Vụ "Chuyến bay giải cứu": Xin cho vợ ở ngoài để làm tròn bổn phận khi chồng đi tù
Tại phiên toà "Chuyến bay giải cứu", bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, khai tất cả các hành vi đưa hối lộ đều do mình chỉ đạo, không liên quan gì đến vợ là bị cáo Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt
Sáng 20-7, được tự bào chữa tại phiên toà "Chuyến bay giải cứu", bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lữ Hành Việt (Công ty Lữ Hành Việt), cho biết trong 378 chuyến bay combo, các cơ quan chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát và đánh giá quá trình thực hiện chỉ với 2 chuyến, và cả 2 đều là của Lữ Hành Việt. Kết quả kiểm tra, đoàn công tác đã có văn bản báo cáo, đánh giá rất tích cực gửi Văn phòng Chính phủ.
Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh tại phiên toà. Ảnh: Hùng Anh
"Bị cáo tin tưởng dù xét duyệt dưới hình thức nào thì công ty của bị cáo chắc chắn sẽ được, nhưng sau đó lại không. Bị cáo thất vọng nhưng không biết trả lời công dân thế nào về sự thật rất khắc nghiệt, rất ác như vậy"- bị cáo Mạnh trình bày và cho biết lúc đó bản thân đã rất quyết tâm, cố gắng để xin bằng được những chuyến bay "chính những hành vi mập mờ đã thúc đẩy bị cáo cùng đồng nghiệp phạm tội".
Theo bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, trong suốt quá trình xin cấp phép bay, bản thân chưa hề tiếp xúc với bất cứ cá nhân, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết các chuyến bay mà chỉ thông qua bị cáo Hoàng Anh Kiếm (cộng tác viên công ty). "Bị cáo giao Kiếm đi xin cấp phép, mục đích chỉ là có việc làm, có chuyến bay đưa công dân về nước. Khi cơ quan an ninh điều tra công bố kết luận thì bị cáo mới biết Kiếm dùng một phần số tiền bị cáo đưa, để mang đi hối lộ cho một số cá nhân, tổ chức nhằm xin cấp phép chuyến bay" bị cáo Mạnh nói và cho biết bản thân nhận thức rõ đây là hành vi phạm tội, đã thành khẩn nhận, mong Hội đồng xét xử công tâm xem xét động cơ để giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Tại Công ty Lữ Hành Việt, bị cáo Mạnh cho hay Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt (vợ bị cáo), lệ thuộc hoàn toàn vào mình. Thời điểm dịch xảy ra, bị cáo Dương đang nuôi con nhỏ, tất cả hành vi vợ bị cáo thực hiện đều do Mạnh chỉ đạo.
"Chính bị cáo đã vô tình đẩy vợ mình vào con đường phạm tội. Bị cáo tha thiết xin Hội đồng xét xử nhân văn, nhân đạo để rộng lượng khoan hồng với gia đình bị cáo, cho vợ bị cáo ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ người con với cha mẹ, làm nghĩa vụ người mẹ với các con và làm tròn bổn phận người vợ khi chồng đi tù" - bị cáo Mạnh nghẹn ngào nói.
Trình bày tiếp, theo bị cáo Mạnh, suốt 2 năm dịch bệnh, toàn bộ nhân viên công ty của mình không "rời chiến tuyến" và không đòi hỏi gì. Đến nay, bị cáo Mạnh đã bị tạm giam 12 tháng nhưng nhân viên vẫn lao động, vẫn làm việc và họ mong ước được làm việc để lo cho gia đình họ. "Việc này rất chính đáng và mình đang nợ những nhân viên" - bị cáo Mạnh bày tỏ.
Cuối cùng, bị cáo Mạnh tiếp tục xin Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho gia đình mình để bị cáo Dương được ở ngoài xã hội cùng nhân viên làm việc, lo cho cuộc sống và cống hiến cho xã hội.
Tại phiên tòa, 2 luật sư tham gia bào chữa cho vợ chồng Mạnh đã trình bày nhiều quan điểm, tình tiết giảm nhẹ. Qua đó, mong muốn Hội đồng xét xử 2 bị cáo Mạnh và Dương được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật, được hưởng mức án thấp nhất.
Tại bản luận tội viện kiểm sát xác định trong năm 2021, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh đã chỉ đạo vợ là bị cáo Vũ Thùy Dương đưa 22,8 tỉ đồng cho Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) để đưa hối lộ, xin cấp phép chuyến bay combo cho công ty. Ngoài ra, bị cáo Mạnh còn chỉ đạo vợ đưa hối lộ 1,4 tỉ đồng và tự đưa hối lộ 3,5 tỉ đồng để xin cấp phép cho một công ty khác của mình.
Do đó, viện kiểm sát xác định bị cáo Mạnh đã đưa hối lộ 27,8 tỉ đồng, đề nghị mức án từ 7 - 8 năm tù; bị cáo Dương đưa hối lộ số tiền 24,2 tỉ đồng, bị đề nghị mức án từ 2 - 3 năm tù; bị cáo Kiếm đưa hối lộ 22,8 tỉ đồng, bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.