thì bị tin giảm lương, người là chủ doanh nghiệp thì phải còng lưng trả lương cho nhân viên trong khi việc thì không có - cũng như trường. Chúng tôi đều phải giữ người trong tình hình kinh doanh kém, đó là việc chúng tôi. Không có lý do gì phụ huynh phải trả lương cho nhân sự của trường cả".

Một phụ huynh khác bày tỏ: "Từ đầu mùa dịch đến thời điểm hiện tại, chưa một lần thấy VAS gửi mail đồng cảm hay ít nhất cùng phụ huynh tìm giải pháp cho vấn đề học online, chỉ chăm chăm đến những quyền lợi riêng, định hướng phát triển của trường. Học phí trong thời điểm năm học này thì không thấy đả động đến mà giờ thì kêu gọi tuyển sinh năm học mới và giảm học phí để làm gì".

Vụ thu học phí cả trăm triệu đồng cho 3 tháng dù tiền đóng trước đó chưa sử dụng đến: Trường Quốc tế càng gây bức xúc khi đưa lý do trả lương cho giáo viên - Ảnh 5.

Học phí năm học 2019-2020 của trường với mức cao nhất là gần 425 triệu đồng/năm/học sinh ở khối 12. Mức thấp nhất là trên 143 triệu đồng/năm/học sinh tùy vào bậc học, chương trình.

"VAS là môi trường quốc tế chuyên nghiệp, hàng chục ngàn học sinh, hoạt động từ rất lâu năm rồi. Không lẽ không có nổi một quỹ dự phòng rủi ro hay sao? Mình nghĩ VAS phải chia sẻ lại với phụ huynh trong giai đoạn này mới đúng chứ", một người khác nêu ý kiến.

Ngoài ra, trường đưa thêm lý do đã triển khai việc học online nhưng khiến nhiều phụ huynh không đồng tình. Thực tế theo phụ huynh phản ánh, học sinh học online 45 phút/ngày, tuần 4 buổi. Nhiều bài thì giáo viên tìm link trên Youtube.

Đặc biệt là học phí phần 3 chưa biết giải quyết thế nào thì trường bắt đóng phần 4 cộng thêm lý do "ban ơn" là gia hạn thời gian.

Không những vậy, phụ huynh có con học hệ mầm non cũng lên tiếng phản đối vì quá vô lý: "Trường đã nêu rõ quan điểm qua email, phụ huynh có tiền thì đóng học tiếp cho con, không thì đi chỗ khác. Thế nhưng những gia đình có con học mầm non, không học được gì online, không được chạy nhảy bơi lội ở trường và thậm chí phụ huynh phải thuê người trông để đi làm thì vẫn đóng đầy đủ học phí. Mình thấy quá nực cười".

Hiện tại, đông đảo phụ huynh trường không đồng tình với việc đóng học phí lần này và yêu cầu nhà trường giải quyết thỏa đáng.

Đây không phải là lần đầu tiên trường VAS khiến phụ huynh phẫn nộ. Trước đó, phụ huynh có con học tại trường Quốc tế Việt Úc, cơ sở Sunrise (quận 7, TP.HCM) phản ánh bữa trưa của học sinh có dòi bò ra từ cà chua sống và một lần khác tại cơ sở Sala bị phụ huynh tố suất ăn trưa lèo tèo vài miếng.

Theo Tào Nga

Cùng chuyên mục
XEM