Vụ công ty bị Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang "đưa vào tầm ngắm": Tạm giữ tổng giám đốc và 21 thuộc cấp
Số tiền tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc và các đồng phạm chiếm đoạt lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Ngày 6-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ Nguyễn Văn An (27 tuổi, tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc, trụ sở TP HCM) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng hành vi trên, công an còn tạm giữ 21 người khác là quản lý, nhân viên của Công ty Lộc Phúc.
An được xác định là cầm đầu, chủ mưu trong việc tổ chức lừa đảo núp bóng công ty bất động sản. Ước tính số tiền chiếm đoạt của An và các đồng phạm lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Công an đưa các đối tượng trong Công ty Lộc Phúc về trụ sở làm việc
Qua đấu tranh, các đối tượng khai, từ giữa năm 2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu tổ chức hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản một số dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Để đưa nạn nhân "vào tròng", công ty đã tuyển mộ cả trăm sinh viên làm thêm, sinh viên thực tập làm nhân viên cấp dưới, sau đó, hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội tìm những căn nhà đẹp ở TP HCM chụp ảnh, đăng trên website của công ty và trang web Chợ tốt để giới thiệu bán.
Từ đây, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thành phố đã tìm và liên hệ với công ty.
Khi đó, bộ phận nhân viên cấp trên của những sinh viên này sẽ liên lạc lại với khách hàng bằng sim điện thoại rác do Công ty phát. Mỗi khách hàng, chúng chỉ sử dụng 1 sim, rồi bỏ.
Khi khách hàng muốn đi xem nhà, các đối tượng sẽ hẹn họ tới một quán cà phê rồi đưa lên chiếc xe 52 chỗ bịt bít bùng tới những "dự án ma" tại Đồng Nai. Chúng cũng thuê những người lớn tuổi hoặc những người chuyên đóng vai quần chúng của những bộ phim truyền hình, có khả năng diễn xuất tốt làm AC (gọi là chân gỗ) để tiếp cận khách hàng.
Khi đến "dự án ma", nhân viên AC luôn tiếp cận và "diễn vai" góp tiền với khách hàng đặt cọc các lô đất để được hưởng "chiết khấu giả".
Khi khách hàng đồng ý đặt cọc (khoảng 100 triệu đồng), AC sẽ đặt cọc theo nhằm kích thích, động viên khách hàng mua đất bằng được.
Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng sẽ đi cùng AC, trưởng phòng kinh doanh về lại công ty. Ở đây, khách hàng tiếp tục bị tác động để đặt thêm tiền cọc từ 60% - 70% giá trị giao dịch trên lô đất đó.
Trường hợp khách hàng yêu cầu trả lại cọc, sẽ bị nhân viên từ chối. Khi khách hàng muốn được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thì buộc phải thanh toán hết số tiền còn lại.
Khi khách hàng nhận được GCNQSDĐ thì không phải lô đất đã đặt cọc mà một lô đất khác, cách hàng chục km, giá trị thấp. Nếu khiếu nại, tố cáo thì nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc.