Vụ không phạt Parkson 200 tỷ đồng: Việt Nam không có quy định tài sản tranh chấp thì không được cho thuê, nhưng đòi được tiền cũng muôn vàn khó khăn
Việc không phạt Parkson 200 tỷ đồng, doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk) phân tích nếu kiện Parkson ra tòa, trong khi khoản nợ trên khó có cơ hội lấy lại, tòa nhà Saigon Paragon sẽ không cho thuê được trong một thời gian dài…
Vụ việc không phạt Parkson 200 tỷ đồng do đơn vị này đơn phương chấm dứt hợp đồng, doanh nhân Hoàng Khải phân tích: Với tình hình tài chính của Parkson lúc đó, kiện ra toà để phạt thì Parkson có thể làm thủ tục phá sản. Do Parkson thuộc loại hình công ty TNHH nên các khoản nợ khó có cơ hội lấy lại được.
Bên cạnh đó, việc dây dưa giữa hai bên sẽ khiến cho Saigon Paragon không cho thuê được mặt bằng trong thời gian dài.
Liên quan đến việc mặt bằng cho thuê khó cho thuê lại khi đang tranh chấp, luật sư của Công ty Luật PLF cho biết: Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể rằng khi các bên có tranh chấp về tài sản cho thuê thì bên cho thuê không được cho bên thứ ba khác thuê.
Tuy nhiên, hãng luật này cũng thừa nhận trên thực tế, trường hợp các bên kiện nhau ra tòa hoặc trọng tài để yêu cầu giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê, bên cho thuê sẽ gặp một số khó khăn như:
- Thời gian diễn ra việc kiện tụng kéo dài, có thể đến vài năm tùy vào nội dung tranh chấp cũng như tinh thần giải quyết tranh chấp của các bên.
- Tùy theo tính chất vụ việc mà bên thuê có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời ví dụ như: Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp ....
Và do một số trở ngại này mà trên thực tế các đối tác khác sẽ e ngại việc thuê tài sản thuê cụ thể là mặt bằng mà Parkson đã thuê trước đó nói riêng và các diện tích khác của tòa nhà nói chung, bởi tâm lý chung của các đối tác khi thuê là mong muốn có sự ổn định trong quá trình thuê.
Đồng thời, không bị hạn chế hay gặp bất kỳ trở ngại nào từ quan hệ tranh chấp giữa bên cho thuê và bên thuê trước đó.Và hệ quả là bên cho thuê sẽ bị hạn chế hoặc không khai thác được tài sản thuê hiện có.
Khi đối tác vi phạm hợp đồng thuê mặt bằng, DN làm thế nào để đòi được tiền phạt?
Theo Công ty PLF, để đòi được tiền phạt khi đối tác vi phạm hợp đồng thuê mặt bằng, trước hết, doanh nghiệp cần xem lại các thỏa thuận giữa các bên về điều khoản phạt vi phạm.
Đồng thời, ghi nhận lại hành vi vi phạm của bên thuê và thu thập các chứng cứ để chứng minh cho yêu phạt vi phạm của bên cho thuê là hợp lý và đúng theo thỏa thuận, pháp luật đã quy định.
Nếu các bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vi phạm cũng như xét thấy cần thiết, tùy theo từng trường hợp cụ thể bên cho thuê cần thực hiện ngay quyền yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết.
Khi vụ việc tranh chấp đã được thụ lý giải quyết, bên cho thuê có thể thông qua cơ quan giải quyết tranh chấp để yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với bên thuê, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán tiền phạt của bên thuê.